Facebook Topi

28/08/2024

Giải ngân khoản vay là gì? Quy trình giải ngân khoản vay

Giải ngân khoản vay là quá trình ngân hàng/tổ chức tài chính chuyển tiền cho người vay. Việc giải ngân vốn vay cần tuân thủ quy trình, người vay có thể lựa chọn hình thức giải ngân phù hợp

icon-fb
icon-x
icon-pinterest
icon-copy

Quy trình giải ngân khoản vay đòi hỏi sự minh bạch và tuân thủ pháp luật từ cả người vay và bên cho vay nhằm đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của cả hai bên, đồng thời giảm thiểu rủi ro tài chính. 

Giải ngân khoản vay là gì?

Giải ngân khoản vay là một khâu quan trọng trong hoạt động tín dụng. Quá trình này không chỉ đơn thuần là việc chuyển tiền từ người cho vay đến người vay, mà còn đảm bảo rằng các điều kiện tín dụng đã được thỏa mãn, và rằng người vay có kế hoạch cụ thể và khả thi để sử dụng số vốn đó một cách hiệu quả. Điều này giúp ngăn chặn rủi ro tài chính và đảm bảo sự phát triển bền vững của cả người vay và người cho vay. 

Trong bối cảnh kinh tế hiện đại, việc giải ngân khoản vay một cách minh bạch và có trách nhiệm là yếu tố then chốt để duy trì niềm tin và sự ổn định trong hệ thống tài chính. Đồng thời, nó cũng góp phần vào việc kích thích hoạt động kinh tế thông qua việc tạo điều kiện cho các dự án đầu tư và phát triển.

Giải ngân khoản vay là gì

Giải ngân khoản vay là đơn vị cho vay chuyển tiền cho người vay

Các hình thức giải ngân của ngân hàng/tổ chức tài chính

Các hình thức giải ngân được thiết kế để phù hợp với nhu cầu đa dạng của khách hàng và đảm bảo tính minh bạch trong giao dịch. Tùy thuộc vào từng khoản vay và tình hình tài chính mà ngân hàng/tổ chức tài chính cùng khách hàng sẽ thỏa thuận và lựa chọn hình thức giải ngân phù hợp nhất.

Các hình thức giải ngân hiện nay bao gồm:

Phân loại theo phương thức giải ngân

Giải ngân bằng tiền mặt: Khách hàng nhận trực tiếp số tiền vay bằng tiền mặt. Cách thức này chỉ được thực hiện khi người vay không có tài khoản ngân hàng hoặc có nhu cầu sử dụng tiền mặt.

Giải ngân không dùng tiền mặt: Người vay nhận khoản vốn vay bằng hình thức chuyển khoản, séc, hối phiếu... Hiện nay, hình thức giải ngân vào tài khoản thanh toán là phổ biến nhất..

Tính theo số lần giải ngân

Giải ngân một lần: Đây là hình thức cấp toàn bộ số tiền vay trong một lần duy nhất nhằm đáp ứng các nhu cầu tài chính gấp như mua nhà, mua xe, vay tiêu dùng...

Giải ngân theo chu kỳ: Ngân hàng hoặc tổ chức tài chính sẽ cấp tín dụng tại nhiều khoảng thời gian khác nhau, thường thấy là giải ngân vốn vay theo tiến độ dự án (vay tiền mua hoặc xây nhà dự án), theo chu kỳ sản xuất kinh doanh.

Phân loại theo tài sản đảm bảo

Giải ngân phong tỏa: Ngân hàng cho vay sẽ giải ngân vào tài khoản của đơn vị khác, thường là ngân hàng của người bán. Tại thời điểm giải ngân, giao dịch mua bán chưa hoàn thành hoặc thủ tục đăng ký sang tên tài sản (bất động sản, phương tiện vận tải…) chưa hoàn tất, sau khi hoàn tất mọi thủ tục, số tiền sẽ được chuyển vào tài khoản của người bán.

Giải ngân không phong tỏa: Bên bán nhận được tiền giải ngân trực tiếp vào tài khoản của mình và có thể sử dụng ngay. Tại thời điểm giải ngân, tài sản đã được chuyển giao cho người vay và có thể hoàn tất thủ tục thế chấp nhanh chóng.

Hồ sơ giải ngân gồm những gì?

Trong quá trình vay vốn, người vay cần chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ để chứng minh khả năng tài chính và mục đích sử dụng vốn, bao gồm hồ sơ pháp lý, hồ sơ tài chính và chứng minh mục đích sử dụng vốn, giấy tờ liên quan đến tài sản đảm bảo (trong trường hợp vay thế chấp).

Hồ sơ giải ngân dành cho cá nhân

Đối với cá nhân, hồ sơ bao gồm giấy tờ tùy thân, chứng minh thu nhập, và tài sản đảm bảo. Mỗi ngân hàng có thể yêu cầu các giấy tờ khác nhau tùy thuộc vào loại hình vay và mục đích sử dụng vốn. Nhìn chung, hồ sơ giải ngân sẽ bao gồm:

  • Giấy tờ chứng minh nhân thân: CMND/CCCD, hộ khẩu
  • Giấy tờ chứng minh thu nhập: Hợp đồng lao động, sao kê bảng lương hoặc các chứng từ chứng minh thu nhập khác.
  • Hồ sơ tài sản đảm bảo (vay thế chấp): Sổ đỏ, sổ hồng, đăng ký xe, sổ tiết kiệm…
  • Giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng vốn: Hợp đồng mua bán ô tô, hợp đồng mua bán/ chuyển nhượng quyền sở hữu/ sử dụng đất,...

Giải ngân khoản vay là gì

Cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ trong bộ hồ sơ vay

Hồ sơ giải ngân đối với doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp, cần có thông tin doanh nghiệp, báo cáo tài chính, và hồ sơ tài sản đảm bảo, gồm các giấy tờ sau:

  • Hồ sơ thông tin doanh nghiệp: Giấy đăng ký kinh doanh, Điều lệ vay vốn, CMND/CCCD/Hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật (Giám đốc, Chủ tịch) và Kế toán trưởng,...
  • Hồ sơ chứng minh tài chính doanh nghiệp: Báo cáo tài chính, Báo cáo dòng tiền, hợp đồng mua bán hàng hóa,...
  • Hồ sơ tài sản đảm bảo: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các tài sản trên đất, sổ tiết kiệm, giấy đăng ký xe,...
  • Hồ sơ chứng minh mục đích và phương án sử dụng vốn vay: Hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng mua xe,... 

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng vốn và quy định của mỗi ngân hàng mà doanh nghiệp sẽ được yêu cầu các loại giấy tờ khác nhau, chuyên viên tín dụng sẽ tư vấn cụ thể.

Quy trình 5 bước giải ngân khoản vay

Bất kể bạn vay vốn trực tiếp từ ngân hàng hay vay trên các ứng dụng tài chính, quy trình vay và giải ngân hầu hết sẽ gồm 5 bước cơ bản như sau:

Bước 1: Thu thập và xác thực thông tin: Thông qua các thông tin khách hàng đã kê khai, ngân hàng xác thực thông tin cá nhân, đơn vay vốn và mục đích vay vốn cùng giấy tờ có liên quan, khả năng trả nợ và tài sản đảm bảo.

Bước 2: Lập hồ sơ: Bộ hồ sơ cần đầy đủ và thống nhất thông tin, đảm bảo trung thực, chính xác.

Bước 3: Thẩm định khách hàng và xác thực hồ sơ: Thông qua các nghiệp vụ đối chiếu, xác thực, ngân hàng xác minh độ tin cậy, thiện chí trả nợ và tính khả thi của phương án vay cũng như khả năng tài chính của khách hàng phù hợp với phương án trả nợ.

Bước 4: Phê duyệt khoản vay: Sau khi ngân hàng thẩm định khách hàng và hồ sơ vay, nếu đạt yêu cầu thì sẽ tiến hành phê duyệt khoản vay, báo kết quả đến khách hàng.

Bước 5: Giải ngân: Sau khi khoản vay được phê duyệt, ngân hàng tiến hành giải ngân  theo hợp đồng tín dụng đã ký.

Rủi ro tiềm ẩn khi giải ngân vốn vay

Giải ngân là bước cuối cùng của quá trình cấp tín dụng. Tuy nhiên, đây cũng bước tiềm ẩn nhiều vấn đề mà cả người vay lẫn phía ngân hàng đều phải lưu ý.

  • Đầu tiên, việc không đáp ứng được các điều kiện vay có thể dẫn đến việc từ chối giải ngân, làm mất cơ hội đầu tư hoặc mua sắm cần thiết cho người vay. 
  • Thứ hai, hạn mức giải ngân thấp hơn số tiền đăng ký vay có thể khiến người vay phải tìm kiếm nguồn tài chính khác, gây ra sự bất tiện và có thể ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính cá nhân. 
  • Thứ ba, quy trình giải ngân phức tạp và kéo dài có thể làm lỡ mất những cơ hội đầu tư có giá trị, đặc biệt trong những thời điểm cần phải nhanh chóng hành động để tận dụng mức giá tốt nhất. 
  • Cuối cùng, rủi ro tài chính do không hoàn trả được nợ gốc và lãi có thể gây tổn thất lớn cho ngân hàng và ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng. 

Do đó, việc đánh giá kỹ lưỡng khả năng trả nợ của người vay và áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro hiệu quả là hết sức quan trọng để đảm bảo an toàn cho cả người vay và tổ chức tín dụng.

Giải ngân khoản vay là gì

Người vay cần có kế hoạch trả nợ khi nhận tiền giải ngân

Giải đáp một số thắc mắc liên quan đến giải ngân vốn vay

Thế nào là giải ngân 3 bên?

Giải ngân 3 bên là hình thức giải ngân trong đó ngân hàng sẽ trực tiếp chuyển số tiền vay đến bên bán hàng hoặc dịch vụ thay vì chuyển cho bên mua. Điều này giúp đảm bảo rằng người bán nhận được thanh toán đầy đủ và kịp thời, trong khi ngân hàng có thể kiểm soát việc sử dụng vốn vay một cách chặt chẽ hơn. 

Hình thức giải ngân này thường liên quan đến các giao dịch mua bán lớn như bất động sản hoặc phương tiện di chuyển, và giúp minh bạch hóa các giao dịch tài chính giữa các bên liên quan.

Thời gian giải ngân thường trong bao lâu?

Tùy thuộc quy trình của từng ngân hàng, tổ chức tài chính và từng khoản vay cụ thể mà thời gian giải ngân sẽ khác nhau.

Với khoản vay online, vay tiêu dùng, thời gian giải ngân khá nhanh, thường từ 1 - 24 giờ do hiện nay hầu hết các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã áp dụng xác thực thông tin khách hàng bằng eKYC và bigdata nên việc đối chiếu và xác minh thông tin diễn ra vô cùng nhanh chóng.

Với các khoản vay thế chấp, thời gian giải ngân lâu hơn do phía ngân hàng phải xác minh quyền sở hữu hợp pháp của tài sản, loại bỏ những tranh chấp có thể xảy ra. Do đó có thể mất 1 tuần hoặc nửa tháng, tùy vào độ phức tạp của tài sản.

Hồ sơ giải ngân có phức tạp không?

Hồ sơ giải ngân khoản vay hoàn toàn không khó khăn, người vay sẽ được chuyên viên tín dụng hướng dẫn hoàn thiện theo yêu cầu của ngân hàng cho vay. Thực chất, hồ sơ vay được lập theo quy định cấp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.

Làm thế nào để được giải ngân nhanh chóng?

Để tăng cơ hội được giải ngân nhanh chóng, việc chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ vay vốn là rất quan trọng. 

  • Hồ sơ cần phải đầy đủ, chính xác, phù hợp với mục đích vay vốn.
  • Giấy tờ chứng minh thu nhập phải phù hợp với khoản vay và kế hoạch trả nợ
  • Luôn có phương án và kế hoạch dự phòng hợp lý trong trường hợp thu nhập bị giảm do nguyên nhân khách quan.
  • Xem xét các điều kiện liên quan đến khoản vay và đảm bảo mình đã nắm rõ về các điều khoản.

Chắc hẳn qua thông tin TOPI cung cấp, các bạn có thể hiểu rõ giải ngân khoản vay là gì và quy trình giải ngân gồm những bước nào cũng như biết cách đăng ký khoản vay để được duyệt và giải ngân nhanh nhất.

https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/YxrKlDuu2uOQNtm78GeLH3jn2QYW8p7ZqWpWb3lN.jpg?w=500&h=386&v=2022https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/yb1eTdsQWerFdzUQPOGqlSs1cz5mJ8M7eu95jxJz.jpg?w=500&h=386&v=2022https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/VvUsgRKPmOmXWi1dQ1ti9RrFRj2PQ28Nxfu0e5fv.jpg?w=500&h=386&v=2022

Bài viết liên quan

logo-topi-white

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VAM

Tầng 11, Tháp văn phòng quốc tế Hòa Bình, 106 đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

Quét mã QR để tải ứng dụng TOPI

icon-messenger