Đầu tư quỹ mở xuất hiện tại Việt Nam từ cách đây khoảng 10 năm. Thế nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn chưa biết đến hoặc chưa mặn mà với hình thức đầu tư này trong khi việc đầu tư quỹ mở rất phổ biến ở các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu, Singapore, Hồng Kông…
Quỹ mở là gì?
Quỹ mở là quỹ đại chúng (được góp vốn bởi nhiều nhà đầu tư) được quản lý bởi công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp. Khi đầu tư vào quỹ mở, nhà đầu tư sẽ được cấp chứng chỉ quỹ mà có thể bán lại theo giá trị tài sản ròng (NAV) vào bất cứ lúc nào. Công ty quản lý quỹ có trách nhiệm mua lại chứng chỉ quỹ nếu nhà đầu tư có nhu cầu bán. Lợi nhuận của nhà đầu tư là chênh lệch giữa giá mua và bán chứng chỉ quỹ.
Trên thế giới, quỹ mở có lịch sử phát triển từ hơn 100 năm trước và là sản phẩm đầu tư phổ biến tại châu Âu, Mỹ và các nước phát triển. Mỹ, nơi được xem là chiếc nôi hình thành và phát triển của loại quỹ này với 49% hộ gia đình lựa chọn đầu tư cho mục đích hưu trí. Quy mô quỹ mở tại Mỹ lên đến 23.455 tỷ USD, chiếm 81% GDP.
Sơ đồ dòng vốn đầu tư vào quỹ mở và cách sinh lời
Sau này, xu hướng đầu tư vào quỹ mở lan rộng sang các nước đang phát triển, nhất là khu vực châu Á. Tại Hong Kong, quỹ mở chiếm 74% GDP, Singapore là 31% và Malaysia là 29% GDP .
Danh mục đầu tư đa dạng, được nghiên cứu và chọn lọc kỹ càng, tính thanh khoản cao và thường được quản lý bởi những tập đoàn tài chính uy tín là những điểm khiến quỹ mở thu hút các nhà đầu tư.
Tại Việt Nam, có thể kể đến một số đơn vị quản lý quỹ nổi tiếng như: VinaCapital (5 quỹ mở VESAF, VEOF, VMEEF, VIBF và VFF), Mirae Asset, VCBF, Amber Capital…
Những ưu - nhược điểm khi đầu tư vào quỹ mở
Ưu điểm rõ rệt khi đầu tư vào quỹ mở có thể kể đến như:
- Vốn đầu tư ban đầu ít, ai cũng có thể tham gia.
- Tính thanh khoản cao do có thể bán lại chứng chỉ quỹ cho công ty quản lý quỹ vào bất cứ lúc nào
- Danh mục đầu tư đa dạng nên sẽ giảm bớt rủi ro.
- Được quản lý chuyên nghiệp bởi các chuyên gia tài chính nhiều kinh nghiệm.
- Quy trình tham gia đơn giản, dễ dàng mua chứng chỉ quỹ.
Đầu tư chứng chỉ quỹ mở đem lại nhiều lợi ích vượt trội
Nhược điểm khi đầu tư vào quỹ mở là:
- Lãi suất kém hấp dẫn hơn so với một số hình thức đầu tư khác
- Nhà đầu tư phải trả phí quản lý cho công ty quản lý quỹ.
- Nhà đầu tư không được tham gia vào hoạt động đầu tư.
- Có thể sẽ có rủi ro đến từ công ty quản lý quỹ hoặc thị trường.
Đầu tư quỹ mở thích hợp với những nhà đầu tư mới, chưa có nhiều kinh nghiệm thị trường hoặc bận rộn, ít thời gian theo dõi và phân tích thị trường. Có thể xem đây là phương án đầu tư an toàn đem lại lợi nhuận ổn định.
Vì sao quỹ mở chưa thu hút nhà đầu tư mặc dù lợi nhuận ổn định
Theo số liệu từ Vụ Quản lý quỹ thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), tính đến cuối năm 2023, chỉ có khoảng 300.000 nhà đầu tư tham gia chứng chỉ quỹ trong khi có tới 7,23 triệu tài khoản chứng khoán. Tỷ lệ này khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực.
Hiện tại, các quỹ đầu tư chứng khoán đang quản lý tổng giá trị tài sản ròng (NAV) gần 68.000 tỷ đồng (tương đương 0,66% GDP năm 2023) - con số này thấp hơn hàng chục lần so với Malaysia (11% GDP) hay Thái Lan (28% GDP).
Theo S Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, thực trạng này là do nhiều nguyên nhân, có thể kể đến như:
- Nhà đầu tư có tâm lý thích thể hiện bản thân khi có lãi nên họ thích tự rót tiền đầu tư hơn là thông qua tổ chức tài chính. Nếu nhà đầu tư thiếu kiến thức thì rủi ro là rất lớn.
- Nhà đầu tư chưa tin tưởng các công ty chứng khoán, quản lý quỹ do còn thiếu kiến thức về quỹ mở, quản lý quỹ nên không dám giao vốn cho “người lạ”. Một số người nghĩ rằng do công ty quản lý quỹ sẽ không nỗ lực đầu tư nhiều cho khách hàng mà chỉ cần đạt hiệu suất cao hơn VN-Index là xong
Ông Võ Trung Cương - Giám đốc quản lý quỹ thuộc TCAM (Công ty Quản lý quỹ Thành Công) khẳng định: Các công ty quản lý quỹ đều mong muốn thực hiện tốt nhất những gì đề ra và cam kết với khách hàng. Việc so sánh với VN-Index là để đánh giá hiệu quả của một danh mục cổ phiếu có chọn lọc với tất cả cổ phiếu để khách hàng có thể kiểm chứng xem danh mục cổ phiếu của các nhà quản lý tốt hay không.
Đa số các đơn vị quản lý quỹ đều muốn cho nhà đầu tư thấy hiệu quả cũng như đang chào bán sản phẩm chất lượng nhằm thu hút khách hàng.
Lý giải nguyên nhân nhà đầu tư chưa mặn mà với quỹ mở, Bà Trần Thị Kim Cương - Tổng giám đốc Manulife IM (Công ty TNHH Quản lý quỹ Manulife Investment Việt Nam) cho rằng dù quỹ mở đã xuất hiện tại Việt Nam hơn 10 năm do mọi người vẫn có thói quen và kỳ vọng vào tiền gửi tiết kiệm.
Ngoài ra, hệ thống phân phối chứng chỉ quỹ chưa rộng rãi, chưa đẩy mạnh truyền thông khiến đây vẫn là hình thức xa lạ với nhiều người.
Hiệu suất của một số quỹ mở trong nửa đầu năm 2024
Hiệu quả đầu tư của các quỹ mở tại Việt Nam (nguồn VnExpress)
Hiện nay, có hơn 50 quỹ mở đang hoạt động tại Việt Nam, chủ yếu là các quỹ cổ phiếu rồi đến trái phiếu, số lượng ít các quỹ cân bằng.
Theo ông Cương (Giám Đốc TCAM), nhà đầu tư cần hiểu rõ mục tiêu tài chính cá nhân, tìm hiểu quỹ mở chính thống để tìm sản phẩm phù hợp. Ban đầu, nên phân bổ 2 - 3 quỹ mở khác nhau để đa dạng hóa lựa chọn, so sánh hoạt động của các quỹ trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm sau đó sàng lọc để chọn ra quỹ có thể tin tưởng ủy thác mục tiêu tài chính trong chu kỳ dài hạn hơn.
CEO Manulife IM Trần Thị Kim Cương cũng nhận định: Mỗi loại hình quỹ mở sẽ có chiến lược, cấu trúc danh mục đầu tư khác nhau nên khả năng sinh lời cũng khác nhau, nhà đầu tư nên tìm hiểu các công ty quản lý quỹ có kinh nghiệm, uy tín và tiềm lực để ủy thác. Đầu tư thời gian dài, đều đặn, kỷ luật sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhờ vào việc trung bình giá mua bất chấp biến động thị trường.
>> Xem thêm: Top 5 chứng chỉ quỹ sinh lời tốt nhất hiện nay
Hiện nay, nhà đầu tư có thể dễ dàng tham gia đầu tư quỹ mở bằng cách mua chứng chỉ quỹ thông qua TOPI cũng như theo dõi lợi nhuận, thông tin hoạt động của quỹ ngay trên điện thoại.