Nên dùng phương pháp đầu tư nào? Bottom up hay Top down? Để thành công, cần áp dụng phương pháp phân tích phù hợp. TOPI sẽ phân tích và so sánh 2 loại để bạn có câu trả lời cho mình.
1. Phương pháp Bottom up (đầu tư từ dưới lên)
Bottom up là gì?
Phương pháp đầu tư Bottom-up hay còn gọi là phương pháp đầu tư từ dưới lên. Nhà đầu tư theo đuổi chiến lược này sẽ chú trọng phân tích các chỉ số cơ bản và định tính của cổ phiếu rồi mới xem xét đến tiềm lực của doanh nghiệp đó. Với Bottom up, nhà đầu tư ít chú ý đến yếu tố vĩ mô và tính chu kỳ của thị trường.
Phương pháp đầu tư Bottom up thiên về phân tích chỉ số của cổ phiếu
Theo các nhà đầu tư, mỗi lĩnh vực sẽ luôn có những doanh nghiệp xuất sắc, đầu ngành, họ có thể đứng vững và phát triển ngay cả khi thị trường biến động. Do đó, mục tiêu đặt ra là nhà đầu tư sẽ tìm kiếm những cái tên sáng giá nhất của mỗi ngành để bổ sung cho danh mục của mình.
Chính vì quan điểm này nên yếu tố biến động thị trường và kinh tế vĩ mô ít khi được xem xét.
Ưu và nhược điểm của Bottom up
Ưu điểm của phương chiến lược đầu tư từ dưới lên:
- Nhà đầu tư có thể theo dõi và kịp thời nắm bắt những cổ phiếu có dấu hiệu tăng trưởng tốt hoặc đang được ưa chuộng trên thị trường.
- Việc phân tích sâu vào nội tại giúp nhà đầu tư có cái nhìn xác thực hơn về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tránh được nhận định chủ quan dựa vào những thông tin vĩ mô từ thị trường.
- Phương pháp Bottom-up đặc biệt phát huy hiệu quả nếu nhà đầu tư theo đuổi chiến lược nắm giữ cổ phiếu dài hạn.
Bottom up thích hợp để tìm kiếm cổ phiếu đầu tư dài hạn
Mặt hạn chế của Bottom up như sau:
Mỗi lĩnh vực thường có số lượng lớn công ty hoạt động nên việc chọn ra một vài doanh nghiệp hoạt động tốt nhất không phải điều đơn giản. Đặc biệt đối với nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm sẽ khá bối rối và dễ bị phân tán khi có quá nhiều sự lựa chọn.
2. Phương pháp Top down (đầu tư từ trên xuống)
Top down là gì?
Phương pháp Top down còn gọi là chiến lược đầu tư từ trên xuống, hoàn toàn ngược lại với Bottom up. Với phương pháp này, trước tiên nhà đầu tư sẽ xem xét tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường tổng thể rồi mới đến các yếu tố thấp hơn, từ đó tìm ra những cổ phiếu riêng lẻ để bổ sung vào danh mục đầu tư của mình.
Với phương pháp Top down, nhà đầu tư sẽ xem xét về GDP (tổng sản phẩm quốc nội), phân tích từng ngành cụ thể, chọn ra ngành nào có thể mang đến kết quả khả quan rồi mới tiến hành phân tích sâu hơn về các công ty trong ngành, từ đó chọn ra mã cổ phiếu có tiềm năng.
Nhà đầu tư áp dụng Top down rất chú trọng đến các yếu tố liên quan đến kinh tế vĩ mô và cấp độ ngành, họ tin rằng nếu một ngành hoạt động tốt thì có thể cổ phiếu của các công ty trong ngành cũng sẽ tăng và mang lại lợi nhuận.
Top down thường được nhà đầu tư giá trị hoặc tăng trưởng sử dụng do họ có thể tìm ra cơ hội thu lợi nhuận từ những biến động của thị trường và các yếu tố bên ngoài công ty.
Phương pháp Top down thích hợp cho nhà đầu tư mới
Ưu và nhược điểm của Top down
Ưu điểm của phương pháp đầu tư từ trên xuống:
- Nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định một cách có căn cứ, dựa trên bức tranh toàn cảnh của cả nền kinh tế, toàn ngành và thị trường chứng khoán, do đó tránh việc đưa ra quyết định theo cảm tính.
- Giảm thiểu rủi ro đầu tư do phương pháp này giúp phân tích và tìm ra cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng và triển vọng tốt.
- Tiết kiệm thời gian và nỗ lực tìm kiếm cơ hội đầu tư: Thay vì phân tích từng công ty một cách mơ hồ, các nhà đầu tư có thể tập trung mục tiêu vào các ngành, lĩnh vực, công ty có tiềm năng tăng trưởng và triển vọng tốt.
- Thích hợp với nhà đầu tư mới gia nhập thị trường chứng khoán. Bởi vì phương pháp này tập trung vào phân tích các yếu tố lớn của thị trường,nhà đầu tư mới có thể hiểu rõ hơn về thị trường và các ngành triển vọng.
Phân tích theo Top down cần có vốn hiểu biết rộng
Mặt hạn chế của phương pháp Top down:
- Do phương pháp này phân tích từ yếu tố vĩ mô đến từng chi tiết nhỏ của thị trường nên đòi hỏi kiến thức và sự hiểu biết rộng về nhiều lĩnh vực.
- Top-Down nên được sử dụng cho đầu tư dài hạn như đầu tư giá trị hoặc đầu tư tăng trưởng, không phù hợp cho các nhà đầu tư ngắn hạn hoặc các nhà đầu tư tìm kiếm các cơ hội đầu cơ ngắn hạn.
- Thị trường chứng khoán thường thay đổi, biến động nên phương pháp Top-Down cần phải được cập nhật thường xuyên để phản ánh chính xác các thay đổi mới nhất trong thị trường.
- Phương pháp Top-Down dựa trên giả định các yếu tố lớn của thị trường chứng khoán sẽ ảnh hưởng đến các công ty và ngành. Nếu điều này không luôn đúng có thể dẫn đến các quyết định đầu tư thiếu chính xác.
3. Nên đầu tư theo Top down hay Bottom up?
Nên chọn phân tích theo Bottom up hay Top down?
Top-Down (từ trên xuống) và Bottom-Up (từ dưới lên) là hai phương pháp phân tích, đầu tư chứng khoán ngược nhau. Để chọn ra phương pháp phù hợp, nhà đầu tư cần hiểu rõ mục tiêu của mình, khẩu vị rủi ro cũng như tầm hiểu biết của cá nhân về lĩnh vực nào đó.
Hoặc cũng có thể áp dụng đan xen cả 2 chiến lược này như sau:
- Sử dụng đầu tư từ trên xuống trong giai đoạn đầu với mục đích tìm kiếm ngành nghề có khả năng tăng trưởng tốt trong tương lai.
- Sau khi tìm được ngành tiềm năng, chuyển sang chiến lược đầu tư từ dưới lên, chọn ra công ty nổi bật trong ngành để phân tích và đầu tư.
Khó có thể đánh giá chính xác được phương pháp này tốt hơn hay kém hơn phương pháp kia bởi thị trường luôn biến động và tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ. Khả năng am hiểu và ứng dụng của nhà đầu tư cũng là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự hiệu quả và thành công của cả chiến lược.
Hy vọng với thông tin phân tích từ TOPI, các bạn có thể hiểu rõ phương pháp Bottom up là gì, Top down là gì và biết cách so sánh cũng như kết hợp khéo léo để tạo ra chiến lược đầu tư của riêng mình.