Facebook Topi

15/11/2024

Kinh nghiệm đầu tư cổ phiếu họ Viettel sinh lời tốt

Hỗ trợ tích cực nhất cho việc tạo sóng của cổ phiếu họ Viettel nửa đầu năm 2024 là thông tin Viettel đã trúng thầu quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2500 - 2600MHz trong vòng 15 năm tới.

icon-fb
icon-x
icon-pinterest
icon-copy

Trong nửa đầu năm 2024, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Viettel có khoảng thời gian thăng hoa rực rỡ, cổ phiếu họ Viettel tăng trưởng vượt bậc, liên tục lập đỉnh dù thị trường chung trong xu hướng giằng co. Liệu có nên đầu tư cổ phiếu họ Viettel trong năm nay hay không, cùng tìm hiểu với TOPI ngay nhé!

Danh sách cổ phiếu họ Viettel 

Quý I/2024, các cổ phiếu họ Viettel “nóng” hơn bao giờ hết khi liên tiếp tăng trưởng, thị giá cổ phiếu VTP tăng gấp đôi, cổ phiếu VTK tăng 30%, cổ phiếu CTR tăng 25%, cổ phiếu VGI tăng 49%. 

#1. Cổ phiếu CTR - Tổng Công ty cổ phần Công trình Viettel

Mã cổ phiếu: CTR;

Sàn niêm yết: sàn HOSE;

Giá cổ phiếu: 143,600 VND/cp (ngày 01/07/2024);

Biến động 52 tuần: 67,500 - 160,200 VND/cp;

EPS: 4,580;

P/E: 31.35;

P/B: 8.67.

Tổng CTCP Công trình Viettel có tiền thân là Xí nghiệp Khảo sát Thiết kế và Xí nghiệp Xây lắp Công trình thành lập năm 1995, trực thuộc Tập đoàn Viettel, với hoạt động kinh doanh chính là đầu tư hạ tầng, xây dựng, công nghệ thông tin, giải pháp và dịch vụ kỹ thuật, vận hành khai thác. Tính đến nay, CTR đã xây dựng được hơn 50,000 trạm phát sóng, 320,000 km cáp quang bao phủ toàn bộ lãnh thổ của Việt Nam, kể cả vùng sâu xùng xa và hải đảo. Đồng thời, CTR cũng tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông tại một số quốc gia Châu Á, Châu Phi và cả Châu Mỹ.

#2. Cổ phiếu VGI - Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel

Mã cổ phiếu: VGI;

Sàn niêm yết: sàn UPCoM;

Giá cổ phiếu: 104,400 VND/cp (ngày 01/07/2024);

Biến động 52 tuần: 22,800 - 111,000 VND/cp;

EPS: 446;

P/E: 237.76;

P/B: 9.8.

Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) được thành lập từ năm 2007 với lĩnh vực kinh doanh chính là đầu tư các dự án viễn thông tại thị trường quốc tế. Sau hơn 17 năm hình thành và phát triển, Viettel Global đã khẳng định được vị thế nhà đầu tư viễn thông quốc tế lớn nhất Việt Nam, khi lọt top 20 công ty viễn thông đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới về số thuê bao.

#3. Cổ phiếu VTK - CTCP Tư vấn và Dịch vụ Viettel

Mã cổ phiếu: VTK;

Sàn niêm yết: sàn UPCoM;

Giá cổ phiếu: 82,700 VND/cp (ngày 01/07/2024);

Biến động 52 tuần: 17,200 - 95,400 VND/cp;

EPS: 997;

P/E: 81.76;

P/B: 3.77.

CTCP Tư vấn và Dịch vụ Viettel có hoạt động chính là tư vấn, thi công và đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông & công nghệ thông tin, thiết kế công trình dân dụng và công nghiệp, đo kiểm, kiểm định đánh giá chất lượng & giám sát thi công công trình. Từ khi thành lập cho đến nay, VTK đã đảm nhiệm 80% công trình hạ tầng viễn thông của Tập đoàn mẹ; quy hoạch - thiết kế trên 45,000 trạm BTS, hơn 10,000 tuyến vi ba; thiết kế cho 20 toà nhà Viettel tỉnh và 120 toà nhà Viettel huyện, kiểm định hơn 20,000 trạm BTS…

#4. Cổ phiếu VTP - Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel

Mã cổ phiếu: VTP;

Sàn niêm yết: sàn HOSE;

Giá cổ phiếu: 83,700 VND/cp (ngày 01/07/2024);

Biến động 52 tuần: 36,600 - 96,000 VND/cp;

EPS: 3,081;

P/E: 27.16;

P/B: 6.25.

Tổng CTCP Bưu chính Viettel (Viettel Post) thành lập từ năm 1997, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bưu chính và logistics. Đến nay, Viettel Post đã trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam về cung cấp các dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh và logistics. Không chỉ phát triển dịch vụ trong nước, Viettel Post mở rộng kinh doanh ra cả thị trường nước ngoài, tại Campuchia và Myanmar, kết nối với hơn 200 quốc gia trên toàn cầu. Hiện nay, Viettel Post sở hữu mạng lưới hơn 2,000 bưu cục cửa hàng, 2,000 đại lý thu gom, 3,000 xe tải các loại với tỷ lệ giao hàng thành công ở mức 95%.

Tổng quan về Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội

Viettel được thành lập vào ngày 1 tháng 6 năm 1989, ban đầu với tên gọi Tổng Công ty Điện tử Thiết bị Thông tin (SIGELCO), sau đó đổi tên thành Công ty Viễn thông Quân đội (tên giao dịch: Viettel) vào năm 2003, trực thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc, năm 2004 thì điều chuyển về Bộ Quốc Phòng Việt Nam, được biết đến với những thành tựu nổi bật trong việc phát triển hạ tầng viễn thông và cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin tiên tiến.

Qua nhiều năm phát triển, Viettel đã mở rộng hoạt động từ lĩnh vực viễn thông trong nước sang các quốc gia khác, trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu tại nhiều thị trường quốc tế như Campuchia (Metfone), Lào (Unitel), Myanmar (Mytel), Mozambique (Movitel), và Haiti (Natcom).

Kinh nghiệm đầu tư cổ phiếu họ Viettel

Viettel đã xây dựng một mạng lưới viễn thông phủ sóng rộng khắp, từ thành thị đến nông thôn, góp phần quan trọng vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng viễn thông tại Việt Nam. Từ năm 1990 - 1994, tuyến vi ba số AWA đầu tiên của Việt Nam được xây dựng, 14 trạm vi ba tiếp nối Vinh - Đà Nẵng, Đà Nẵng - TP. Hồ Chí Minh, 7 tháp ăng-ten vi ba Đà Nẵng - Nha Trang, Nha Trang - Bình Định, tuyến vi ba Ba Vì - Vinh, vi ba băng rộng 140 Mb/s Hà Nội - Đà Nẵng, tháp ăng-ten cao nhất Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh… Đến tháng 09/1999, Viettel đã hoàn thành đường trục thông tin quân sự Bắc - Nam đầu tiên của nước ta, với ký hiệu tuyến cáp là 1A, dài gần 2,000 km, gồm 19 trạm chính & dung lượng là 2.5 Mbps.

Giai đoạn 2000 - 2009 là giai đoạn bùng nổ trên thị trường dịch vụ viễn thông của Viettel, khởi đầu là việc kinh doanh dịch vụ 178 - dịch vụ thu phí điện thoại đường dài VoIP đem về cho Viettel một nguồn lực vô cùng lớn tại 62 tỉnh thành trên toàn quốc. Đến năm 2001, Viettel đã mở dịch vụ điện thoại quốc tế sử dụng công nghệ VoIP (tại Lào). Tháng 12/2002, Viettel khai trương dịch vụ kết nối internet quốc tế với tốc độ đường truyền 2 Mbps với giá cực kỳ rẻ (chỉ bằng 1/3 giá ở thời điểm lúc bấy giờ).

Năm 2005, Viettel hoàn thành tuyến cáp quang quân sự Bắc - Nam 1B, đường trục 10Gbps đầu tiên của nước ta, vùng phủ sóng tăng lên 52 tỉnh thành. 

Năm 2006, Viettel thành lập Công ty Viettel Combodia cung cấp các dịch vụ viễn thông, internet tại Campuchia. 

Từ năm 2010 - 2018, Viettel đã chính thức vươn lên trở thành một Tập đoàn công nghệ toàn cầu, khi liên tục mở rộng mạng lưới dịch vụ viễn thông ra nhiều quốc gia trên thế giới. Tập đoàn Viettel mở rộng ra nhiều mảng kinh doanh, từ sản xuất, chế tạo các thiết bị thông tin quân sự, sản xuất các thiết bị hạ tầng mạng, hệ thống cảnh báo giám sát hồ nước, sóng thần, cung cấp dịch vụ vận chuyển (Viettel Post)… và đang dần chuyển hướng sang mảng công nghệ thông tin với nhiều dịch vụ giải pháp như chứng thực chữ ký số, hệ thống quản lý nhà trường, dịch vụ hỗ trợ nhà nông, dịch vụ chống trộm, giám sát thiết bị thông minh, dịch vụ chuyển tiền tận nhà…

Đến năm 2018, Tập đoàn đã đổi tên thành Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội như hiện tại, và Viettel chuyển tiếp sang giai đoạn 4.0 và kinh doanh toàn cầu với chiến lược duy trì tốc độ tăng trưởng 10 - 15%, trở thành Tập đoàn công nghệ kinh doành toàn cầu, giữ vững vị thế lĩnh vực viễn thông - công nghệ tại Việt Nam.

Đánh giá tiềm năng các cổ phiếu nhà Viettel

Từ đầu năm đến nay, dù thị trường chung diễn biến khá thất thường nhưng cổ phiếu họ Viettel có xu hướng tăng khá mạnh, với mức sinh lời hàng chục đến hàng trăm phần trăm. Tăng mạnh nhất là cổ phiếu VGI với 176%, cổ phiếu CTR tăng 167%, cổ phiếu VTK có thị giá cao gấp đôi 7 tháng trước, cổ phiếu VTP góp mặt trong top cổ phiếu có thị giá trên 100,000 VND/cp. Cụ thể thì triển vọng và tiềm năng của các cổ phiếu họ Viettel như sau:

+ Với cổ phiếu CTR, triển vọng tăng trưởng dài hạn đã được củng cố nhờ kết quả đấu giá thành công một khối băng tần 5G của Tập đoàn Viettel. Dự báo, EBITDA giai đoạn 2023 - 2026 của CTR với tốc độ CAGR 3 năm lần lượt là 20% và 28%, doanh thu mảng cho thuê hạ tầng viễn thông của công ty này được cho là sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR 3 năm là 48%, thông qua việc mở rộng mạng lưới các trạm BTS.

Bên cạnh đó, giá giao dịch cổ phiếu CTR vẫn rẻ hơn so với các công ty cùng ngành trên thế giới từ 9% - 13%, tiềm năng tăng giá của cổ phiếu này vào khoảng 15%, tương đương EV/EBITDA dự phóng của năm 2024 và 2025 lần lượt là 15.2 lần & 11.3 lần. Trong giai đoạn triển khai 5G, CTR có khả năng sẽ tăng trưởng vượt dự báo. Việc sử dụng mạng 5G đem lại hiệu quả hơn về mặt tài chính, Tập đoàn Viettel trúng thầu sẽ được cấp giấy phép triển khai thương mại mạng 5G, từ đó, kích hoạt một chu kỳ đầu tư hạ tầng mới, đây là thời điểm CTR nắm bắt được cơ hội triển khai tốt hoạt động kinh doanh của mình.

+ Với cổ phiếu VGI, kể từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt đã chứng kiến cú tăng tốc ngoạn mục của cổ phiếu VGI về vốn hoá thị trường, trở thành một trong những cái tên giá trị nhất sàn. Từ đầu năm 2024 đến nay, cổ phiếu VGI tăng đến 237%, nâng giá trị Viettel Global lên gần 11 tỷ USD. Chỉ trong quý I/ 2024, VGI ghi nhận doanh thu là 7,907 tỷ đồng, tăng 22% svck năm ngoái, cả 9 thị trường hoạt động đều tăng trưởng cao, thậm chí còn tăng trưởng 2 con số như thị trường Lào, Burundi, Mozambique, Haiti, Metfone. 

Có 2 điểm nhấn đối với cổ phiếu VGI, thứ nhất, các thị trường nước ngoài mà VGI đang hoạt động còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng và phát triển. Thứ hai, thị trường Châu Phi đã bắt đầu có lãi, tốc độ tăng trưởng rất tốt trong 03 năm trở lại đây, hầu hết mức tăng đều trên 20%, giúp VGI dần thu hồi vốn, hướng tới một đường tăng trưởng. Kế hoạch doanh thu trong năm nay của VGI sẽ là 31,746 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 5,477 tỷ đồng, cao hơn 41% so với con số của năm ngoái. Nếu thực hiện được, VGI sẽ thoát lỗ luỹ kế, đồng thời cũng có cơ sở để chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông.

Kinh nghiệm đầu tư cổ phiếu họ Viettel

+ Với cổ phiếu VTK, năm 2023 vừa qua, doanh nghiệp này đạt được doanh thu và lợi nhuận cao nhất lịch sử kể từ thời điểm chính thức chuyển đổi mô hình kinh doanh. Dự kiến sau đợt trả cổ tức năm 2023 bằng tiền theo tỷ lệ 15%, Tập đoàn mẹ Viettel sẽ được hưởng một khoản lợi lớn với số tiền gần 9 tỷ đồng khi nắm giữu 63.84% vốn. Nhờ có sự thay đổi cơ cấu doanh thu, các lĩnh vực mới được phát triển là đo lường, ICT, giải pháp kiên cố cho hạ tầng viễn thông… nên doanh thu của VTL tăng trưởng đáng kể, dự sẽ trở thành trụ cột phát triển từ năm 2024 trở về sau. 

Mặt khác, việc trúng thầu triển khai 5G của Tập đoàn mẹ cũng giúp VTK tăng trưởng mảng tư vấn thiết kế thêm 20%. Ngoài ra, vTK cũng có kế hoạch bổ sung thêm 5 ngành nghề mới là xây dựng công trình viễn thông - thông tin liên lạc, lắp đặt hệ thống điện, hoạt động thiết kế chuyên dụng, buôn bán kim loại, quặng kim loại, buôn bán máy vi tính, các phần mềm và thiết bị ngoại vi, làm sao tận dụng nguồn lực sẵn có để phát triển hoạt động kinh doanh nhất có thể.

+ Với cổ phiếu VTP, cổ phiếu này luôn giữ được sức nóng trên thị trường chứng khoán với những lợi thế riêng, trong đó phải kể đến hoạt động trong lĩnh vực logistics và thương mại điện tử, được xem là lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất trong vòng 10 năm tới tại nước ta. Việc đưa công nghệ vào vận hành kinh doanh giúp VTP tăng năng suất lao động, tăng ưu thế cạnh tranh với các đối thủ, trở thành doanh nghiệp logistics sở hữu hạ tầng hệ thống chia chọn có mức tự động hoá cao nhất Việt Nam. 

Thêm vào đó, VTP đã mở rộng đầu tư lĩnh vực logistics tại Trung Quốc khi ký thoả thuận hợp tác với TP. Bằng Tường và TP Nam Ninh để hợp tác thành lập văn phòng đại diện và xây dựng trung tâm giao dịch nông sản Trung Quốc - Đông Nam Á. Dự kiến, VTP cũng mở thêm hoạt động chuyển phát sang lào và Thái Lan. Cổ phiếu VTP từ khi chuyển sang hoạt động trên sàn HOSE, liên tiếp vượt qua mức giá kỷ lục của mình.

Kinh nghiệm và lưu ý khi đầu tư cổ phiếu họ Viettel

  • Cổ phiếu họ Viettel đang nằm trong nhóm cổ phiếu có mức tăng tốt nên thu hút được lượng dòng tiền lớn và liên tiếp lập đỉnh cao mới, nhưng nhà đầu tư không nên đoán đỉnh, nên lựa chọn phương pháp chặn lãi bằng cách nâng dần các ngưỡng chốt lời của mình lên.
  • Nếu mua cổ phiếu họ Viettel ở mức giá hiện tại thì có thể gặp rủi ro trong ngắn hạn, nhưng các doanh nghiệp giống như các công ty thuộc Tập đoàn Viettel có khả năng duy trì tăng trưởng ổn định, vì vậy, có thể cân nhắc điều chỉnh việc đầu tư cổ phiếu họ Viettel trong dài hạn.
  • Nhà đầu tư cần chú ý đến khối lượng giao dịch của những cổ phiếu này, nếu thấy khối lượng giao dịch liên tiếp suy yếu thì có thể là dấu hiệu cảnh báo rủi ro, đa phần người giao dịch đã giảm nhu cầu mua vào.
  • Cũng nên quan sát thêm đà tăng của các nhóm cổ phiếu khác ngoài nhóm cổ phiếu liên quan đến cổ phiếu họ Viettel, để nắm bắt cơ hội tìm đến các cổ phiếu đang vào giai đoạn tăng giá, chẳng hạn như nhóm dầu khí, bán lẻ, thép, hàng không, ngân hàng…
  • Các cổ phiếu thuộc nhóm công nghệ như cổ phiếu họ Viettel được tăng cường sự quan tâm nhờ cơn sốt trí tuệ nhân tạo được kỳ vọng mang đến nhiều đổi mới trong nền kinh tế, ngoài ra, lợi nhuận của Tập đoàn Viettel cũng có diễn biến tích cực, hỗ trợ đà tăng cho cổ phiếu, hình thành nên làn sóng tâm lý FOMO sợ bỏ lỡ đối với cộng đồng đầu tư, việc liên tục mua vào giúp các cổ phiếu họ Viettel không ngừng tăng cao. 
  • Tuy vậy, nhà đầu tư nên tuân thủ đúng nguyên tắc của mình đã đặt ra, đừng để bị cuốn vào hiệu ứng đám đông, tránh việc giao dịch quá hưng phấn, đẩy định giá cổ phiếu lên mức cao, khi thị giá của chúng quay đầu giảm sâu sẽ lỗ nặng. Mặt khác, các nhà đầu tư có tài khoản ký quỹ cũng cần điều chỉnh hạ tỷ lệ để hạn chế thua lỗ khi xuất hiện động thái bán ra.

Nhìn chung, các cổ phiếu họ Viettel được đánh giá khá tích cực về triển vọng trong thời gian tới. Với nền tảng vững chắc từ tập đoàn mẹ và sự mở rộng không ngừng trong các lĩnh vực công nghệ, tài chính, và viễn thông, cổ phiếu họ Viettel hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội tăng trưởng dài hạn. Nhà đầu tư nên tiếp tục theo dõi các bước đi chiến lược của tập đoàn này, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ 5G và chuyển đổi số đang trở thành xu hướng toàn cầu. Cổ phiếu họ Viettel không chỉ là một lựa chọn đầu tư hấp dẫn, mà còn là minh chứng cho sự phát triển và đổi mới không ngừng của một trong những tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam.

Các cổ phiếu được đề cập trong bài viết này không phải là khuyến nghị. Vui lòng tự nghiên cứu và thẩm định trước khi đầu tư. Đầu tư vào thị trường chứng khoán phải chịu rủi ro thị trường, hãy đọc kỹ tất cả các tài liệu liên quan trước khi đầu tư. Vui lòng đọc kỹ các tài liệu trước khi đầu tư vào Cổ phiếu, Chứng khoán phái sinh hoặc các công cụ khác được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán.

Vì các khoản đầu tư phải chịu rủi ro thị trường và rủi ro biến động giá, nên không có sự đảm bảo hoặc bảo đảm nào rằng các mục tiêu đầu tư sẽ đạt được. TOPI không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận cho bất kỳ khoản đầu tư nào.

 

https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/MCo8WKspUmbxAq3LGGasq33gzQVv0lR3isf7Irc2.png?w=500&h=386&v=2022

Bài viết liên quan

logo-topi-white

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VAM

Tầng 11, Tháp văn phòng quốc tế Hòa Bình, 106 đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

Quét mã QR để tải ứng dụng TOPI

icon-messenger
float-icon