Facebook Topi

31/10/2024

Chi phí cận biên (Marginal cost) là gì? Cách tính Marginal cost nhanh chóng

Chi phí cận biên là một trong những khoản chi phí mà nhà kinh doanh nào cũng quan tâm. Nó giúp đánh giá tình hình chi phí chung, từ đó đưa ra những quyết định quản trị đúng đắn và tối ưu nhất cho các chiến lược giá, kinh doanh của mình.

icon-fb
icon-x
icon-pinterest
icon-copy

Chi phí cận biên hay chi phí biên là một khái niệm trong kế toán quản trị, có vai trò giúp các nhà quản trị đưa ra các quyết định nhằm tối ưu hóa sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của họ, đồng thời cũng tối đa hóa được lợi nhuận thu về.

1. Chi phí cận biên là gì?

Chi phí cận biên hay chi phí biên (tiếng Anh: Marginal cost) là chi phí phát sinh thêm để sản xuất thêm một đơn vị sản phẩm, được tính bằng cách lấy tổng thay đổi chi phí sản xuất thêm một đơn vị hàng hóa chia cho tổng thay đổi của số lượng hàng hóa được sản xuất ra.

Trong môi trường cạnh tranh hoàn hảo, một doanh nghiệp sẽ dựa vào chi phí cận biên và giá bán để tính sản lượng đầu ra.

Minh họa đồ thị đường chi phí cận biên:

Chi phí cận biên là gì?

Trong đó: (q) là sản lượng đầu ra; (q*) là sản lượng mà tại đó chi phí cận biên đạt giá trị tối thiểu.

Đường chi phí biên có dạng hình chữ U, có nghĩa là nếu sản lượng thấp thì chi phí biên sẽ cao và ngược lại. 

Khi sản lượng tăng, đường chi phí biên thoải dần, mức tăng chi phí biên đạt đến giá trị tối thiểu sau đó sẽ tăng trở lại nếu sản lượng vượt qua mức tối ưu.

Chi phí cận biên là gì?

Tìm hiểu về khái niệm chi phí cận biên

Nguyên nhân của việc này là:

Khi sản lượng sản phẩm thấp dẫn đến sự dư thừa về năng lực, về quy mô và công suất của một số yếu tố sản xuất cố định (chi phí cố định phát sinh nhưng không có gì bồi đắp vào).

Trong trường hợp này, sản lượng tăng sẽ không làm chi phí tăng lên tương ứng mà doanh nghiệp chỉ đang khai thác hiệu quả hơn, tận dụng sự dư thừa đúng cách hơn mà thôi. Như vậy, chi phí tăng thêm để sản xuất 1 đơn vị hàng hóa cũng nhỏ hơn so với trước.

Một khi đã tận dụng hết mức những lợi thế và chi phí cố định tương ứng với quy mô sản xuất thì chi phí mới sẽ xuất hiện, bao gồm việc đầu tư thêm tài sản cố định hoặc chi phí quản lý tăng, lúc này, chi phí cận biên sẽ tăng lên.

2. Công thức tính chi phí cận biên

Chi phí cận biên = Thay đổi của tổng chi phí / thay đổi của tổng số lượng

Ký hiệu công thức: 

Công thức tính chi phí cận biên

Trong đó:

∆C là thay đổi của tổng chi phí, bằng tổng chi phí phát sinh mới trừ đi tổng chi phí ban đầu.

∆Q là thay đổi của tổng số lượng, bằng tổng sản lượng mới trừ đi tổng sản lượng ban đầu.

Công thức tính chi phí cận biên

Cách tính chi phí cận biên nhanh chóng và chính xác

3. Ý nghĩa và vai trò của việc xác định chi phí cận biên

Phân tích chi phí cận biên có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp, nó tối ưu hóa được mức sản xuất, từ đó tối đa hóa được lợi nhuận. 

Nếu doanh thu biên > chi phí biên của sản phẩm sản xuất thêm thì có khả năng lợi nhuận thu về sẽ tăng lên. 

Nếu doanh thu bên ≤ chi phí biên kéo dài thì đơn vị sản xuất phải cải thiện công tác quản lý doanh thu và chi phí, thậm chí có thể dừng sản xuất lại vì lúc này đơn vị đang thua lỗ.

Phân tích chi phí cận biên là một phần quan trọng của phân tích tổng thể, dựa vào đó, ban lãnh đạo có thể đánh giá được lượng hàng hóa và dịch vụ cung cấp tới người tiêu dùng như thế nào.

Phươngpháp chi phí cận biên có vai trò:

Hỗ trợ nhà quản lý so sánh kết quả trong quá trình thực hiện kế hoạch, so sánh doanh thu… từ đó đưa ra các quyết định cắt giảm những hoạt động không mang lại hiệu quả.

Ý nghĩa và vai trò của việc xác định chi phí cận biên

Lợi ích của việc xác định chi phí cận biên của doanh nghiệp

4. Những lưu ý khi phân tích chi phí cận biên

Một số lưu ý khi tiến hành phân tích chi phí cận biên:

Các ngành như hàng không, tàu thuyền… có những sản phẩm dở dang nhưng giá trị của nó tương ứng với doanh thu. Nếu chi phí chung cố định không được tính vào giá trị cuối kỳ của sản phẩm dở dang thì doanh thu hàng năm bị tính lỗ nhưng lúc sản phẩm hoàn thành thì lãi lại rất lớn. Như vậy, áp dụng phân tích chi phí biên lúc này sẽ cho ra kết quả không chính xác.

Xảy ra một vài trường hợp chi phí biên của doanh nghiệp sẽ tăng lên khá cao. Chẳng hạn như công ty điện lực, những ngày nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện của người dân sẽ tăng cao, bắt buộc công ty phải sản xuất thêm điện. Ngoài sử dụng các nhà máy phát điện thì còn chạy thêm máy phát điện cụ với chi phí rất cao. Từ đó chi phí cận biên cũng cao hơn.

Một trường hợp khác chi phí biên để sản xuất thêm một đơn vị rất thấp, đó là hãng hàng không. Chi phí tăng thêm cho một hành khách chỉ bằng chi phí của một cái bánh, hay một cốc nước khi máy bay còn ghế trống. Như vậy vốn không tăng mà lao động cũng không tăng.

Những lưu ý khi phân tích chi phí cận biên

Các yếu tố ảnh hướng tới chi phí cận biên mà bạn nên chú ý

Yếu tố thời gian không được tính trong phân tích chi phí cận biên. Ví dụ, hai công việc như nhau nhưng nếu A mất thời gian hơn B để hoàn thành hơn thì chi phí thực phát sinh cho công việc của A sẽ cao hơn của B. Điều này đã bị loại bỏ trong phân tích chi phí biên.

Chi phí biên bỏ qua thực tế tương đương chi phí cố định. Ta có thể kiểm soát được chi phí cố định, tuy nhiên, việc này dẫn đến khả năng kiểm soát chi phí cố định bị kém hiệu quả.

Bởi thế cho nên, doanh nghiệp cẩn thận trọng trong việc áp dụng chi phí cận biên vào từng trường hợp cụ thể. Nếu không trình bày và giải thích chi phí biên hợp lý cho các yếu tố biến đổi thì rất có thể ban lãnh đạo sẽ đưa ra những quyết định quản trị sai lệch.

5. Mối quan hệ giữa chi phí cận biên và chi phí bình quân

Sản lượng tăng thì chi phí bình quân sẽ giảm, chi phí cận biên < chi phí bình quân;

Sản lượng giảm, chi phí bình quân tăng, chi phí cận biên > chi phí bình quân;

Nếu chi phí bình quân không tăng không giảm, luôn ở mức tối đa hoặc tối thiểu thì lúc này chi phí cận biên sẽ bằng chi phí bình quân.

Tiêu chí

Chi phí biên

Chi phí bình quân

Khái niệm

Là chi phí tăng thêm khi sản xuất thêm một đơn vị sản lượng

Là chi phí tính trên mỗi đơn vị sản phẩm

Cách tính

Bằng tổng chi phí thay đổi chia cho sản lượng thay đổi

Bằng tổng chi phí chia cho tổng sản lượng được sản xuất

Lợi ích

Giúp nhà quản trị so sánh kết quả của quá trình thực hiện kế hoạch

Đánh giá các tác động khi sản lượng thay đổi ảnh hưởng đến chi phí đơn vị sản phẩm như thế nào

Một số trường hợp đặc biệt giữa chi phí biên và chi phí bình quân:

Có một số ngành công nghiệp có chi phí biên cố định, tức là nó không thay đổi (ví dụ mạng truyền tải điện), mỗi đơn vị sản xuất bổ sung được sản xuất với chi phí bổ sung không đổi trên một đơn vị, đường cong chi phí bình quân dốc xuống liên tục, tiệm cận với chi phí biên. Chi phí cận biên sẽ luôn nhỏ hơn chi phí bình quân.

Chi phí biên hoặc chi phí bình quân có thể không tuyến tính hoặc không liên tục, thế nên, đường cong chi phí chỉ thể hiện trên quy mô sản xuất hạn chế của một dạng công nghệ nhất định.

Điểm cân bằng giá chi phí bình quân là điểm giao cắt của đường cong chi phí bình quân và đường cầu thị trường theo phương pháp định giá chi phí bình quân. Đây chính là điểm người ta chọn để sản xuất.

6. Cách giảm chi phí cận biên hiệu quả

Muốn cắt giảm được chi phí cận biên thì doanh nghiệp cần:

Làm tốt công tác quản lý chi phí bởi chi phí sản xuất chính là một trong những yếu tố quyết định đến giá thành sản phẩm cũng như lợi nhuận đem về;

Tăng cường đầu tư công nghệ hiện đại, đào tạo nhân lực, tăng năng suất lao động, tăng GTGT của sản phẩm, quy mô doanh nghiệp có khả năng cũng tăng theo.

Thường xuyên đánh giá và cải tiến các chính sách quản lý sao cho phù hợp với quy mô sản xuất nhất, phát huy tối đa hiệu suất cũng như hiệu quả của nguồn nhân lực.

Có được thông tin các chỉ số quan trọng như chi phí cận biên, lợi nhuận biên là điều cần thiết để nhà quản trị thiết lập những chiến lược phù hợp và kịp thời với công ty.

Tuy nhiên, không phải lúc nào chi phí cận biên cũng cho ra kết quả đúng, cần sử dụng cho đúng nghiệp vụ và tình huống cụ thể. TOPI mong rằng, với những thông tin trên bạn có thể dễ dàng xác định chi phí cận biên và nó giúp ích cho quá trình đánh giá, chiến lược kinh doanh của bạn.

Bài viết liên quan

logo-topi-white

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VAM

Tầng 11, Tháp văn phòng quốc tế Hòa Bình, 106 đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

Quét mã QR để tải ứng dụng TOPI

icon-messenger