Vốn pháp định tiếng Anh là Legal capital được hiểu là số tiền tối thiểu doanh nghiệp cần có trước khi đăng ký thành lập công ty. Ở một số quốc gia khác, vốn pháp định là số vốn mà chủ thể kinh doanh không được phép rút số vốn này ra khỏi doanh nghiệp và không thể phân phối cho các cổ đông hoặc nhà đầu tư dưới bất cứ hình thức nào kể cả cổ tức.
Nhưng ở Việt Nam định nghĩa này lại gần giống với vốn điều lệ hơn. Vậy theo pháp luật Việt Nam thì vốn pháp định là gì, khác biệt gì với vốn điều lệ?
I. Vốn pháp định là gì?
Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, không có quy định về vốn pháp định (Legal capital), theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013 nhằm mục đích hiện thực hóa việc tự do kinh doanh các ngành nghề hợp pháp, nên từ Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã không còn quy định về điều khoản liên quan đến vốn pháp định nữa.
Doanh nghiệp phải chứng minh vốn pháp định trước khi đăng ký thành lập công ty
Tuy nhiên, ta có thể hiểu, vốn pháp định là mức vốn tối thiểu (ít nhất) phải có để có thể thành lập được doanh nghiệp (theo Luật Doanh nghiệp cũ năm 2005). Vốn pháp định nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp, quyền hợp pháp cho người tiêu dùng, khách hàng cũng như các đối tác.
II. Đặc điểm và ý nghĩa của vốn pháp định
1. Đặc điểm của vốn pháp định:
Chỉ áp dụng với một số ngành nghề nhất định, không phải lĩnh vực nào cũng có, thường là chỉ định với các ngành nghề lĩnh vực mang tính nhạy cảm;
Được cấp cho chủ thể kinh doanh gồm: các cá nhân, tổ chức, pháp nhân, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác…;
Việc yêu cầu vốn pháp định nhằm phòng ngừa rủi ro sau khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động kinh doanh. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, vốn chủ sở hữu phải lớn hơn hoặc bằng vốn pháp định;
Giấy xác nhận vốn pháp định được cấp trước giấy phép thành lập và HĐKD.
2. Ý nghĩa của vốn pháp định:
Đảm bảo lợi ích hợp pháp, quyền hợp pháp cho người tiêu dùng, khách hàng cũng như các đối tác của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có đủ vốn pháp định một phần sẽ chứng minh được tiềm lực phát triển của công ty. Từ đó, khách hàng hay đối tác cũng yên tâm hơn nếu có sự hợp tác, sử dụng dịch vụ hàng hoá của doanh nghiệp;
Đảm bảo về tài sản cho doanh nghiệp, nhất là đối với những ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao. Hầu hết, các ngành mà có quy định về vốn pháp định đều hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội của người dân và tác động lớn đến nền kinh tế của đất nước;
Hạn chế việc thành lập doanh nghiệp tràn lan, không có vốn nhưng vẫn hoạt động bình thường;
Các cơ quan quản lý cũng có thể giám sát các hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời cảnh báo cho khách hàng hay đối tác của doanh nghiệp trong trường hợp vốn chủ sở hữu xuống dưới mức vốn pháp định, để có sự cân nhắc trong quá trình thực hiện giao dịch với công ty này. Đồng thời, họ cũng sẽ có biện pháp xử lý cần thiết với doanh nghiệp.
Mỗi ngành nghề có quy định mức vốn pháp định cụ thể
III. Dấu hiệu nhận biết vốn pháp định
Đối với các doanh nghiệp quốc nội, Chính phủ có quy định về mức vốn pháp định của mỗi một ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn như ngành kinh doanh bất động sản thì cần 20 tỷ đồng vốn pháp định, môi giới chứng khoán cần 25 tỷ đồng, công ty tài chính cần 500 tỷ đồng, ngân hàng thương mại cần 3,000 tỷ đồng…
Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ dựa vào tổng vốn đầu tư để xác định số vốn pháp định, trừ những trường hợp đặc biệt được Nhà nước khuyến khích đầu tư.
IV. Phân biệt vốn pháp định và vốn điều lệ
Cần có văn bản xác nhận vốn pháp định mới được cấp đăng ký kinh doanh
Vốn pháp định và vốn điều lệ là hoàn toàn khác nhau.
Về định nghĩa:
Vốn điều lệ được quy định tại khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020, là tổng giá trị tài sản được các thành viên công ty hay chủ sở hữu góp vào hoặc cam kết góp khi thành lập công ty TNHH, công ty hợp danh. Với CTCP thì vốn điều lệ là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua.
Còn vốn pháp định không có quy định trong Luật Doanh nghiệp 2020, chỉ là số vốn ít nhất mà chủ sở hữu hoặc các thành viên công ty cần phải có để có thể thành lập được công ty.
Về phạm vi áp dụng:
Vốn điều lệ áp dụng theo loại hình doanh nghiệp, còn vốn pháp định áp dụng với một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định.
Về mức vốn:
Vốn điều lệ không đưa ra mức vốn tối thiểu hay tối đa, góp bao nhiêu cũng được. Còn vốn pháp định sẽ có con số cố định tuỳ thuộc vào từng ngành nghề.
Về thời hạn góp vốn:
Vốn pháp định bắt buộc phải góp đủ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh, còn vốn điều lệ sẽ có thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được Giấy chứng nhận ĐKKD để góp cho đủ.
Có thay đổi theo thời gian không:
Vốn pháp định là cố định, vốn điều lệ có thể tăng lên hoặc giảm xuống tuỳ tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Về văn bản quy định:
Vốn pháp định sẽ được quy định tại các văn bản pháp luật do Nhà nước ban hành, còn vốn điều lệ sẽ được ghi trong bản điều lệ công ty.
Về ý nghĩa:
Vốn điều lệ là sự cam kết trách nhiệm bằng vật chất của các thành viên trong doanh nghiệp với khách hàng, các đối tác, là vốn đầu tư cho các hoạt động khác và cũng là cơ sở phân chia lợi nhuận và rủi ro trong kinh doanh cho các thành viên góp vốn.
Vốn pháp định là việc đảm bảo khả năng và mục đích kinh doanh chân chính của doanh nghiệp, cũng như bảo hộ quyền lợi cho khách hàng, các đối tác.
V. Cách tăng giảm vốn điều lệ tối ưu nhất
Những cách giúp công ty tăng vốn điều lệ nhanh chóng
Với công ty cổ phần (CTCP), có thể tăng vốn điều lệ bằng cách chào bán cổ phần, có thể chào bán ra công chúng, chào bán riêng lẻ hoặc chào bán cho các cổ đông của công ty. Giảm vốn điều lệ bằng cách mua lại những cổ phần đã phát hành hoặc hoàn trả một phần vốn đã góp cho các cổ đông theo tỷ lệ cổ phần sở hữu của họ.
Với công ty TNHH Một thành viên, tăng vốn điều lệ bằng việc chủ sở hữu tự thêm vốn vào hoặc nhận vốn từ người khác (tổ chức hoặc cá nhân đều được). Giảm vốn điều lệ bằng cách hoàn trả một phần vốn góp cho chủ sở hữu, hoặc nếu chủ sở hữu không thanh toán đầy đủ số vốn điều lệ đúng hạn thì bỏ phần không đầy đủ đó đi và đăng ký thực hiện giảm vốn.
Với công ty TNHH Hai thành viên tăng vốn điều lệ bằng cách tăng vốn góp từ các thành viên công ty hoặc tiếp nhận vốn góp từ thành viên mới. Muốn giảm vốn điều lệ thì chỉ cần hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ vốn góp của họ hoặc mua lại phần vốn góp của thành viên.
Nếu thành viên nào không thanh toán đầy đủ vốn điều lệ đúng hạn thì bỏ phần vốn của người này và thực hiện việc đăng ký giảm vốn.
Vốn pháp định gần như mang tính cố định được pháp luật quy định
VI. Vốn pháp định có bắt buộc không?
Như đã nói ở trên, vốn pháp định không bắt buộc với tất cả các ngành nghề, chỉ những lĩnh vực nhạy cảm, có ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của quốc gia và người dân thì Nhà nước mới có quy định.
Ví dụ như:
Ngành kinh doanh dịch vụ bảo vệ có vốn đầu tư nước ngoài ít nhất là 1 triệu Đô la Mỹ;
Ngành kinh doanh dịch vụ kiểm toán là 5 tỷ đồng;
Bảo lãnh phát hành chứng khoán tối thiểu 165 tỷ đồng;
Kinh doanh bảo hiểm doanh nghiệp trong nước cần có tổng tài sản tối thiểu 2,000 tỷ đồng;
Doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe tối thiểu 300 tỷ đồng
Kinh doanh ca-si-nô tối thiểu 2 tỷ USD…
Doanh nghiệp hoạt động trong ngành có ảnh hưởng lớn phải chứng minh vốn pháp định
Có thể tham khảo một vài văn bản pháp luật về vốn pháp định là: Nghị định 69/2018/NĐ-CP, Nghị định 40/2018/NĐ-CP, Nghị định 143/2016/NĐ-CP, Nghị định 23/2021/NĐ-CP, Nghị định 112/2021/NĐ-CP, Nghị định 145/2020/NĐ-CP, Nghị định 147/2018/NĐ-CP, Nghị định 89/2019/NĐ-CP, Nghị định 144/2018/NĐ-CP, Nghị định 47/2011/NĐ-CP, Nghị định 25/2011/NĐ-CP, Nghị định 46/2017/NĐ-CP, Nghị định 195/2013/NĐ-CP, Nghị định 130/2018/NĐ-CP, Nghị định 25/2011/NĐ-CP, Nghị định 86/2019/NĐ-CP, Nghị định 101/2012/NĐ-CP, Nghị định 57/2016/NĐ-CP, Nghị định 101/2012/NĐ-CP, Nghị định 86/2019/NĐ-CP, nghị định 08/2022/NĐ-CP, Nghị định 142/2018/NĐ-CP…
Tựu chung, vốn pháp định là số vốn cần phải có để doanh nghiệp đủ điều kiện đăng ký giấy phép kinh doanh. Không phải ngành nghề nào cũng yêu cầu phải có vốn pháp định, chỉ những lĩnh vực rủi ro cao chẳng hạn như kinh doanh bất động sản, bảo hiểm, tài chính ngân hàng, chứng khoán… mới được pháp luật quy định về vốn pháp định. Mong rằng, những thông tin mà TOPI mang đến sẽ hữu ích với bạn. Chúc bạn thành công!