Tài trợ chuỗi cung ứng (SCF) là giải pháp tài chính toàn diện, kết nối các bên trong chuỗi cung ứng để tối ưu hóa dòng tiền, giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động. Tìm hiểu cách SCF hoạt động và những lợi ích mà nó mang lại cho doanh nghiệp, từ nhà cung cấp đến người mua hàng và tổ chức tài chính.
Khái niệm chuỗi cung ứng
Chuỗi cung ứng (Supply Chain) là mạng lưới kết nối các tổ chức, con người, hoạt động, thông tin và tài nguyên để tạo ra và cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng.
Một chuỗi cung ứng hoạt động hiệu quả không chỉ đảm bảo hàng hóa được giao đúng hạn mà còn giúp tiết kiệm chi phí, giảm lãng phí và làm hài lòng khách hàng.
Chuỗi cung ứng là mạng lưới kết nối từ nhà cung cấp đến người tiêu dùng
Ví dụ minh họa: Hãy tưởng tượng về chuỗi cung ứng của một chiếc điện thoại di động gồm:
- Nhà cung cấp nguyên vật liệu: Sản xuất và bán các linh kiện như màn hình, chip, pin...
- Nhà sản xuất: Lắp ráp các linh kiện này thành chiếc điện thoại hoàn chỉnh.
- Nhà phân phối: Vận chuyển điện thoại đến các cửa hàng bán lẻ.
- Nhà bán lẻ: Bán điện thoại tới tay người tiêu dùng.
Nói một cách đơn giản, chuỗi cung ứng là một hệ thống các hoạt động liên kết với nhau, từ khi một sản phẩm được tạo ra cho đến khi nó đến tay người tiêu dùng. Một chuỗi cung ứng hiệu quả sẽ giúp giảm các chi phí cho sản phẩm, giúp doanh nghiệp cung cấp sản phẩm với giá cạnh tranh hơn, khách hàng nhận được sản phẩm sớm hơn, quản lý hiệu quả hàng tồn kho, tránh bị hư hỏng, tồn đọng.
Tài trợ chuỗi cung ứng là gì?
Tài trợ chuỗi cung ứng (tiếng Anh là Supply Chain Finance - Viết tắt là SCF) là giải pháp tài chính giúp kết nối các bên trong chuỗi cung ứng (nhà cung cấp, người mua và tổ chức tài chính) nhằm cải thiện dòng tiền và giảm rủi ro thanh khoản.
Thay vì phải dùng toàn bộ vốn tự có, doanh nghiệp có thể tận dụng tài trợ chuỗi cung ứng để đảm bảo thanh toán đúng hạn cho nhà cung cấp, đồng thời duy trì hoạt động ổn định.
Hiểu một cách đơn giản, tài trợ chuỗi cung ứng tạo ra một hệ sinh thái tài chính hiệu quả bằng cách kết nối chặt chẽ các bên tham gia, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ do những lợi ích mà nó mang lại. Nhiều ngân hàng cung cấp các dịch vụ cho vay chuỗi cung ứng với số tiền lên đến 100% khoản phải thu cũng như điều kiện vay, quy trình vay ngày càng đơn giản hóa.
Tài trợ chuỗi cung ứng có vai trò quan trọng với doanh nghiệp
Ví dụ:
- Dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng Techcombank sẽ ứng trước khoản phải thu (hóa đơn) theo phương thức bao thanh toán hoặc hối phiếu đòi nợ theo phương thức chiết khấu cho bên bán dựa trên cam kết thanh toán của bên mua. Tỷ lệ ứng trước có thể lên tới 100% giá trị hóa đơn.
- Dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng của ngân hàng ACB bao gồm nhiều sản phẩm với nhiều gói vay phù hợp với khách hàng ở các giai đoạn như: Vay vốn khởi nghiệp, vay đầu tư tài sản cố định, bổ sung vốn lưu động, vay thấu chi, vay sản xuất đầu tư, thu hộ, chi hộ, tài trợ nhà phân phối, tài trợ xuất nhập khẩu…
- Dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng của BIDV (BIDV SCF) cung cấp giải pháp tài trợ chuỗi cho nhiều doanh nghiệp đầu ngành, doanh nghiệp FDI trên toàn quốc với hơn 1500 nhà cung cấp, nhà phân phối của nhiều thương hiệu lớn.
Trên thế giới, hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng xuất hiện từ những năm 1990 để khắc phục những vấn đề chậm trễ thanh toán dẫn đến thiếu hụt vốn lưu động. SCF ra đời giúp kịp thời cung cấp vốn cho các nhà cung cấp, giúp họ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định. Hiện nay, SCF ngày càng đơn giản và hiệu quả nhờ ứng dụng các nền tảng số hóa và trí tuệ nhân tạo.
Cách thức hoạt động của tài trợ chuỗi cung ứng - SCF
Supply Chain Finance giúp các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng chuyển đổi các khoản phải thu chưa đến hạn thành vốn lưu động. Các bước chính trong quy trình như sau:
- Đặt hàng và sản xuất: Doanh nghiệp mua (bên mua) đặt hàng với nhà cung cấp (bên bán), và nhà cung cấp tiến hành sản xuất hoặc cung cấp hàng hóa/dịch vụ.
- Phát hành hóa đơn: Sau khi hoàn thành đơn hàng, nhà cung cấp gửi hóa đơn cho doanh nghiệp mua hàng.
- Yêu cầu tài trợ: Nhà cung cấp có thể yêu cầu tổ chức tài chính cấp vốn trước hạn thanh toán của hóa đơn.
- Thẩm định và phê duyệt: Tổ chức tài chính thẩm định yêu cầu, đánh giá độ tin cậy của các bên và phê duyệt khoản vay.
- Giải ngân: Tổ chức tài chính giải ngân số tiền đã cam kết cho nhà cung cấp.
- Thanh toán: Đến hạn, doanh nghiệp mua hàng sẽ thanh toán cho tổ chức tài chính.
- Trả lãi: Nhà cung cấp trả lãi cho tổ chức tài chính theo thỏa thuận.
Có thể xem SCF là đòn bẩy giúp doanh nghiệp có vốn hoạt động
Trong mô hình SCF, mỗi bên tham gia phải thực hiện đầy đủ vai trò của mình. Doanh nghiệp mua hàng phải đảm bảo thanh toán đúng hạn cho tổ chức tài chính và có thể thương lượng các điều khoản thanh toán linh hoạt hơn với nhà cung cấp. Nhà cung cấp nhận được vốn sớm, cải thiện dòng tiền và giảm thiểu rủi ro tín dụng. Tổ chức tài chính cấp vốn, thu lãi từ khoản vay và quản lý rủi ro tín dụng.
Vai trò và lợi ích của tài trợ chuỗi cung ứng với các bên
SCF đóng vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng, từ sản xuất cho tới đầu ra, từ đó gián tiếp thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Đối với doanh nghiệp cung cấp (bên bán)
Cải thiện dòng tiền: Doanh nghiệp nhận được tiền mặt sớm hơn, giúp duy trì hoạt động kinh doanh ổn định và mở rộng sản xuất.
Giảm rủi ro tín dụng: Rủi ro khách hàng không thanh toán được chuyển giao cho tổ chức tài chính.
Tăng cường cạnh tranh: Có khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn hơn và giảm chi phí tài chính.
Đối với doanh nghiệp mua hàng (bên mua)
Có thể nói, Supply Chain Finance đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện dòng tiền, giảm chi phí tài chính, giúp hoạt động kinh doanh diễn ra trơn tru, hiệu quả.
- Cải thiện dòng tiền: Rút ngắn thời gian thu hồi công nợ, giúp doanh nghiệp giải phóng vốn lưu động.
- Cải thiện quan hệ với nhà cung cấp: Xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài, tăng khả năng đàm phán về giá và điều kiện thanh toán.
- Tối ưu hóa chi phí: SCF thường có lãi suất thấp hơn so với các hình thức vay truyền thống nên góp phần làm giảm chi phí tài chính.
- Nâng cao hiệu quả quản lý chuỗi cung ứng: Quản lý các khoản phải trả tốt hơn, giảm rủi ro gián đoạn sản xuất.
Tài trợ chuỗi cung ứng là một phần của tài trợ thương mại
- Tăng tính cạnh tranh: Tận dụng SCF để đầu tư vào công nghệ và mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
- Quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả hơn: Tối ưu hóa quy trình thanh toán, quản lý các khoản phải thu, phải trả chặt chẽ.
- Xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững: SCF tạo điều kiện hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong chuỗi.
- Đảm bảo tính ổn định của chuỗi cung ứng: Giảm thiểu rủi ro vỡ nợ, duy trì nguồn cung ổn định.
- Thích ứng với biến động thị trường: Cung cấp nguồn vốn linh hoạt, giúp doanh nghiệp nhanh chóng ứng phó với thay đổi thị trường.
- Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ: Giúp các doanh nghiệp nhỏ tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn
Đối với nền kinh tế
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Tăng cường sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm.
SCF giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tăng cường lưu thông vốn trong nền kinh tế.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Giúp các doanh nghiệp nhỏ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn.
Điều kiện và quy trình vay chuỗi cung ứng
Điều kiện để doanh nghiệp có thể vay chuỗi cung ứng
Để có thể sử dụng dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải hợp pháp
- Phương án kinh doanh hiệu quả, khả thi, phù hợp với thực tiễn
- Doanh nghiệp phải có nguồn tiền sinh lời từ các hoạt động kinh doanh hiện tại
- Khoản vay phải được đảm bảo bằng các tài sản giá trị như: Động sản, bất động sản, cơ sở vật chất, các loại giấy tờ có giá…
Không chỉ vậy, mỗi gói vay, mỗi ngân hàng ở các thời điểm sẽ kèm thêm những điều kiện cụ thể, chuyên viên sẽ tư vấn khi doanh nghiệp đăng ký vay tài trợ.
Tài trợ chuỗi cung ứng giúp doanh nghiệp giảm chi phí tài chính
Quy trình chung khi vay chuỗi cung ứng
Thông thường, để vay chuỗi cung ứng, doanh nghiệp cần thực hiện theo quy trình 5 bước dưới đây:
- Bước 1: Đăng ký vay
- Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ vay theo hướng dẫn của ngân hàng (giấy đăng ký kinh doanh, báo cáo tài chính, bảng cân đối kế toán, hợp đồng…)
- Bước 3: Ngân hàng thẩm định, đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp và xét duyệt khoản vay.
- Bước 4: Thông báo kết quả xét duyệt tới doanh nghiệp. Nếu khoản vay được duyệt, doanh nghiệp cần chuẩn bị chứng từ theo hướng dẫn để nhận giải ngân.
- Bước 5: Nhận tiền vay từ ngân hàng và sử dụng đúng với nhu cầu kinh doanh.
Khi đăng ký tài trợ chuỗi cung ứng, để đảm bảo khả năng được duyệt cao, doanh nghiệp cần xác định rõ nhu cầu tài chính, đảm bảo khả năng thanh toán khoản vay đúng hạn dựa trên dòng tiền và mức độ khả thi của dự án.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nắm rõ các điều khoản hợp đồng, lưu ý đến lãi suất, thời hạn vay cùng các chi phí có liên quan.
Khi được duyệt vay và giải ngân, doanh nghiệp cần quản lý dòng tiền hiệu quả để đảm bảo trả nợ đúng thời hạn cam kết, tránh nợ quá hạn, nợ xấu làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, gây khó khăn cho những lần vay sau.
Thực trạng dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam hiện nay
Mặc dù tài trợ thương mại nói chung và tài trợ chuỗi cung ứng nói riêng đem lại lợi ích tối ưu cho các doanh nghiệp và cả nền kinh tế, thế nhưng trên thực tế, tỷ lệ tài trợ cho chuỗi cung ứng từ các ngân hàng lại chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong khi Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng để phát triển SCF.
Tuy nhiên, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã nghiên cứu và công bố: Năm 2022, các ngân hàng tại Việt Nam chỉ tài trợ thương mại cho 731 tỷ USD, tương đương với 21% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Thương mại theo chuỗi cung ứng chiếm đến 1/2 tổng thương mại toàn cầu và 2/3 tổng thương mại quốc tế nhưng SCF lại chỉ chiếm 2% tổng vốn tài trợ thương mại được cung cấp trong nước.
Để SCF phát triển cần có sự kết nối của nhiều doanh nghiệp
Điều này cho thấy các nhà sản xuất địa phương, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải chịu áp lực tài chính đáng kể do những yêu cầu cao về tài sản thế chấp, quy trình thẩm định phức tạp. Do vậy, họ khó tiếp cận được với công cụ tài chính đắc lực này.
Theo ông Đinh Ngọc Dũng - Phó Giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng doanh nghiệp (Ngân hàng SHB), trong thời gian qua, SHB và nhiều ngân hàng tại Việt Nam đã và đang triển khai hoạt động SCF nhưng do hạn chế về khuôn khổ pháp lý cùng nhiều thách thức về năng lực quản trị, minh bạch hóa thông tin của doanh nghiệp tham gia vào chuỗi khiến hoạt động tài trợ vẫn chiếm tỷ lệ thấp.
Bên cạnh đó, ngân hàng phải đầu tư chi phí không nhỏ cho số hóa, công nghệ trong khi khó có thể thu được vốn ngay.
Theo ông Trần Long - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV, doanh nghiệp ở Việt Nam muốn vay vốn cần phải thế chấp tài sản, còn các sản phẩm tài trợ thương mại dựa trên các khoản phải thu, tài trợ hóa đơn, lô hàng… mang tính bất ổn cao.
Nhiều doanh nghiệp trung tâm của Việt Nam chưa thực sự đồng hành với nhà phân phối, nhà cung cấp trong khi sự đảm bảo này mới là yếu tố quan trọng để ngân hàng “xuống tay” tài trợ. Giải pháp khắc phục là doanh nghiệp trung tâm cần có những chia sẻ với ngân hàng khi tham gia vào chuỗi cung ứng, đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất phải đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn, tổ chức bán hàng phải chuẩn… Bên cạnh đó, hoạt động kế toán, báo cáo tài chính cần phải đảm bảo minh bạch, tự doanh nghiệp phải tạo được niềm tin với ngân hàng thì SCF mới có thể phát triển và đem lại lợi ích cho chính doanh nghiệp.
Hy vọng những thông tin TOPI chia sẻ về SCF có thể giúp các bạn hiểu rõ tài trợ chuỗi cung ứng là gì cũng như vai trò của Supply Chain Finance - SCF đối với các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Tận dụng tốt SCF, doanh nghiệp có thể xây dựng mối quan hệ bền vững với các đối tác, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững.