Tín phiếu được phát hành nhằm thắt chặt chính sách tiền tệ và điều tiết đồng tiền luân chuyển. Đầu tư vào tín phiếu ít rủi ro nhất trên thị trường tiền tệ nhưng mức lợi nhuận thu về khá khiêm tốn.
1. Tín phiếu là gì?
Tín phiếu là chứng chỉ ghi nhận khoản nợ ngắn hạn được Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước phát hành theo phương thức do pháp luật quy định để vay tiền. Thời hạn của tín phiếu thường là 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng hoặc 1 năm.
Tín phiếu xác nhận quyền chủ nợ, quyền hưởng lợi tức của người sở hữu và nghĩa vụ tương ứng của bên phát hành.
Tín phiếu thường có thời hạn ngắn dưới 1 năm
2. Phân loại tín phiếu trên thị trường
2.1 Tín phiếu kho bạc
Tín phiếu kho bạc do Kho bạc phát hành để bù đắp cho những thiếu hụt tạm thời của ngân sách Nhà nước. Tín phiếu kho bạc thuộc loại chứng khoán chiết khấu, tức là được bán thấp hơn mệnh giá, khi đến hạn, nhà đầu tư được nhận lại đủ mệnh giá. Phần chênh lệch giữa giá mua và mệnh giá là lãi của nhà đầu tư.
Tín phiếu kho bạc là công cụ để Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ thông qua thị trường mở và được xem là công cụ có tính thanh khoản cao nhất do được mua bán nhiều nhất. Bên mua chủ yếu là các ngân hàng, các công ty và trung gian tài chính khác.
Tín phiếu kho bạc là công cụ tài chính có độ rủi ro thấp nhất trên thị trường tiền tệ bởi bên phát hành hầu như không có khả năng vỡ nợ, tức là chính phủ lúc nào cũng có thể tăng thuế hoặc in tiền để trả nợ, không có chuyện mất khả năng thanh toán. Tín phiếu kho bạc có lãi suất tương đối thấp và thường được đấu giá theo lô.
Tín phiếu kho bạc có tính thanh khoản cao trên thị trường
2.2 Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước
Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước là loại công cụ nợ do ngân hàng Trung ương phát hành nhằm thắt chặt chính sách tiền tệ, kỳ hạn không vượt quá 364 ngày. mệnh giá tín phiếu là 100 ngàn đồng hoặc bội số của 100 ngàn đồng.
Tín phiếu Ngân hàng Nhà Nước phát hành cho các tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam, có tính pháp lý rõ ràng, có tài khoản thanh toán bằng tiền Việt tại Ngân hàng Nhà Nước.
Ngân hàng Nhà Nước phát hành tín phiếu dưới hình thức ghi sổ, chủ sở hữu tín phiếu là chủ nợ. Khi đến hạn, bên vay phải thanh toán cho chủ tín phiếu số tiền bằng với mệnh giá. Lãi suất cho vay tín phiếu do ngân hàng Nhà nước quyết định.
Khi phát hành tín phiếu, ngân hàng sẽ có hạn mức và mục tiêu rõ ràng, cụ thể trong từng thời kỳ. Tín phiếu Nhà nước thường được mua bán, chuyển nhượng, cầm cố giữa các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, ngân hàng hợp tác xã hội.
Tín phiếu thường có mệnh giá là bội số của 100.000 đồng
3. Mục đích của phát hành tín phiếu ra thị trường
Tín phiếu được phát hành nhằm tạo ra lợi nhuận thông qua lãi suất, tối giản hóa số tiền đang lưu thông trên thị trường tiền tệ, đồng thời cũng là để thắt chặt tiền tệ và điều tiết đồng tiền luân chuyển.
Sử dụng tín phiếu giúp chống lại tình trạng lạm phát, kích thích hoạt động và tình hình kinh tế giữa các tổ chức, doanh nghiệp tài chính, tạo ra lợi nhuận, tối giản hóa số tiền đang lưu thông.
4. Cách tính giá bán tín phiếu
Mệnh giá của tín phiếu thường là bội số của 100 ngàn đồng, được in trên tín phiếu. Giá bán tín phiếu được tính theo công thức sau:
G = MG/(1+L*t/365)
Trong đó:
G là giá bán của tín phiếu
MG là mệnh giá ban đầu của tín phiếu
L là lãi suất của tín phiếu (%/năm)
t là thời hạn của tín phiếu (ngày)
5. Cách thức phát hành tín phiếu
Có hai phương thức chính được sử dụng để phát hành tín phiếu là đấu thầu và bắt buộc.
5.1 Phương thức đấu thầu
Ngân hàng Nhà nước sẽ phát hành tín phiếu bằng hình thức đấu thầu theo từng lô. Thông tin phát hành tín phiếu được chuyển đến các thành viên đấu thầu qua Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Sau khi các thành viên đăng ký đấu thầu, Kho bạc Nhà nước sẽ xác định mức lãi suất với các mã tín phiếu gọi thầu. Thành viên trúng thầu sẽ nhận tín phiếu qua nghiệp vụ ghi sổ.
Tín phiếu có thể được phát hành theo phương thức đấu thầu hoặc bắt buộc
5.2 Phương thức bắt buộc
Tùy thuộc vào thị trường và mục tiêu của chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ phát hành tín phiếu theo phương thức bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng. Tổ chức này buộc phải mua tín phiếu theo Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
6. Những quy định về tín phiếu
Đồng tiền phát hành: Tín phiếu được phát hành, hạch toán và thanh toán bằng tiền đồng của Việt Nam.
Thời hạn: do chủ thể phát hành quyết định nhưng sẽ dưới 1 năm.
Mệnh giá: Là bội số của 100.000 đồng.
Đối tượng: Tổ chức tín dụng phải có tài khoản thanh toán bằng tiền Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước.
Hình thức: Đấu thầu theo lô hoặc theo phương thức bắt buộc.
Lãi suất: do Ngân hàng Trung ương quyết định, phù hợp với thị trường và mục tiêu của chính sách tiền tệ trong từng giai đoạn.
Thanh toán:
- Tổ chức tín dụng mua tín phiếu bằng cách đấu thầu sẽ thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về nghiệp vụ thị trường mở.
- Tổ chức tín dụng mua tín phiếu theo phương thức bắt buộc phải chuyển tiền mua tín phiếu vào tài khoản do Ngân hàng Nhà nước chỉ định trong ngày thanh toán tín phiếu.
- Khi tín phiếu hết hạn, Ngân hàng Nhà nước sẽ thanh toán cho chủ sở hữu bằng mệnh giá ghi trên tín phiếu.
Lãi từ tín phiếu là phần chênh lệch giữa chiết khấu và mệnh giá
7. Phân biệt tín phiếu và trái phiếu
Đặc điểm |
Tín phiếu |
Trái phiếu |
Thời hạn |
Ngắn hạn, dưới 1 năm (3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 364 ngày) |
Trung và dài hạn, từ 1 đến 5 năm hoặc trên 10 năm |
Rủi ro |
Độ an toàn cực cao, gần như không có rủi ro |
Rủi ro mất tiền nếu tổ chức phát hành bị phá sản |
Lãi suất |
Lãi suất rất thấp |
Lãi suất hấp dẫn |
Chủ thể phát hành |
Ngân hàng Nhà nước hoặc tổ chức chính phú |
Kho bạc Nhà nước hoặc các doanh nghiệp |
Chủ thể sở hữu |
Các ngân hàng thương mại hoặc tổ chức tài chính |
Nhà đầu tư cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp |
Trên đây là những thông tin về các loại tín phiếu và cách thức phát hành cũng như những quy định của pháp luật về tín phiếu. Hy vọng có thể giúp các bạn hiểu về loại giấy tờ có giá này. Hãy theo dõi TOPI để biết thêm những phương thức đầu tư hiệu quả nhất, thu về lợi ích cao nhất nhé.