Thị giá cổ phiếu hiểu đơn giản là giá tiền người mua phải trả để mua một loại cổ phiếu ở một thời điểm cụ thể. Thị giá cổ phiếu có thể cao hơn, thấp hơn hoặc bằng giá trị sổ sách của cổ phiếu và nó dễ bị biến động theo nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan.
1. Thị giá cổ phiếu là gì?
Thị giá cổ phiếu (Stock Price) là thuật ngữ chỉ giá trị giao dịch, mua bán cổ phiếu tại thời điểm cụ thể, tức là số tiền thực sự nhà đầu tư phải bỏ ra để sở hữu một cổ phiếu tại thời điểm giao dịch.
Ví dụ: Chốt phiên giao dịch ngày 8/3/2022, giá cổ phiếu FPT là 45.150đ/cổ phiếu thì giá này chính là thị giá của cổ phiếu FPT tại thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 8/3/2022.
Thị giá cổ phiếu là số tiền thực sự người mua bỏ ra để mua vào
Cần phân biệt thị giá cổ phiếu với giá trị thực, giá cổ phiếu trong sổ sách của công ty phát hành. Giá sổ sách là giá trị được tính toán dựa trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp được tính bằng cách lấy vốn chủ sở hữu chia cho lượng cổ phiếu đang lưu hành. Giá trị này sẽ không thay đổi trong suốt một kỳ kế toán.
2. Đặc điểm và vai trò của thị giá cổ phiếu
Thị giá cổ phiếu có vai trò là nhân tố quan trọng khi nhà đầu tư phân tích tình hình của công ty phát hành và quyết định xem có nên đầu tư hay không. Khác với giá cổ phiếu do công ty phát hành ấn định, thị giá cổ phiếu tăng giảm, biến động từng giờ theo nhu cầu của thị trường. Chính vì vậy, nhà đầu tư cần theo dõi kỹ và nắm bắt những biến động này để đặt lệnh hợp lý.
Thị giá cổ phiếu có những đặc điểm cụ thể như sau:
- Luôn biến động: Thị giá của cổ phiếu không cố định mà biến động liên tục phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan (tình hình chính trị, chính sách kinh tế vĩ mô, tâm lý nhà đầu tư…)
Thị giá cổ phiếu luôn biến động từng ngày, từng giờ
- Thị giá cổ phiếu không phải lúc nào cũng bằng chính xác giá trị thực của mã cổ phiếu đó. Trên thực tế, thị giá cổ phiếu có thể bằng hoặc cao hơn, thấp hơn giá trị thực của cổ phiếu.
Nếu thị giá cao hơn giá trị thực tức là nhà đầu tư đang đánh giá cao cổ phiếu đó, thị giá thấp hơn giá trị thực là cổ phiếu được nhìn nhận không tốt. Nếu xác định đúng giá trị thực của cổ phiếu thì nhà đầu tư có thể tìm ra mã cổ phiếu tiềm năng có thể mang về lợi nhuận cao trong tương lai.
Do lợi tức của cổ phiếu thường không cố định mà nó sẽ phụ thuộc vào mức lợi nhuận thu được từ công ty phát hành. Bên cạnh đó, chính sách chi trả cổ tức của công ty đó có hấp dẫn hay không, loại chứng khoán có độ rủi ro cao hay không. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán biến động mạnh hơn so với các loại chứng khoán khác.
3. Các nhân tố ảnh hưởng tới thị giá cổ phiếu
Như đã nói, thị giá cổ phiếu không cố định mà luôn biến động. Thị giá tăng hay giảm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, cụ thể như sau:
3.1 Hiệu quả kinh doanh của công ty phát hành
Thị giá của cổ phiếu chịu ảnh hưởng rất lớn từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp phát hành. Nếu công ty có hiệu quả kinh doanh tốt, đang phát triển sẽ mang lại lợi nhuận, cổ tức cao cho người chơi. Ngược lại, nếu công ty kinh doanh thua lỗ, hoạt động kinh doanh không hiệu quả, tiềm ẩn nhiều rủi ro sẽ khiến cho lòng tin của nhà đầu tư bị mất dần.
Một nhà đầu tư chuyên nghiệp thường dựa trên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp để đánh giá giá trị thực của cổ phiếu.
Giá cổ phiếu phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh của công ty
3.2 Cung và cầu trên thị trường chứng khoán
Giá cổ phiếu chịu sự chi phối mạnh mẽ của quy luật cung cầu. Đối với các doanh nghiệp có xu hướng làm ăn tốt, phát triển, nhiều nhà đầu tư có nhu cầu mua cổ phiếu với kỳ vọng thu lại lợi nhuận cao.
Ngược lại, khi một doanh nghiệp làm ăn kinh doanh không tốt, có xu hướng suy thoái, điều này sẽ khiến nhà đầu tư lo lắng, tìm cách bán cổ phiếu đi. Cổ phiếu bán ra với số lượng lớn khiến giá giảm mạnh, đồng thời mang lại ít lợi nhuận hơn.
Ở những công ty có vốn hóa lớn, tập đoàn có quy mô, sẽ thu hút nhiều quỹ và các nhà đầu tư lớn rót vốn đầu tư. Điều này sẽ đẩy giá cổ phiếu trên thị trường lên cao, tuy nhiên đầu tư vào những cổ phiếu loại này sẽ khó có lợi nhuận đột biến.
Trong khi đó, các doanh nghiệp có vốn hóa nhỏ, số lượng cổ phiếu trên thị trường thấp, có tiềm năng tăng giá mạnh mẽ, mang lại lợi nhuận cao có thể gấp đôi hoặc gấp ba lần.
3.3 Tính ổn định của nền kinh tế
Nền kinh tế thị trường ảnh hưởng sâu tới giá cổ phiếu. Nền kinh tế ổn định, tăng trưởng tốt sẽ là môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển, tăng lợi nhuận, cổ tức chia cho nhà đầu tư tăng cao nên nhiều người cùng tham gia góp vốn để kiếm lời dẫn đến giá cổ phiếu tăng cao.
Ngược lại, nếu nền kinh tế bị thu hẹp hoặc rơi vào khủng hoảng khiến các doanh nghiệp khó khăn trong kinh doanh dẫn đến giảm lợi nhuận, giảm cổ tức chia cho cổ đông dẫn đến các nhà đầu tư rút vốn, tìm kênh đầu tư khác khiến cho giá cổ phiếu giảm.
Nền kinh tế ổn định khiến giá cổ phiếu tăng
3.4 Tâm lý nhà đầu tư và thông tin truyền thông
Thông tin trên các phương tiện truyền thông cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư. Khi có thông tin xấu về hoạt động của công ty phát hành thì nhà đầu tư cảm thấy không yên tâm, dẫn đến bán tháo để rút vốn. Khi nhu cầu bán lớn hơn nhu cầu mua thì giá cổ phiếu sẽ giảm sâu.
Bên cạnh đó, những công ty được truyền thông tốt, báo cáo kinh doanh có lợi nhuận cao, hoặc có thông tin được chia cổ tức… sẽ thu hút các nhà đầu tư rót vốn vào, nhu cầu mua tăng mạnh, thị giá cổ phiếu theo đó cũng tăng lên.
Để đầu tư chứng khoán hiệu quả, bạn cần tìm hiểu rõ về công ty phát hành ra mã cổ phiếu đó đang hoạt động thế nào, xem thị giá cổ phiếu hiện tại đang ở mức nào so với giá sổ sách của công ty, từ đó lên phương án đầu tư hợp lý. Hãy theo dõi TOPI để biết thêm nhiều kiến thức đầu tư tài chính hữu ích nhé.