Lợi nhuận ròng (lãi ròng) là phần còn lại sau khi lấy tổng doanh thu bán hàng trừ đi tất cả các chi phí tạo ra sản phẩm và thuế thu nhập doanh nghiệp. Người quản trị phải luôn tìm cách tăng lợi nhuận ròng để doanh nghiệp phát triển và thu hút vốn đầu tư.
1. Lợi nhuận ròng là gì?
Thuật ngữ lợi nhuận ròng (Net profit) còn được biết đến với tên gọi khác là lợi nhuận sau thuế, lãi ròng, thu nhập ròng.
Lãi ròng là lợi nhuận thực tế của doanh nghiệp, là phần còn lại sau khi lấy tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh trừ đi thuế và tất cả các khoản chi phí
Trong bảng cân đối kế toán và báo cáo thu nhập, lợi nhuận ròng thường được gọi là lãi ròng. Khái niệm này xuất hiện trên báo cáo thu nhập cho thấy tất cả các khoản thu nhập và chi phí được phân bổ trong một khoảng thời gian xác định với tổng kết quả tại dòng dưới cùng của báo cáo.
Lợi nhuận ròng là thu nhập thực tế của doanh nghiệp
Tỷ suất lợi nhuận ròng (biên lợi nhuận ròng) là tỷ lệ phần trăm lợi nhuận ròng trên doanh thu, thể hiện khả năng sinh lời từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
2. Vai trò và ý nghĩa của lợi nhuận ròng
Thu nhập ròng là một thông số quan trọng đánh giá sức khỏe tài chính tổng thể của một doanh nghiệp và có ý nghĩa chiến lược:
- Về đầu tư: Trước khi quyết định trở thành cổ đông rót vốn cho một công ty, các nhà đầu tư sẽ phải xem xét yếu tố lợi nhuận ròng của công ty đó. Tốc độ tăng trưởng lãi ròng bền vững sẽ thu hút nhiều nguồn đầu tư.
- Về các khoản cho vay: Khi công ty có nhu cầu vay vốn, các ngân hàng sẽ quan tâm đến lợi nhuận ròng của công ty đó. Thông số lợi nhuận ròng cao sẽ dễ dàng vay hơn vì họ được nhận định là có nhiều khả năng hoàn trả khoản vay.
- Về doanh thu: Các chủ doanh nghiệp cần theo dõi sát sao lợi nhuận sau thuế của công ty mình để hiểu rõ về tỷ suất lợi nhuận ròng của công ty và lên chiến lược tăng doanh thu.
- Về lỗ: Một số công ty khởi nghiệp dự kiến sẽ hoạt động thua lỗ, đặc biệt là trong những năm đầu trên thương trường. Từ việc xác định lợi nhuận ròng có thể nhận định trước về mức lỗ ròng cũng như thời gian dự kiến để duy trì mức lỗ này.
Chỉ số lợi nhuận ròng có vai trò quan trọng khi phân tích doanh nghiệp
Vai trò quan trọng của chỉ số lãi ròng:
- Là căn cứ để đánh giá việc kinh doanh của doanh nghiệp: Chỉ số lợi nhuận ròng càng lớn thì hiệu quả kinh doanh càng cao. Nếu lợi nhuận ròng âm đồng nghĩa với doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ, phá sản, các nhà quản trị doanh nghiệp cần nghiên cứu tìm ra hướng đi mới.
- Tỷ số lãi ròng ở mỗi ngành nghề là khác nhau, vì thế hãy chỉ so sánh tỷ số lợi nhuận ròng của doanh nghiệp mình với các doanh nghiệp cùng ngành, trong cùng thời điểm nhất định.
3. Công thức tính lợi nhuận ròng
Để tính được lãi thuần, chỉ cần lấy tổng doanh thu trừ đi tổng chi phí trong cùng một kỳ kế toán. Công thức tình cụ thể như sau:
Lợi nhuận ròng (Net profit) = Tổng doanh thu (Total revenue) – Tổng chi phí (Total cost)
Cần lưu ý: Lợi nhuận ròng không được sử dụng để làm thước đo tính tổng số tiền mà doanh nghiệp kiếm được. Lý do là vì ngoài các chi phí bằng tiền mặt, doanh nghiệp còn có các chi phí khác như khấu hao và khấu trừ dần.
Cần kiểm tra báo cáo lưu chuyển tiền tệ để biết tổng số tiền mặt mà mình tạo ra được là bao nhiêu.
4. Các yếu tố ảnh hưởng tới lợi nhuận ròng
Có nhiều yếu tố tác động đến lãi ròng
Các yếu tố tác động đến lợi nhuận ròng bao gồm cả chi phí cố định và chi phí biến đổi (giá vốn hàng bán).
Chi phí biến đổi sẽ thay đổi dựa trên số lượng sản phẩm được sản xuất hoặc phát sinh do việc tạo ra hoặc mua lại sản phẩm, bao gồm các chi phí như: Mua nguyên vật liệu, trang thiết bị máy móc để tạo ra sản phẩm, đóng gói bao bì, vận chuyển, nhân công, tiện ích và không gian sản xuất…
Đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử, chi phí biến đổi là số tiền phải chi trả để mua sản phẩm mà bạn đang bán bởi họ không tự sản xuất.
Chi phí cố định bao gồm: Chi phí văn phòng, tiền lương chi trả cho bộ phận nhân viên không trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất, chi phí tiếp thị, phúc lợi cho nhân viên, thuế, chi phí thuê ngoài…
5. Cách tăng lợi nhuận ròng cho doanh nghiệp
5.1 Giảm các chi phí không thiết yếu
Thường xuyên rà soát các chi phí chung là cách đơn giản để cải thiện lợi nhuận ròng của công ty.
5.2 Xem lại giá cả
Việc định giá sản phẩm sao cho cạnh tranh nhưng vẫn đảm bảo lợi ích ròng chấp nhận được là vô cùng quan trọng. Chỉ với một mức tăng giá nhỏ, bạn đã tạo ra nhiều tác động đến lợi nhuận ròng. Hãy liên tục thúc đẩy sự thu hút của sản phẩm để giữ chân và làm hài lòng khách hàng.
5.3 Bỏ các sản phẩm và dịch vụ không còn khả năng sinh lời
Việc phân tích dữ liệu sản phẩm giúp bạn xác định mặt hàng có khả năng tạo ra lợi nhuận cao nhất và những mặt hàng không sinh lời, từ đó đưa ra các chiến lược phù hợp kế tiếp.
Cách tăng lợi nhuận ròng hiệu quả các nhà quản trị cần biết
5.4 Kiểm soát hàng tồn kho
Quản lý tốt hàng tồn kho giúp ích cho việc tăng dòng tiền và cải thiện lợi nhuận ròng cho doanh nghiệp của bạn. Hãy theo dõi chặt chẽ hàng tồn kho và đặt hàng với số lượng phù hợp trong mỗi thời điểm sẽ giúp giảm thiểu chi phí.
5.5 Giảm tổng chi phí trực tiếp
Hãy thương lượng giá tốt hơn với nhà cung cấp và hủy bỏ các giao dịch mua không cần thiết.
6. Những tác động của lợi nhuận ròng đối với các chỉ số tài chính
6.1 Tác động đến Lợi nhuận giữ lại (RE) cuối kỳ
Lợi nhuận ròng là nhân tố trung tâm tác động mạnh mẽ đến các thông số khác trong báo cáo tài chính, được trình bày thông qua báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh đồng thời trong cả bảng cân đối kế toán và báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
Trong bảng cân đối kế toán, thu nhập ròng được thể hiện thông qua lợi nhuận giữ lại (RE), một tài khoản vốn chủ sở hữu. Công thức tính lợi nhuận giữ lại vào cuối kỳ như sau:
RE cuối kỳ = RE đầu kỳ + Lợi nhuận ròng – Cổ tức
Thu nhập ròng tác động đến các chỉ số tài chính khác
6.2 Khả năng sinh lời và lợi tức trên vốn chủ sở hữu
Tỷ suất lợi nhuận ròng là một thước đo hữu ích để đánh giá được mức độ lợi nhuận của công ty khi so sánh với các công ty cùng ngành nghề. Biên lợi nhuận ròng cũng được sử dụng trong phương pháp DuPont để phân tích tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE). Công thức DuPont chia ROE thành ba thành phần như sau:
ROE = Biên lợi nhuận ròng * Tổng doanh thu tài sản * Đòn bẩy tài chính.
6.3 Lãi ròng so với Dòng tiền
Lợi nhuận ròng là thước đo kế toán, không đại diện cho lợi nhuận kinh tế hoặc dòng tiền của một Doanh nghiệp. Vì lợi nhuận ròng bao gồm nhiều loại chi phí không phải tiền mặt (khấu hao, bồi thường dựa trên cổ phiếu…) nên nó không bằng số lượng dòng tiền mà công ty sản xuất trong kỳ.
Những thông tin TOPI chia sẻ về khái niệm, vai trò và cách tính lợi nhuận ròng hy vọng có thể giúp bạn nắm rõ và phân biệt với lợi nhuận gộp, lợi nhuận thuần. Đừng bỏ qua những kiến thức tài chính hữu ích được chúng tôi chia sẻ mỗi ngày nhé.