Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là một công cụ linh hoạt và mạnh mẽ, giúp Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ một cách hiệu quả, đảm bảo sự ổn định và phát triển lành mạnh của nền kinh tế. Đối với các ngân hàng thương mại, việc theo dõi và tuân thủ tỷ lệ dự trữ bắt buộc là bắt buộc, đồng thời cũng là một phần của quản lý rủi ro và chiến lược tài chính của mình
Định nghĩa dự trữ bắt buộc và tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Dự trữ bắt buộc là số tiền mà tổ chức tín dụng bắt buộc phải gửi tại ngân hàng Nhà nước để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Quy định này nhằm đảm bảo tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, góp phần kiểm soát lạm phát và thực hiện các mục tiêu chính sách tiền tệ của Nhà nước
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR - Reserve Requirement Ratio) là tỷ lệ phần trăm tối thiểu mà tổ chức tín dụng phải gửi tại Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ này do Ngân hàng Nhà nước quy định nhằm đảm bảo các ngân hàng luôn đủ khả năng thanh toán cho khách hàng, đồng thời kiểm soát lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế.
Tổ chức tín dụng phải tuân thủ tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Theo Luật các tổ chức tín dụng Việt Nam năm 2010, tổ chức tín dụng bao gồm: Ngân hàng (Ngân hàng chính sách, ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã), tổ chức tín dụng phi ngân hàng (Công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính…), tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.
Vai trò và tầm quan trọng của dự trữ bắt buộc
Dự trữ bắt buộc có vai trò quan trọng, đảm bảo hoạt động của các ngân hàng hoặc quỹ tín dụng diễn ra bình thường, ngăn chặn tình trạng thiếu hụt tiền mặt, góp phần kiểm soát lạm phát, tạo sự tin cậy trong ngành ngân hàng.
Khi tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, ngân hàng sẽ có ít tài nguyên hơn để cho vay dẫn đến hoạt động tín dụng bị hạn chế, giữ lượng tiền trong nền kinh tế ổn định.
Ngoài ra, tỷ lệ dự trữ bắt buộc còn có vai trò sau:
1. Đảm bảo thanh khoản của tổ chức tài chính
Dự trữ bắt buộc là một chính sách tiền tệ quan trọng nhằm đảm bảo thanh khoản của ngân hàng và kiểm soát rủi ro thiếu hụt tiền mặt trong các tài khoản ngân hàng.
Khoản tiền mà ngân hàng và tổ chức tín dụng dự trữ tại quỹ dự trữ thanh toán sẽ đảm bảo khả năng thanh toán dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, tránh tình trạng thiếu hụt tiền khi giao dịch.
2. Bảo vệ quyền lợi khách hàng
Quy định về dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng nhằm bảo vệ quyền lợi khách hàng, làm tăng sự tin tưởng của khách hàng đối với các tổ chức tín dụng hoặc ngân hàng. Khi khách hàng muốn rút hết tiền tiết kiệm hoặc vay lượng lớn tiền, ngân hàng sẽ luôn đảm bảo có đủ nguồn tiền mặt để đáp ứng. Bởi vậy, khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng sẽ luôn đảm bảo được nhận lại tiền cho dù ngân hàng xảy ra biến cố là vì vậy.
3. Duy trì hoạt động của ngân hàng
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đảm bảo cho ngân hàng hoạt động ổn định và có thể ứng phó với những tình huống bất ngờ. Đặc biệt, nếu khủng hoảng kinh tế xảy ra, khoản tiền dự trữ này sẽ giúp ngân hàng duy trì hoạt động và chi trả cho những khoản nợ nếu có.
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đảm bảo cho ngân hàng hoạt động bình thường
4. Là công cụ kiểm soát lạm phát nền kinh tế
Dự trữ bắt buộc là một công cụ quản lý rủi ro hiệu quả, giúp ngân hàng Trung ương có thể can thiệp vào thị trường tiền tệ một cách linh hoạt. Qua việc thiết lập tỷ lệ dự trữ bắt buộc, ngân hàng Trung ương có thể ảnh hưởng đến lượng tiền mặt mà các ngân hàng thương mại giữ lại, từ đó điều chỉnh lượng tiền cung ứng ra thị trường, giúp kiểm soát lạm phát và đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính.
Bên cạnh đó, dự trữ bắt buộc còn tạo điều kiện cho ngân hàng Trung ương thực hiện các chính sách tiền tệ khác như mua bán ngoại tệ, điều chỉnh lãi suất, và thực hiện các hoạt động thị trường mở. Qua đó, dự trữ bắt buộc không chỉ là biện pháp đảm bảo tính thanh khoản mà còn là công cụ quan trọng trong việc thực thi chính sách tiền tệ quốc gia.
Mối quan hệ giữa tỷ lệ dự trữ bắt buộc và cung/cầu tiền tệ
Trong hệ thống tài chính ngân hàng, tỷ lệ dự trữ bắt buộc là một công cụ chính sách tiền tệ quan trọng mà Ngân hàng Nhà nước sử dụng để điều tiết lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế.
Khi Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, các ngân hàng sẽ phải giữ lại một lượng tiền mặt lớn hơn trong tài khoản dự trữ, làm giảm khả năng cho vay và đầu tư của họ, từ đó giảm cung tiền trong nền kinh tế. Điều này có thể dẫn đến việc tăng lãi suất tiền gửi, khuyến khích người dân tiết kiệm hơn và giảm chi tiêu, qua đó giảm cầu tiền.
Ngược lại, khi Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, các ngân hàng có thể giải phóng một lượng tiền mặt lớn hơn để cho vay và đầu tư, làm tăng cung tiền trong nền kinh tế. Điều này thường dẫn đến việc giảm lãi suất tiền gửi, làm giảm động lực tiết kiệm của người dân và tăng chi tiêu, qua đó tăng cầu tiền.
Dự trữ bắt buộc là biện pháp quản lý tiền tệ
Như vậy, tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể được xem như một "van điều tiết" giúp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát lượng tiền lưu thông, ổn định nền kinh tế, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc điều chỉnh tỷ lệ này phản ánh mục tiêu và định hướng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước tại mỗi thời điểm cụ thể, phụ thuộc vào các yếu tố như tình hình lạm phát, tăng trưởng kinh tế, và sự ổn định của hệ thống ngân hàng.
Cách tính tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Công thức tính tỷ lệ dự trữ bắt buộc:
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc = Lượng tiền dự trữ bắt buộc / Tổng số tiền khách hàng gửi tiết kiệm
- Lượng tiền dự trữ bắt buộc là số tiền mà ngân hàng, tổ chức tín dụng đảm bảo có được.
- Tổng số tiền gửi tiết kiệm của khách hàng là tổng số tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn.
Như vậy, để tính lượng tiền dự trữ bắt buộc sẽ lấy tổng số tiền khách gửi tiết kiệm nhân với tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Ví dụ: Tổng số tiền gửi của ngân hàng A là 100 triệu đồng và ngân hàng giữ lại 10 triệu làm tiền dự trữ bắt buộc thì tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 10 triệu/100 triệu = 10%
Quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng Việt Nam
Theo Điều 1 Quyết định số 1158/QĐ-NHNN ban hành ngày 29/5/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:
Tổ chức tín dụng |
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc |
Quỹ tín dụng nhân dân Tổ chức tài chính vi mô |
0% (bao gồm cả tiền gửi bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ) |
Ngân hàng chính sách |
0% hoặc theo quy định của Chính phủ, tùy từng thời kỳ |
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Ngân hàng Hợp tác xã |
+ 3% đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng + 1% đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam kỳ hạn từ 12 tháng trở lên + 1% đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng ở nước ngoài + 7% đối với tiền gửi bằng ngoại tệ không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng + 5% đối với tiền gửi bằng ngoại tệ kỳ hạn từ 12 tháng trở lên |
Tổ chức tín dụng khác |
+ 3% trên tổng số dư tiền gửi bằng đồng Việt Nam không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng + 1% trên tổng số dư tiền gửi bằng đồng Việt Nam kỳ hạn từ 12 tháng trở lên + 1% trên tổng số dư tiền gửi bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng ở nước ngoài + 8% trên tổng số dư tiền gửi bằng ngoại tệ phải tính dự trữ bắt buộc khác không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng + 6% trên tổng số dư tiền gửi bằng ngoại tệ phải tính dự trữ bắt buộc khác kỳ hạn từ 12 tháng trở lên |
Các tổ chức tín dụng không cần dự trữ bắt buộc
Theo Điều 3 Thông tư 30/2019/TT-NHNN ngày 27/12/2019, các đơn vị không cần áp dụng dự trữ bắt buộc bao gồm:
- Tổ chức tín dụng chưa đi vào hoạt động sẽ không phải dự trữ bắt buộc. Trong vòng 3 ngày kể từ ngày khai trương hoạt động, tổ chức tín dụng phải thông báo bằng văn bản cho Ngân hàng Nhà nước và bắt đầu dự trữ bắt buộc.
- Tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt không thuộc đối tượng áp dụng dự trữ bắt buộc.
- Tổ chức tín dụng phá sản hoặc được chấp thuận giải thể, có quyết định thu hồi Giấy phép hoạt động sẽ ngừng dự trữ bắt buộc từ tháng tiếp theo.
Tổ chức chưa hoặc ngừng hoạt động sẽ không phải dự trữ bắt buộc
Những vấn đề liên quan đến dự trữ bắt buộc
Không chỉ ở Việt Nam mà các ngân hàng Trung ương ở các quốc gia khác cũng đều quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Số tiền ngân hàng dự trữ sẽ được gửi tại ngân hàng Trung ương hoặc tại két dự trữ của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng sẽ gửi ở ngân hàng Trung ương để được hưởng lãi suất.
Tại Việt Nam, tỷ lệ dự trữ bắt buộc được quy định cho 2 loại tiền gửi là:
- Tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 năm
- Tiền gửi kỳ hạn từ 1 năm đến 2 năm.
Dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi kỳ hạn dài sẽ thấp hơn so với kỳ hạn ngắn hoặc không kỳ hạn. Ngoài ra, tùy theo quy mô và tính chất hoạt động mà tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, tổ chức tài chính sẽ khác nhau. Hiện nay, ngân hàng Trung ương của Anh, Thụy Sĩ và một số quốc gia không còn áp dụng dự trữ bắt buộc nữa.
Ngân hàng Nhà nước sử dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc như một công cụ để kiểm soát cung tiền và ảnh hưởng đến cầu tiền. Việc điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể giúp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát lạm phát, ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trên đây, TOPI đã chia sẻ đến bạn những thông tin cơ bản về dự trữ bắt buộc và tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện nay tại Việt Nam, một biện pháp quan trọng trong việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia và duy trì sự ổn định trong hệ thống ngân hàng của quốc gia.