Bạn đang có nhu cầu đầu tư vào chứng quyền có đảm bảo nhưng loay hoay chưa biết cách mua chứng quyền ra sao, tính lãi/lỗ như thế nào, lúc nào nên lúc nào không nên đầu tư vào chứng quyền… Vậy thì bài viết này là dành cho người mới như bạn.
I. Cách đầu tư chứng quyền có đảm bảo
1. Cách mua chứng quyền có đảm bảo
Nhà đầu tư có thể mua chứng quyền có đảm bảo bằng hai cách dưới đây:
Cách 1, mua ở thị trường sơ cấp:
Ngay sau khi công ty chứng khoán phát hành CW và chào bán sản phẩm thì nhà đầu tư tới điền form đăng ký mua theo mẫu của công ty phát hành.
Cách đầu tư chứng quyền có đảm bảo hiệu quả, mang lại lợi nhuận tốt
Cách 2, mua ở thị trường thứ cấp:
Ngay khi chứng quyền được niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán, cụ thể là sàn HoSE thì nhà đầu tư có thể mua được chứng quyền từ những người đã sở hữu chứng quyền trước đó. Tiến hành giao dịch bằng tài khoản chứng khoán, thao tác đặt lệnh như mua bán cổ phiếu bình thường.
Lưu ý, nhà đầu tư chỉ có thể mua CW Mua chứ không thể mua CW Bán (theo quy định của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước).
Thời gian đáo hạn của CW là từ 03 tháng cho đến 24 tháng, thông thường là 07 - 09 tháng. Mỗi một công ty chứng khoán sẽ quy định về mức phí giao dịch chứng quyền riêng.
2. Cách tính giá chứng quyền có đảm bảo
Giá của chứng quyền có đảm bảo được tính bằng công thức:
Giá trị CW = Giá trị nội tại + Giá trị thời gian
Trong đó:
Giá trị nội tại được xác định bằng phần chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở. Những chứng quyền có lãi sẽ cho ra giá trị nội tại dương.
Giá trị thời gian là khoản chênh lệch giữa giá của CW với giá trị nội tại, thời gian nắm giữ chứng quyền càng dài, càng gần ngày đáo hạn thì giá trị thời gian sẽ càng lớn.
Muốn tính lợi nhuận của chứng quyền có đảm bảo ta làm như sau:
Với chứng quyền mua: Khi giá thực hiện thấp hơn giá chứng khoán cơ sở thì chứng quyền bạn đang sở hữu có lãi.
Lãi chứng quyền mua = (Giá thanh toán - Giá thực hiện)/Tỷ lệ chuyển đổi
Với chứng quyền bán: Khi giá thực hiện cao hơn giá chứng khoán cơ sở thì bạn sẽ có lãi.
Lãi chứng quyền bán = (Giá thực hiện - Giá thanh toán)/Tỷ lệ chuyển đổi
3. Thời gian đáo hạn chứng quyền có đảm bảo là bao lâu?
Kỳ hạn hay vòng đời của chứng quyền có đảm bảo tối thiểu là 03 tháng và tối đa là 24 tháng, loại thường thấy là từ 07 - 09 tháng (tính từ ngày phát hành). Thời hạn của CW là do công ty phát hành quy định, theo chiến lược phân bổ riêng của họ.
4. Các khoản phí giao dịch chứng quyền có đảm bảo
Mỗi công ty chứng khoán sẽ có quy định về mức phí giao dịch chứng quyền riêng. Nhìn chung, mức phí giao dịch CW được xác định bởi tổng giá trị giao dịch trong ngày (tổng giá trị giao dịch cổ phiếu, CCQ, chứng quyền) và theo biểu phí giao dịch hiện hành.
II. Kinh nghiệm đầu tư chứng quyền có đảm bảo thông minh
Những lưu ý giúp đầu tư chứng quyền có đảm bảo thông minh hơn
Hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng, chứng quyền có đảm bảo là sản phẩm nặng tính đầu cơ, nhà đầu tư tránh mua khi chứng quyền sắp đáo hạn. Một số chứng quyền sắp đáo hạn và đang ở trạng thái lỗ (OTM) thì giá các chứng quyền này có thể chạm ngưỡng 0. Vì vậy nên mua chứng quyền khi xác định được xu hướng tăng của thị trường và thời gian đáo hạn còn xa, nếu chứng quyền đang ở trạng thái lãi (ITM) càng tốt, nhưng thường chứng quyền sẽ có giá khá cao trong thời gian này.
Nhà đầu tư cần xác định rõ mục đích mình mua chứng quyền có đảm bảo để làm gì, phòng ngừa rủi ro chứng khoán hay là vì sinh lời để đưa ra các quyết định chọn mua cho đúng đắn.
Tính đòn bẩy của CW giúp người chơi thu về lợi nhuận lớn, nhưng nó cũng sẽ là con dao hai lưỡi, một khi đã thua lỗ thì sẽ thua lỗ nặng hơn rất nhiều những người không sử dụng đòn bẩy.
Nếu nhận thấy giá trị chứng khoán cơ sở đang suy thoái, nhà đầu tư phải bán chứng quyền để ít nhất bảo toàn và hoà vốn, cắt lỗ trước khi mức giá thấp hơn giá thực hiện. Hoặc nếu đến gần thời điểm đáo hạn nhưng giá chứng khoán cơ sở vẫn không tăng được như kỳ vọng hoặc vẫn ngang bằng với giá thực hiện thì nhà đầu tư cũng nên bán đi.
III. Những rủi ro khi đầu tư chứng quyền có đảm bảo
Rủi ro đến từ giao dịch của tổ chức phát hành: Các tổ chức phát hành luôn có khả năng mua lại chứng quyền trên thị trường và các chứng quyền này có thể nắm giữ hoặc bị hủy hoặc bán lại. Tổ chức phát hành có thể thực hiện các giao dịch để phòng ngừa rủi ro và giao dịch này có thể ảnh hưởng đến giá chứng quyền;
Rủi ro thanh toán: Trong quá trình phát hành chứng quyền, nhà đầu tư phải ghi nhớ rằng mặc dù những tiêu chuẩn khắt khe về khả năng thanh toán luôn được thực hiện nghiêm túc bởi tổ chức phát hành, nhưng không phải lúc nào tổ chức phát hành cũng có khả năng thanh toán và thực hiện quyền cho nhà đầu tư, điều này luôn là tương đối là tồn tại rủi ro;
Rủi ro chứng quyền bị hủy niêm yết trước ngày đáo hạn: chứng quyền sẽ bị hủy niêm yết trong trường hợp tổ chức phát hành tạm ngừng hoạt động hay bị đình chỉ, hoặc trường hợp hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản hoặc bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động;
Rủi ro nhà đầu tư gặp phải khi đầu tư chứng quyền có đảm bảo
Rủi ro giá: Giá chứng quyền phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giá chứng khoán cơ sở, mức độ biến động giá chứng khoán cơ sở, thời gian còn lại của chứng quyền, lãi suất, cổ tức của chứng khoán cơ sở. Quan trọng nhất chính là giá chứng khoán cơ sở. Một khi giá chứng khoán cơ sở thay đổi thì tổ chức phát hành có quyền điều chỉnh điều khoản và điều kiện của chứng quyền.
Rủi ro từ tính đòn bẩy: tỷ lệ thay đổi giá của chứng khoán cơ sở có thể nhỏ hơn tỷ lệ thay đổi giá của chứng quyền trên thị trường nên nhà đầu tư có thể lời nhiều hơn hoặc lỗ nhiều hơn so với việc đầu tư trực tiếp vào chứng khoán cơ sở.
Rủi ro thanh khoản: Thanh khoản của chứng quyền phụ thuộc vào cung cầu thị trường và hiệu quả hoạt động của tổ chức tạo lập thị trường. Tổ chức phát hành không cam kết thị trường giao dịch của chứng quyền sẽ sôi động dù cho tổ chức phát hành cam kết sẽ thực hiện việc tạo lập thị trường và cung cấp thanh khoản cho thị trường chứng quyền.
Rủi ro từ việc thực hiện sự tự chủ của tổ chức phát hành: Trong trường hợp tổ chức phát hành bị mua lại hoặc thay đổi cấu trúc doanh nghiệp liên quan tới quyền lợi của người sở hữu chứng quyền, tổ chức phát hành có quyền lựa chọn các hoạt động liên quan tới chứng quyền phù hợp với điều kiện lúc bấy giờ, và người sở hữu chứng quyền không có quyền buộc tổ chức phải thực hiện các hoạt động liên quan tới giao dịch hoặc thực hiện quyền của chứng quyền.
Rủi ro do mâu thuẫn quyền lợi: Việc tổ chức phát hành tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau có khả năng gây ra mâu thuẫn quyền lợi với người sở hữu chứng quyền. Tổ chức phát hành không bắt buộc phải công bố thông tin liên quan tới các hoạt động giao dịch, tư vấn, thực hiện quyền hay mâu thuẫn quyền lợi cho người nắm giữ. Việc phát hành và niêm yết các chứng quyền khác của tổ chức phát hành có khả năng ảnh hưởng đến giá chứng quyền.
Rủi ro bảo mật thông tin: Tổ chức phát hành không cam kết có thể cung cấp sự bảo mật hoàn toàn tuyệt đối với các thông tin của khách hàng, bởi dù sao hệ thống nào cũng có những lỗ hổng bảo mật, tuy nhiên chắc chắn tổ chức phát hành phải cố gắng hết mức có thể để đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư.
Tóm lại, đầu tư chứng quyền có đảm bảo khá phức tạp nên không phù hợp với các nhà đầu tư “non” và thiếu kinh nghiệm. Chỉ khi có kiến thức vững chãi và tích luỹ được một số kinh nghiệm nhất định trong lĩnh vực cổ phiếu, chứng khoán thì mới nên mua/bán chứng quyền. TOPI, chúc bạn đầu tư thành công!