Chào mọi người, mình là nam năm nay 33 tuổi. Mình đang tìm hiểu về tài chính cá nhân và thấy khá nhiều người có nhắc đến khái niệm “Pay yourself first” - trả trước cho bản thân nghĩa là tiết kiệm trước, chi tiêu sau.
Hiện tại, thu nhập một năm của mình khoảng 230 triệu, chi tiêu sinh hoạt hàng tháng là 10 triệu và có chi thêm 5 triệu đầu tư. Tài sản đầu tư của mình hiện tại chưa có nhiều chỉ khoảng 20 triệu tiền tiết kiệm.
Mình muốn nhờ các chuyên gia của TOPI giải đáp giúp là sau khi nhận lương mình nên trả cho bản thân trước bao nhiêu? Mình nên gom việc đầu tư tài chính chung với trả cho bản thân không? Xin cảm ơn.
Trả lời: Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi về cho TOPI Confession. Sau đây là một số lời khuyên từ chuyên gia của TOPI dành cho trường hợp của anh.
Nhận định chung: Dòng tiền của anh khá tốt, tỷ lệ tiết kiệm khá cao ở mức 48%. Phần chi phí tài chính cần được hiểu là dòng tiền phải chi trả lãi vay của khoản nợ đầu tư, hiện tại anh không có khoản nợ đầu tư nào nên anh có thể bỏ khoản này ra khỏi chi phí. Tài sản hiện tại có khoản tiền tiết kiệm 20 triệu, khoản này tương đương với 2 tháng chi phí sinh hoạt, anh cần thêm để làm quỹ dự phòng khẩn cấp.
Khuyến nghị từ chuyên gia:
1. Xây dựng quỹ dự phòng khẩn cấp: Quỹ khẩn cấp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng nền tảng tài chính vững vàng cho bản thân. Nó hỗ trợ anh giải quyết các khoản chi phí phát sinh ngoài dự kiến, đồng thời giúp anh tránh rơi vào tình trạng nợ nần do sử dụng thẻ tín dụng hay vay mượn với lãi suất cao. Việc sở hữu quỹ khẩn cấp mang lại sự an tâm, bởi anh luôn có sẵn nguồn tài chính để ứng phó với những tình huống bất ngờ xảy ra trong cuộc sống. Chuyên gia khuyến nghị anh nên có quỹ dự phòng 6 tháng chi phí sinh hoạt, tương ứng với khoảng từ 60 triệu đồng. Quỹ dự phòng nên được để tại các tài khoản có tính thanh khoản cao, để bạn có thể dễ dàng sử dụng trong các tình huống cần thiết. Hiện tại anh đã có khoản tiết kiệm 20 triệu đồng, anh cần bổ sung thêm 40 triệu đồng để thành quỹ dự phòng khẩn cấp.
2. Danh mục đầu tư khuyến nghị: với hồ sơ rủi ro tăng trưởng, anh có thể phân bổ dòng tiền tiết kiệm hàng năm theo tỷ lệ như sau:
- Tích lũy: 40%
- Chứng chỉ quỹ cổ phiếu: 45%
- Chứng chỉ quỹ trái phiếu: 10%
- Vàng: 5%
Với tỷ lệ đầu tư trên, anh có thể đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng hằng năm 11%. Nếu giữ nguyên tỷ lệ tiết kiệm và phân bổ tài sản như trên, anh có thể đạt được giá trị tài sản đầu tư 1.1 tỷ vào năm 40 tuổi. Sau đó, anh có thể tìm hiểu thêm kiến thức về các lớp tài sản và bổ sung lớp tài sản bảo vệ bằng cách mua nhà ở.
3. Với câu hỏi về việc phân bổ thu nhập hàng tháng, anh có thể tự xây dựng cho mình các quỹ bằng cách phân chia các tài khoản ngân hàng khác nhau. Trong đó, lương hàng tháng anh sẽ chuyển khoản tiết kiệm sang tài khoản đầu tư và phân bổ vào các tài sản đầu tư trước tiên. Phần còn lại sẽ được dùng để chi tiêu trong tháng. Tỷ lệ tiết kiệm hiện tại của anh so với độ tuổi là khá cao, anh nên cố gắng duy trì và nâng tỷ lệ tiết kiệm này lên qua hàng năm. Việc đầu tư tài chính của anh cần được tách riêng và quản lý bằng 2 khoản khác nhau như trên chứ không nên để gộp chung vào.
TOPI Confession - Tâm sự tài chính: Chương trình chuyên tư vấn và giải đáp cho khách hàng về các vấn đề liên quan đến đầu tư và tài chính cá nhân. Với các chuyên gia tài chính dày dặn kinh nghiệm, TOPI luôn sẵn sàng lắng nghe và tư vấn cho bạn những giải pháp phù hợp nhất với tình hình tài chính của bạn. Tham gia chương trình hoàn toàn miễn phí và TOPI cũng cam kết bảo mật toàn bộ các thông tin bạn cung cấp và chỉ để phục vụ cho nội dung tư vấn. Chia sẻ câu chuyện hoặc tình huống tài chính cá nhân mà bạn cần được tư vấn tại đây: https://forms.gle/W8PSgofu4daSzTYM6 Tổng hợp khuyến nghị của chuyên gia về các tình huống tài chính cá nhân: https://topi.vn/topi-academy |