Nhiều người trong chúng ta thích kinh doanh, thích đầu tư và hay được mời chào những cơ hội hấp dẫn. Hầu hết cơ hội lại là “bánh vẽ”. Và hầu hết các loại bánh vẽ chính là Ponzi.
Mô hình Ponzi là gì?
Ponzi (hay mô hình đa cấp kim tự tháp) là hình thức lừa đảo, mời gọi mua sản phẩm hoặc đầu tư, cam kết trả lãi cao, đồng thời đưa ra nhiều tấm gương đã nhận lợi tức cao trước đó. Thực tế không hề có hoạt động kinh doanh - đầu tư nào diễn ra, hoạt động chỉ dựa trên việc lấy tiền của người đến sau trả cho người đến trước.
Các thành phần của mô hình Ponzi
- Schemer: Đây là kẻ chủ mưu lập nên hệ thống, xây dựng hình ảnh cá nhân là những doanh nhân thành đạt, kỹ năng hùng biện và thuyết phục tốt, kêu gọi nhà đầu tư góp vốn.
- Investor: Đây là đội “gà” được chăn dắt bởi Schemer. Họ sẵn sàng bỏ tiền tỷ để tham gia vào hệ thống hy vọng hưởng lợi từ lãi suất cao ngất ngưởng trên số tiền thu của người đến sau mà không cần phải làm gì.
- Ponzi Introducing Investor: Những thành viên này không bỏ vốn vào mô hình mà kiếm tiền bằng cách giới thiệu nhiều người gia nhập.
Đặc điểm nhận diện của mô hình Ponzi
- Kêu gọi đầu tư làm giàu một cách nhanh chóng nhưng thiếu cơ sở
- Thông tin đưa ra mơ hồ và thường phóng đại
- Hứa hẹn lãi suất cao ngất ngưởng hoặc “không làm gì vẫn có tiền”
- Cam kết chắc chắn không rủi ro, đưa ra tỷ lệ hoàn vốn cố định.
- Khó rút vốn: Ban đầu có thể cho rút số vốn nhỏ để tạo niềm tin, nhưng sau đó rất khó rút khỏi mô hình này.
- Hoạt động chui, không khai báo với cơ quan có thẩm quyền
- Sản phẩm đầu tư hời hợt, hoa hồng giới thiệu nhiều lớp
Phương thức hoạt động
Schemer khởi xướng, quảng cáo về một cơ hội đầu tư nào đó “hứa hẹn” lãi suất hấp dẫn, nhà đầu tư muốn tham gia phải góp vốn trước và được “hứa hẹn” sẽ trả lại cả vốn và lãi trong thời gian cụ thể. Từ khóa ở đây là “hứa hẹn”.
Sau khi kêu gọi được nhiều nhà đầu tư, người khởi xướng sẽ trích tiền từ hai người đến sau để trả cho người đầu tiên. Người đầu tiên bị hấp dẫn bởi mức lợi nhuận cao ngất ngưởng nên tiếp tục đầu tư.
Bằng cách lấy tiền từ người mới, Schemer có đủ tài chính để trả cho người đến trước (ở tầng trên) và thuyết phục họ tái đầu tư, đồng thời kêu gọi thêm nhiều người khác tham gia.
Khi lợi nhuận được cam kết càng cao, nhà đầu tư có xu hướng để tiền của họ vào mô hình càng nhiều, họ sẽ lựa chọn tiếp tục để tiền ở đó để tích lũy tiền lãi. Lúc này schemer không thực sự trả tiền mà chỉ gửi báo cáo số tiền kiếm được cho nhà đầu tư.
Mặc dù mô hình chưa sụp đổ nhưng các nhà đầu tư sẽ không rút được số tiền này. Schemer sẽ giảm thiểu việc rút tiền bằng kế hoạch mới với nội dung là sẽ được hưởng lợi nhuận cao hơn nhưng không thể rút tiền trong một khoảng thời gian nhất định.
Trường hợp khác, nhà đầu tư rút được tiền khi làm theo các quy định và dễ ảo tưởng rằng nơi này có khả năng thanh toán và tài chính ổn định, từ đó yên tâm đổ tiền vào tiếp.
Khi hệ thống đã dần ổn định, người khởi xướng bắt buộc phải tìm thêm nhà đầu tư mới để duy trì khả năng trả lãi. Nếu hệ thống không duy trì được nữa, Schemer sẽ biến mất cùng số tiền thu được từ các nhà đầu tư.