Việc tiết kiệm tiền chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là khi bạn cần duy trì động lực tiết kiệm trong thời gian dài và biến tiết kiệm thành một thói quen. Theo chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân, bạn cần nắm rõ những khó khăn, thiếu sót của mình khi tiết kiệm, từ đó đề ra cách khắc phục.
Những khó khăn và sai lầm thường gặp khi tiết kiệm tiền
Khi mới bắt đầu tiết kiệm, bạn thấy vô cùng hứng khởi. Thế nhưng sự hào hứng lúc ban đầu nhanh chóng nhường chỗ cho những nhu cầu tiền bạc bất chợt, rồi dần dần kế hoạch tiết kiệm sụp đổ. Đây là điều rất thường gặp ở những bạn trẻ, đặc biệt là thế hệ GenZ vốn luôn muốn khám phá thế giới và có quá nhiều nhu cầu chi tiêu.
Những sai lầm khiến kế hoạch tiết kiệm sụp đổ
Những sai lầm cơ bản khiến kế hoạch tiết kiệm tiền có thể sụp đổ có thể tóm tắt lại như sau:
- Xác định sai thời điểm bắt đầu tiết kiệm: Nếu bạn cho rằng chỉ khi nào có nhiều tiền mới tiết kiệm thì đó là sai lầm cơ bản. Việc tiết kiệm nên được bắt đầu càng sớm càng tốt. Bắt đầu tiết kiệm sớm sẽ giúp bạn sớm tạo thành thói quen và nhanh chóng đạt được mục tiêu tài chính.
- Không có kế hoạch tiết kiệm dài hạn: Hiểu một cách đơn giản là bạn thiếu động lực, không biết mình cần đạt được bao nhiêu tiền vào thời điểm nào. ĐIều này khiến bạn như đi trong sương mù mà không có phương hướng cụ thể.
- Không thể duy trì thói quen tiết kiệm: Đây là thách thức của những bạn trẻ khi chưa đủ bản lĩnh kiểm soát chi tiêu, chưa thể đứng vững trước cám dỗ săn sale, mua hàng giảm giá hay lời mời gọi từ những voucher hấp dẫn.
Có 2 thái cực thể hiện sự thái quá khi tiết kiệm: Một nhóm tiết kiệm cực đoan và nhóm kia thiếu động lực tiết kiệm.
- Những người thiếu động lực tiết kiệm luôn tự nhủ mình phải tiết kiệm nhưng lại không thể chống cự lại những cám dỗ trong cuộc sống dẫn đến chi tiêu hết những gì mình kiếm được.
- Nhóm tiết kiệm cực đoan lại tằn tiện một cách thái quá làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Theo một nghiên cứu của Techcombank, có đến 70% người bắt đầu tiết kiệm nhưng lại không duy trì được lâu, nguyên nhân đến từ việc thiếu kiến thức quản lý tài chính, thiếu động lực và kỷ luật.
Cần biết cách duy trì động lực tiết kiệm để đạt được mục tiêu
Thực ra việc tiết kiệm không khó như bạn tưởng. Hãy nhìn nhận và phân tích xem bạn đã mắc sai lầm nào trong những điều kể trên và tham khảo cách khắc phục theo hướng dẫn từ chuyên gia tài chính.
Tiết kiệm bao nhiêu tiền mỗi tháng là phù hợp?
Rất dễ nhận thấy, nhiều người không biết số tiền mình tiết kiệm hàng tháng là nhiều hay ít, tiết kiệm bao nhiêu tiền lương mỗi tháng là đủ. Không có con số chung áp dụng cho tất cả mọi người. Để biết nên chi tiêu bao nhiêu, tiết kiệm bằng nào, cần phải căn cứ vào thu nhập, hoàn cảnh sống và mức chi tiêu cụ thể của từng người để tính toán.
Theo thống kê thu nhập và mức sống của tầng lớp trung lưu, có thể ước tính mức tiết kiệm như sau:
- Người có thu nhập dưới 20 triệu đồng/tháng nên tiết kiệm từ 10 - 15% thu nhập.
- Với những người có thu nhập từ 50 triệu trở lên, nên tiết kiệm ở mức 30% - 50% thu nhập.
- Người độc thân nên đẩy cao số tiền tiết kiệm hơn bởi khi bạn đã có gia đình, con cái, có người phụ thuộc thì mức chi tiêu sẽ tăng lên rất nhiều, do đó việc tiết kiệm trở nên khó khăn hơn.
6 Tips duy trì động lực tiết kiệm và biến nó thành thói quen
Nhận thức được tầm quan trọng của việc tiết kiệm là bạn đã đặt một chân lên con đường thành công, nhưng để đi hết con đường đó, bạn cần phải duy trì động lực và biến việc tiết kiệm thành thói quen, điều hiển nhiên.
Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân chia sẻ mẹo duy trì động lực tiết kiệm sau đây, bạn có thể tham khảo và áp dụng.
Mẹo duy trì động lực tiết kiệm được khuyên bởi chuyên gia
Nắm rõ tình hình thu chi của bản thân
Bạn cần phải thống kê rõ tổng thu nhập và tổng chi tiêu thiết yếu hàng tháng của bạn là bao nhiêu để làm cơ sở thiết lập hạn mức chi tiêu và tiết kiệm phù hợp vowism ình. Để duy trì tiết kiệm đều đặn cần có kế hoạch tài chính với dòng tiền như thế nào để đạt được mục tiêu tài chính.
Đặt ra mục tiêu tiết kiệm rõ ràng
Nếu không có mục tiêu cụ thể làm lý do, bạn sẽ khó có được động lực để duy trì thói quen và kế hoạch tiết kiệm đã đặt ra. Hãy đặt cho mình mục tiêu ngắn hạn và dài hạn như: Kế hoạch mua xe máy/ô tô, kế hoạch xây/sửa nhà cho bố mẹ, kế hoạch mua nhà mới, kế hoạch nghỉ hưu sớm từ năm bao nhiêu tuổi…
Áp dụng quy tắc 6 chiếc lọ với tỷ lệ phù hợp
Hãy biến việc tiết kiệm thành điều hiển nhiên bằng Quy tắc 6 chiếc lọ trong quản lý tài chính cá nhân, phân chia thu nhập của bạn thành 6 phần: Dành cho nhu cầu thiết yếu, quỹ tiết kiệm dự phòng rủi ro, đầu tư sinh lợi, phát triển bản thân, hưởng thụ cuộc sống và từ thiện. Tùy theo mục tiêu và kế hoạch bạn đặt ra để điều chỉnh tỷ lệ phân chia cho phù hợp.
Ghi chép chi tiêu hàng ngày và đánh giá lại định kỳ
“Trí nhớ có thể mơ hồ nhưng những cuốn sổ thì không” - việc ghi chép chi tiêu vào sổ sẽ giúp bạn dễ dàng theo dõi chi tiêu theo ngày, tuần, tháng. Nhiều người thường bỏ qua việc theo dõi chi tiêu nên dễ bị mất kiểm soát tài chính. Việc ghi chép và thống kê lại các khoản chi từ nhỏ đến lớn và định kỳ xem xét, đánh giá lại vào cuối ngày, cuối tuần, cuối tháng không chỉ giúp bạn nắm rõ tình hình tài chính mà còn biết được đâu là khoản chi chưa thực sự cần thiết, có thể tiết kiệm hoặc giảm được.
Bạn có thể lập một cuốn sổ tay Kakeibo hoặc sử dụng những ứng dụng quản lý tài chính trên smartphone để theo dõi chi tiêu dễ dàng. Định kỳ hàng tuần, tháng, hãy đánh giá lại chi tiêu và tìm cách hạn chế một số chi tiêu không cần thiết như điều chỉnh lại các gói truyền hình, gói cước điện thoại, hạn chế ăn nhà hàng…
Biến việc tiết kiệm tiền trở nên hấp dẫn
Khi một điều gì đó hấp dẫn, bạn sẽ thích thú thực hiện nó và hiệu quả đạt được sẽ có sự khác biệt rõ rệt. Một gợi ý từ chuyên gia là bạn hãy rủ người thân, bạn bè cùng tiết kiệm để tạo động lực cho nhau, thúc đẩy lẫn nhau. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai cũng có thể giúp bạn tạo động lực duy trì việc tiết kiệm, hãy hỏi xem đối phương có thực sự mong muốn tiết kiệm không trước khi lập đội.
Rủ người khác cùng tiết kiệm và đặt ra mục tiêu cần chinh phục
Trên các trang mạng xã hội có khá nhiều hội nhóm, cộng đồng tiết kiệm. Hãy tham gia để đặt ra thử thách phá vỡ giới hạn bản thân, tự đặt ra phần thưởng cho mình nếu đạt được mục tiêu và hình phạt khi không thể đạt được mục tiêu.
BIến việc tiết kiệm trở nên dễ dàng với tính năng chuyển tiền định kỳ tự động
Cài đặt chế độ tự động chuyển tiền từ tài khoản thanh toán vào tài khoản tiết kiệm sẽ giúp việc tiết kiệm trở nên đơn giản hơn.
Phương pháp này cực kỳ hiệu quả nếu như bạn là nhân viên văn phòng hay làm công việc có lương cố định hàng tháng. Hãy đăng ký dịch vụ chuyển tiền tự động vào một ngày cố định sau khi có lương. Theo đó, tiền lương của bạn tự động được tích lũy vào tài khoản tiết kiệm, bạn không cần phải lo lắng về việc sẽ quên hoặc chi tiêu “lẹm” vào số tiền này nữa.
Sử dụng tính năng chuyển tiền tự động để tiết kiệm dễ dàng hơn
Nhiều người có tâm lý đợi cuối tháng chi tiêu dư ra bao nhiêu mới gửi vào tài khoản tiết kiệm, nhưng đây là sai lầm cơ bản, bạn cần tiết kiệm trước khi chi tiêu chứ không phải tiết kiệm những gì còn lại - đây là khuyến cáo của rất nhiều chuyên gia quản lý tài chính cá nhân.
“Kiến tha lâu đầy tổ” - Hãy tiết kiệm từng chút
Đừng coi thường số tiền nhỏ, đừng ngại tiết kiệm những khoản nhỏ bởi mỗi ngày bạn tiết kiệm thêm một chút, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy số tiền mình thực sự tiết kiệm được lớn nhanh đến mức nào.
Thay vì gọi đồ ăn ngoài vào bữa trưa, bạn có thể mang đồ ăn đi làm. Hãy chuyển sang gói cước điện thoại phù hợp hoặc sử dụng gói trả trước để dễ dàng kiểm soát chi tiêu. Sử dụng các tính năng gọi điện miễn phí (qua Zalo, Messenger, Viber, Skype…) thay cho gọi điện theo cách thông thường, tận dụng thời điểm ngân hàng có mã giảm giá vào cuối tuần để đi mua sắm tại siêu thị…
Hiện nay, việc mở sổ tiết kiệm online vô cùng đơn giản. Bạn có thể mở sổ tiết kiệm online ngay trên điện thoại với số tiền từ 1 triệu trở lên và hưởng lãi suất tiết kiệm trực tuyến cao hơn tiết kiệm tại quầy.
Biến việc tiết kiệm trở thành thói quen
Không có gì hiệu quả hơn là việc biến việc tiết kiệm trở thành một thói quen để duy trì nó. Hãy coi việc tiết kiệm tiền là điều hiển nhiên, hấp dẫn, làm bạn thích thú và không ngừng thực hiện nó liên tục, liền mạch không ngừng nghỉ.
Mọi chặng đường dài đều bắt đầu từ bước đi nhỏ. Bằng cách duy trì động lực tiết kiệm tiền, bạn sẽ nhanh chóng đạt được mục tiêu tài chính trong thời gian sớm nhất.