Mã giao dịch được sử dụng rộng rãi trong ngành ngân hàng và các giao dịch online, mua bán trực tuyến. Nếu có bất cứ trục trặc nào liên quan đến giao dịch, khách hàng có thể gọi lên tổng đài, cung cấp mã giao dịch để được giải quyết.
Mã giao dịch là gì?
Mã giao dịch là một chuỗi ký tự duy nhất được sử dụng để xác nhận và theo dõi các giao dịch ngân hàng hoặc thanh toán trực tuyến. Mã giao dịch giúp người dùng và các tổ chức tài chính xác nhận giao dịch đã được thực hiện, đồng thời cung cấp một phương tiện để kiểm tra và đối chiếu thông tin giao dịch khi cần thiết.
Mỗi giao dịch thành công sẽ gắn với một mã giao dịch
Mỗi đơn vị sẽ có quy định về mã giao dịch khác nhau, thông thường, một mã giao dịch sẽ gồm cả chữ và số, và là duy nhất, bởi vậy, nó giúp ngăn chặn sự nhầm lẫn và gian lận. Trong trường hợp cần xác minh giao dịch hoặc giải quyết tranh chấp, mã giao dịch sẽ là chứng cứ không thể thiếu để đối chiếu và xác minh các giao dịch đã thực hiện.
Mã giao dịch ngân hàng là gì?
Mã giao dịch ngân hàng là một chuỗi ký tự (gồm chữ và số) duy nhất được ngân hàng cấp sau mỗi giao dịch thành công. Những giao dịch như chuyển tiền, nạp tiền, thanh toán hóa đơn, dịch vụ… sẽ có mã giao dịch riêng. Chỉ cần cung cấp mã giao dịch, nhân viên ngân hàng có thể kiểm tra được toàn bộ thông tin của giao dịch như: Thời gian giao dịch, số tiền giao dịch, tên và tài khoản của người thụ hưởng, nội dung ghi chú cho giao dịch…
Khi bạn chuyển tiền (bằng Internet Banking, Mobile Banking, thanh toán trực tuyến hoặc quẹt thẻ) nhưng đối phương chưa nhận được hoặc xảy ra sự cố khi thanh toán, hãy gọi điện lên tổng đài, cung cấp mã giao dịch để tra soát trên hệ thống và giải quyết rắc rối.
Ở Việt Nam, mã giao dịch của nhiều ngân hàng có dạng FTхххххххххххх với phần số phía sau gán tự động, một số ngân hàng như Vietcombank, TPBank, BIDV không bắt đầu với FT.
Mã giao dịch của Vietcombank và Techcombank
Vai trò quan trọng của mã giao dịch
Mã này đóng vai trò quan trọng, giúp nhận diện và theo dõi giao dịch, dùng để tra cứu thông tin giao dịch và làm bằng chứng khi cần tra soát, xử lý sự cố. Mỗi giao dịch có 1 mã riêng, không trùng lặp nhau, mỗi ngân hàng lại có cấu tạo mã giao dịch riêng.
Thông thường, nếu giao dịch thành công, ít ai để ý đến mã giao dịch. Mã này sẽ phát huy vai trò quan trọng khi giao dịch chuyển tiền hoặc thanh toán gặp sự cố, ví dụ như hệ thống báo chuyển tiền thành công, tiền được trừ khỏi tài khoản người gửi nhưng người nhận lại chưa nhận được. Lúc này, bạn sẽ gọi điện đến tổng đài để yêu cầu tra soát, tổng đài viên sẽ yêu cầu cung cấp mã giao dịch để truy vấn thông tin, và cho bạn biết khoản tiền đang được treo ở ngân hàng chuyển hay ngân hàng nhận hay đã bồi hoàn vào tài khoản người chuyển và cách xử lý.
Khi việc thanh toán bằng cách chuyển khoản hoặc quét QR dần trở nên phổ biến, nhiều trường hợp lừa đảo thanh toán bằng cách dùng các phần mềm chỉnh sửa ảnh ghép số tiền vào các giao dịch thành công trước đó và đưa cho chủ cửa hàng để chứng minh giao dịch đã thành công và rời đi. Thế nhưng chủ cửa hàng đợi mãi vẫn không thấy tiền về tài khoản, lúc tra cứu mã giao dịch thì mới biết đó là một giao dịch khác.
Có thể nói, mã giao dịch có vai trò rất trọng trong việc kiểm soát và đối chứng các giao dịch ngân hàng và giao dịch trực tuyến.
Bị lộ mã giao dịch có sao không?
Thực tế hiện nay, khi bạn chuyển tiền thanh toán, nhân viên cửa hàng sẽ chụp lại màn hình giao dịch thành công, trong đó có mã giao dịch hoặc khi chuyển tiền cho người khác, bạn sẽ chụp màn hình giao dịch thành công và gửi cho đối phương. Điều này khiến nhiều người băn khoăn không rõ để lộ mã giao dịch có nguy hiểm không.
Để lộ mã giao dịch chuyển tiền sẽ không khiến bạn gặp rắc rối hay nguy hiểm gì cả bởi mã số này chỉ có tác dụng giúp ngân hàng kiểm tra giao dịch mà thôi. Gửi ảnh chụp giao dịch cho người khác cũng là cách để cả 2 bên dễ theo dõi giao dịch và giải quyết nhanh chóng nếu giao dịch trục trặc.
Phân biệt mã giao dịch và xác thực giao dịch (OTP/SmartOTP)
Một số người nhầm lẫn giữa mã giao dịch và mã xác thực giao dịch (mã OTP) trong khi đây là 2 loại mã hoàn toàn khác nhau, một loại có thể công khai còn một loại cần bảo mật.
Bảng dưới đây sẽ giúp bạn dễ dàng phân biệt 2 loại mã này:
Tiêu chí phân biệt |
Mã giao dịch (mã FT) |
Mã xác thực giao dịch (mã OTP) |
Khái niệm |
Mã được sinh ra sau khi giao dịch trích tiền thành công từ tài khoản/thẻ của khách hàng và được lưu trữ trên hệ thống ngân hàng. Mã này là duy nhất và gắn với một giao dịch cụ thể, không thay đổi. |
Mã OTP (One-Time Password) là mật khẩu giao dịch sử dụng một lần. Khi bạn thực hiện giao dịch, ngân hàng gửi mã OTP qua ứng dụng/Email/SMS, bạn nhập mã này lên để xác thực thì giao dịch mới hoàn thành. |
Cách gọi khác |
Mã FT |
Mã OTP |
Phát sinh |
Sau khi giao dịch thành công |
Trước khi giao dịch thành công |
Được phép để lộ |
Được |
Không |
Thời gian tồn tại |
Lâu dài |
Từ 30 đến 60 giây. Sau khoảng thời gian này, mã hết tác dụng. |
Độ dài |
Rất dài, thường có dạng FTxxxxxxx, bao gồm cả chữ và số |
Thường chỉ gồm từ 6 đến 8 số ngẫu nhiên |
Vai trò |
“Gắn tên” và mang tính định danh cho giao dịch để lưu trữ trên hệ thống |
Là hàng rào bảo mật cuối cùng khi thực hiện giao dịch online |
Mã OTP giúp bảo mật giao dịch và không được để lộ
Hướng dẫn cách tra cứu mã giao dịch của các ngân hàng
Thông thường, khi giao dịch thành công, bạn sẽ thấy mã giao dịch ở ngay phần thông báo. Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng chụp lại màn hình, khi cần cung cấp mã giao dịch để đối chiếu, bạn có thể làm theo hướng dẫn sau:
Cách tra cứu mã giao dịch Vietcombank
Để lấy mã giao dịch của ngân hàng Ngoại thương Vietcombank, bạn có thể truy cập ứng dụng VCB Digibank, xem lại lịch sử giao dịch và chọn giao dịch mà bạn muốn kiểm tra là được.
Mã giao dịch tại đây là dạng rút gọn của mã cung cấp khi bạn chuyển khoản thành công nhưng không ảnh hưởng tới việc ngân hàng tra soát khi bạn yêu cầu.
3 bước lấy mã giao dịch Vietcombank
Cách kiểm tra mã giao dịch Techcombank
Đối với ứng dụng của ngân hàng Kỹ thương Techcombank, bạn chọn mục Tài khoản (ấn vào số dư trên tài khoản) sau đó kéo màn hình lên để xem lịch sử giao dịch. Hệ thống sẽ liệt kê ra toàn bộ những giao dịch theo ngày và số tiền, nội dung chuyển khoản. Bạn muốn lấy mã của giao dịch nào thì chọn giao dịch đó. Mã giao dịch của Techcombank bắt đầu bằng chữ FTxxx…
3 bước lấy mã giao dịch Techcombank
Cách lấy mã giao dịch ngân hàng BIDV
Để kiểm tra hoặc lấy lại mã giao dịch của ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam - BIDV, bạn truy cập ứng dụng BIDV Smart banking, sau đó chọn mục Danh sách rồi ấn vào mũi tên bên cạnh mục Số dư khả dụng, lúc này, toàn bộ giao dịch từ ngày gần nhất trở đi sẽ được liệt kê đầy đủ kèm theo mã giao dịch.
Bạn cũng có thể ấn vào từng giao dịch để xem đầy đủ thông tin về ngày giao dịch, mã giao dịch, nội dung chuyển khoản, số tiền và số dư sau khi hoàn thành giao dịch.
3 bước lấy mã giao dịch BIDV
Hướng dẫn tra cứu mã giao dịch Vietinbank
Để tra lại mã giao dịch của ngân hàng Công Thương Vietinbank, bạn đăng nhập vào ứng dụng Vietinbank iPay, chọn mục Tài khoản và xem Lịch sử tài khoản, sau đó chọn giao dịch bạn muốn kiểm tra để xem lại mã số giao dịch và mã số tham chiếu.
3 bước lấy mã giao dịch Vietinbank
Cách kiểm tra mã giao dịch Agribank
Để tra cứu mã số giao dịch của ngân hàng Nông nghiệp & phát triển nông thôn Agribank, bạn chọn mục Tài khoản sau đó chọn xem lại lịch sử giao dịch. Hệ thống sẽ liệt kê toàn bộ các giao dịch theo thời gian, bạn chỉ cần chọn giao dịch cần xem để lấy mã giao dịch và các thông tin liên quan.
Hướng dẫn tra cứu mã giao dịch Agribank
Trên đây, TOPI đã hướng dẫn bạn cách lấy lại mã giao dịch của 5 ngân hàng lớn nhất. Những ngân hàng khác cũng có cách tra cứu mã giao dịch tương tự, không có nhiều khác biệt. Hy vọng bài viết trên đã giúp các bạn hiểu rõ về vai trò của mã giao dịch cũng như biết cách lấy lại mã giao dịch khi cần thiết.