Khủng hoảng kinh tế là gì? Nó có đáng sợ như nhiều người vẫn hay nghĩ? Có giải pháp nào ngăn chặn được khủng hoảng kinh kế và liệu có cơ hội để đầu tư kiếm lời khi khủng hoảng kinh tế xảy ra không?
I. Khủng hoảng kinh tế là gì?
Theo học thuyết Kinh tế - Chính trị của Các Mác Lê-nin, khủng hoảng kinh tế (Economic crisis) là sự suy giảm đột ngột của nền kinh tế theo chiều hướng kéo dài và trầm trọng, có thể diễn ra trong một khu vực, một quốc gia nhất định hoặc thậm chí có thể lan rộng ra toàn thế giới.
Khủng hoảng kinh tế luôn là mối lo cùa tất cả mọi người
Khủng hoảng kinh tế là sự suy giảm các hoạt động kinh tế kéo dài theo hướng trầm trọng hơn. Nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng kinh tế là do khủng hoảng tài chính, bong bóng kinh tế, lạm phát, giảm phát, thắt chặt chi tiêu.
Những biểu hiện của khủng hoảng kinh tế đó là: hàng hóa bị ứ đọng, sản xuất bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp phá sản phải đóng cửa, tình trạng thất nghiệp gia tăng, tổng sản phẩm quốc nội GDP giảm, thanh khoản cạn kiệt, các tài sản bị mất giá trị, càng khiến thị trường náo loạn trong tình trạng bán tháo…
II. Nguyên nhân khủng hoảng kinh tế
Nguyên nhân gốc rễ của khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ chính mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản giữa chế độ sở hữu tư nhân tư bản và trình độ xã hội hóa cao của lực lượng sản xuất. Có thể giải thích qua 5 yếu tố dưới đây:
1. Khủng hoảng tài chính
Khi các tài sản có sự sụt giảm mạnh và nhanh chóng về mặt giá trị thì khủng hoảng tài chính xảy ra. Bong bóng kinh tế xuất hiện, thị trường chứng khoán sụp đổ, khủng hoảng tiền tệ kèm theo các vụ vỡ nợ lớn, khiến hệ thống ngân hàng lâm vào tình cảnh bị phá sản. Khủng hoảng tài chính không chỉ khiến tài sản kinh tế bị hao hụt và còn ảnh hưởng đến cả vị thế kinh tế của một quốc gia tuỳ thuộc vào mức độ khủng hoảng mà họ phải gánh chịu.
Chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tài chính 2008 bắt đầu từ việc bong bóng nhà đất tại Mỹ bị vỡ, sau đó lan rộng ra toàn thế giới. Hay cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997, bắt đầu tư Thái Lan sau đó cũng lan rộng ra các thị trường chứng khoán và trung tâm tiền tệ lớn của Châu Á.
5 nguyên nhân chính dẫn tới khủng hoảng kinh tế
2. Bong bóng kinh tế hay bong bóng tài chính, bong bóng đầu cơ
Đây là hiện tượng hàng hóa bị đẩy lên giá cao ngất ngưởng một cách vô lý nhưng không tồn tại trong bền vững mà chỉ vụt lên phút chốc lại xuống. Lúc này, thị trường không thể phản ánh sức mua, sức cung mà nó chỉ là kết quả của hiện tượng phản ứng cùng chiều khi các chủ thể trong nền kinh tế đồng phản ứng.
Một khi bong bóng vỡ thì thị trường sẽ sụp đổ. Do những bong bóng này chứa một số tiền đầu tư khổng lồ, dẫn đến khi nó vỡ, tất cả những lợi nhuận sẽ bị xoá sạch, các tài sản biến mất, thay thế vào đó là những khoản nợ xấu vô cùng lớn.
Chẳng hạn như cuộc khủng hoảng hoa Tulip vào năm 1637 tại Hà Lan đã khiến đất nước này biến từ một cường quốc hàng đầu thế giới xuống hàng thứ yếu, do toàn bộ nền kinh tế bị phá huỷ một cách trầm trọng.
3. Lạm phát
Hiện tượng giá hàng hóa và dịch vụ tăng liên tục, gây mất giá trị đồng tiền. Lạm phát xảy ra chậm, kéo dài qua nhiều năm, nó phản ánh sự suy giảm của tiêu dùng trên một đơn vị tiền tệ.
Lạm phát khiến cuộc sống của người dân đảo lộn, họ tiết kiệm nhiều hơn, chần chừ trong những quyết định đầu tư, chính vì vậy mà tăng trưởng kinh tế thấp, càng khiến tỷ lệ lạm phát đã cao còn cao hơn.
Nếu không có những biện pháp kiểm soát lạm phát thì diễn tiến tới khủng hoảng kinh tế cũng sẽ chẳng còn bao xa.
4. Giảm phát
Ngược với lạm phát là giảm phát, giá hàng hóa và dịch vụ liên tục giảm, đồng tiền tăng giá trị.
Giảm phát khiến các doanh nghiệp buộc phải thanh lý hàng tồn kho mà mọi người không còn muốn mua nữa. Để phòng ngừa rủi ro và tổn thất cho tài sản, người tiêu dùng và nhà đầu tư bắt đầu dự trữ tiền mặt nhiều hơn. Xu hướng tiết kiệm gia tăng thì lượng chi tiêu dùng càng ít khiến tổng cầu càng giảm và dẫn đến suy thoái kinh tế.
5. Thắt chặt chi tiêu
Người tiêu dùng thường có xu hướng cắt giảm chi tiêu trước biến động của các thị trường. Điều này vô tình làm ảnh hưởng tới nền kinh tế, khiến tốc độ tăng trưởng giảm, thị trường yếu đi thì GDP của quốc gia cũng thấp, do trung bình khoảng 60% GDP phụ thuộc vào lượng chi tiêu dùng.
Lãi suất cao cũng khiến các doanh nghiệp phải cắt giảm kế hoạch chi tiêu do chi phí tài chính khá cao, họ cũng e ngại không thể đầu tư vì những khoản vay tăng cao. Chính điều này làm GDP của quốc gia bị chững lại, góp phần đưa họ đến bờ vực của khủng hoảng kinh tế.
III. Bản chất của khủng hoảng kinh tế
Bản chất cơ bản của tình trạng khủng hoảng kinh tế chung
Bản chất của khủng hoảng kinh tế là sự mất định hướng và cân bằng trong kinh tế, là kết quả của suy thoái kinh tế.
Mầm mống của khủng hoảng kinh tế đã bắt đầu tư rất lâu, cho nên hậu quả mà khủng hoảng kinh tế đem lại là vô cùng nặng nề và khó có thể khắc phục được trong thời gian ngắn.
Các quốc gia càng phát triển thì càng dễ xảy ra khủng hoảng kinh tế và tổn thất càng nặng nề hơn so với những nước đang phát triển.
IV. Những tác động của khủng hoảng kinh tế
Theo Karl Marx, hậu quả của khủng hoảng kinh tế đó là: những xung đột giai cấp trong xã hội sẽ càng thêm căng thẳng, một quá trình tích tụ tư bản mới sẽ tái khởi động.
Tiêu thụ dưới mức (cầu > cung, quy mô sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng), bất ổn trong thị trường lao động, tiền lương tăng cao vì cần tăng năng suất, khiến tỷ suất lợi nhuận bị suy giảm. Thanh khoản cạn kiệt, các thị trường giảm sâu, hàng hóa ứ đọng, giá cả giảm sâu, sản xuất đình trệ, dẫn tới việc hàng loạt các công ty mất khả năng hoạt động phải đóng cửa vì phá sản.
Những tác động mạnh mẽ của khủng hoảng kinh tế
Tuy nhiên không chỉ có những tác động tiêu cực mà khủng hoảng kinh tế có cả tác động tích cực đến nền kinh tế. Cụ thể là:
1. Đẩy bất ổn xã hội lên cao:
Khi khủng hoảng kinh tế xảy ra nhiều công ty và doanh nghiệp không trụ được phải phá sản, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng, đời sống vật chất và tinh thần của họ sẽ không được đảm bảo, ngay cả những nhu cầu cơ bản như ăn uống, ngủ nghỉ… Họ buộc phải đi vay để duy trì cuộc sống, nợ được hình thành.
Và đến một mốc nào đó họ không thể trả nổi nữa, bùng nợ sẽ khiến bất mãn giai cấp tăng cao, giữa người cho vay và người đi vay. Tỷ lệ hộ nghèo gia tăng, trẻ em có nguy cơ không đủ điều kiện để được đi học, kéo theo bạo lực và tệ nạn xã hội gia tăng, có thể dẫn đến những lũng loạn nội chiến.
2. Gây ra khủng hoảng toàn cầu:
Sự hợp tác giữa nhiều quốc gia hình thành nên nhiều mối liên kết, vì vậy, một khi khủng hoảng kinh tế có diễn ra ở một khu vực nhất định thì các quốc gia còn lại không ít thì nhiều cũng bị ảnh hưởng. Những cường quốc có sức ảnh hưởng lớn như Mỹ, Châu u, Trung Quốc, Nhật Bản sẽ dễ “lây” sự suy thoái và khủng hoảng cho những đất nước khác, dẫn đến việc khủng hoảng lan ra toàn cầu.
3. Kinh tế trì trệ:
Do nhiều doanh nghiệp phá sản, không có kinh phí để hoạt động nên quá trình sản xuất bị đình trệ, hàng hoá cũng không thể tiêu thụ do người dân không đủ tiền để chi trả. Từ đó, không có lợi nhuận, các khoản vay đến hạn không thể thanh toán… tác động không tốt đến nền kinh tế, lạm phát tăng phi mã ở mức hai con số, tạo thành một vòng luẩn quẩn phải mất rất nhiều năm, thực hiện nhiều chính sách cải thiện thì mới có thể thoát ra được.
Tuy nhiên, đứng ở mặt tích cực, theo chu kỳ kinh tế, sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế sẽ là giai đoạn tăng trưởng kinh tế, tức là một nền kinh tế mới sẽ được tái thiết.
Và ngay cả khi nền kinh tế không tốt thì vẫn có nhiều cơ hội đầu tư cho bạn kiếm lời. Ví dụ, một số ngành sẽ không chịu ảnh hưởng của khủng hoảng như y tế, năng lượng, nguyên vật liệu xây dựng… bạn có thể kinh doanh hoặc lựa chọn mua cổ phiếu của các công ty có ngành đó, như vậy, dù khó khăn bất ổn thì bạn vẫn kiếm được một nguồn lợi nhuận ổn định.
V. Những giải pháp khắc phục khủng hoảng kinh tế
Giải pháp giúp khắc phục tình trạng khủng hoảng tối ưu nhất hiện nay
Để đưa ra được những giải pháp khắc phục khủng hoảng kinh tế thì ta phải biết được nguyên nhân là gì, hoặc tuỳ vào diễn biến khủng hoảng ra sao dần dần tìm cách thay đổi theo chiều hướng tốt.
Một số giải pháp có thể áp dụng đó là:
Về phía Chính phủ, cần phải có chính sách giám sát, quản lý các thị trường như thị trường chứng khoán, thị trường ngoại hối, bất động sản, vàng… những thị trường càng được nhiều người quan tâm thì càng phải theo dõi và quản lý chặt chẽ, không để hiện tượng thao túng thị trường khiến giá cả bất bình thường, kéo theo nhiều hệ luỵ khác.
Vì lạm phát là mối đe dọa đối với sự ổn định tài chính. Luôn duy trì lạm phát ở mức ổn định, lý tưởng nhất là từ 2% - 5%, nếu trong mức này, nền kinh tế sẽ có động lực và tăng trưởng tốt. Các ngân hàng trung ương nên hành động dứt khoát, nắm bắt nhịp đập của nền kinh tế và điều chỉnh chính sách một cách hợp lý.
Ở các nền kinh tế mới nổi sẽ phải đối mặt với những tác động tiêu cực tiềm ẩn từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ từ những nền kinh tế tiên tiến, chẳng hạn như chi phí đi vay cao hơn, rủi ro dòng vốn ra… Để giải quyết những thách thức này, các quốc gia nên chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản ứng phó với những công cụ chính sách, từ việc kéo dài thời gian đáo hạn nợ và sử dụng tỷ giá hối đoái linh hoạt đến các biện pháp can thiệp ngoại hối và quản lý dòng vốn.
Để giải quyết vấn đề nợ gia tăng do phải ưu tiên chi tiêu cho mạng lưới y tế, giáo dục, các công trình công cộng… cần đưa ra một lộ trình tài khoá trong trung hạn chi tiết, bao gồm những chính sách cần thiết để đảm bảo không ảnh hưởng đến tính bền vững của nợ công. Các nhà hoạch định chính sách nên tập trung vào việc nắm bắt các cơ hội chuyển đổi cơ cấu lớn đang diễn ra. Hai yếu tố quan trọng nhất hiện nay là quá trình chuyển đổi xanh và cuộc cách mạng kỹ thuật số.
Chính phủ cần đảm bảo việc cung ứng đủ hàng hoá cho người dân, bằng cách nâng cao tính đa dạng của các loại hàng hoá, gia tăng tính cạnh tranh cho hàng hoá trong nước cũng như tạo điều kiện thuận lợi để xuất nhập khẩu diễn ra sôi động.
Một bài học nữa đặt ra trong thời gian dịch bệnh COVID 19 hoành hành đó là, chúng ta cũng cần phải chú ý đến khí hậu, môi trường và khả năng sinh sôi của các đại dịch trong tương lai. Chúng cũng là một trong những mối đe doạ nguy hại với hành tinh chúng ta, đặc biệt tàn phá nền kinh tế rất khủng khiếp. Cần giảm thiểu việc tàn phá môi trường, ngăn chặn dịch bệnh, thích ứng khi cần thiết và xây dựng khả năng phục hồi trước những cú sốc có thể xảy đến.
Vấn đề mang tính chất cấp thiết cho toàn bộ thế giới đó là về cuộc cách mạng kỹ thuật số. Người lao động cần được đào tạo lại để nhanh nhạy với một nền kinh tế ngày càng kỹ thuật số, mở ra tiềm năng đổi mới trong việc đầu tư tiêu dùng, chẳng hạn như việc thanh toán không tiền mặt. Các ngân hàng cần có những chính sách quản lý về tiền kỹ thuật số cũng như tăng cường khung pháp lý xung quanh tài sản tiền điện tử. “Tương lai là kỹ thuật số” mang lại những nguồn năng suất, tăng trưởng và thêm nhiều nguồn việc làm mới, tiền mới!
Cuối cùng, cần phải có sự phối hợp ăn ý giữa nhận thức của người dân, các doanh nghiệp và cả Chính phủ về công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong sản xuất, kinh doanh, góp phần bình ổn thị trường và phát triển kinh tế vững mạnh.
VI. Nên đầu tư gì khi có khủng hoảng kinh tế?
Những kênh đầu tư an toàn khi khủng hoảng kinh tế sảy ra
1. Đầu tư vàng
Vàng được xem là kênh trú ẩn hàng đầu khi có khủng hoảng kinh tế xảy ra. Loại tài sản này có khả năng giữ giá cực cao ngay cả khi nền kinh tế xuống dốc. Xem thêm: Đầu tư vàng 2023
Kết thúc năm 2019, giá vàng ròng 9999 ở mức 42.5 triệu đồng/lượng, đến tháng 08/2020, giá vàng đã tăng lên 62 triệu đồng/lượng (tăng khoảng 20 triệu đồng/lượng chỉ sau 1 năm). Trọng đại dịch 2021, giá vàng thế giới tăng dữ dội, vàng tại Việt Nam cũng luôn ở mốc vượt 60 triệu đồng/lượng.
Đỉnh điểm đến tháng 3/2022, giá vàng trong nước còn chinh phục đỉnh 74 triệu đồng/lượng. Tới năm 2023, giá vàng vẫn đang ở mức khá cao, trên 66 triệu đồng/lượng, dự báo vàng thế giới sẽ còn tăng trong nửa cuối năm 2023 do tình hình bất ổn của các kinh tế lớn như Mỹ.
Như vậy, vàng rất giá trị, những biến động rất mạnh, các nhà đầu tư cũng nên cẩn trọng khi dồn hết tiền vào mua vàng.
Vàng là một trong những kênh đầu tư an toàn khi có khủng hoảng
2. Đầu tư vào thương mại điện tử
Sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiktok Shop, Shein, Amazon… đang dần chiếm lĩnh thị trường bán lẻ toàn cầu, đặc biệt bùng nổ sau đại dịch Covid, và hứa hẹn đem lại tiềm năng phát triển vô cùng lớn. Ước tính của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam thì tăng trưởng quy mô ngành thương mại điện tử tại nước ta đạt trên 20 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 20%/năm, giá trị xuất khẩu của những doanh nghiệp trong nước bán hàng trên Amazon đã tăng 45% trong năm 2022.
Bạn có thể mua bán cổ phiếu của những thương hiệu này, hoặc trực tiếp hợp tác bằng cách tham gia tiếp thị liên kết affiliate với các sàn thương mại điện tử hoặc bán hàng trực tiếp trên đó, kiếm tiền từ những sản phẩm của các sàn thương mại v.v…
3. Đầu tư vào các quỹ đầu tư
Quỹ đầu tư sẽ được quản lý chặt chẽ bởi các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tài chính. Bởi vậy, họ sẽ luôn tư duy làm sao để tiền của bạn ít rủi ro và sinh lời cao nhất có thể. Hình thức này khá an toàn nhưng chắc chắn bạn phải mất một khoản phí đáng kể. Nên chọn các công ty quản lý quỹ uy tín đã hoạt động lâu lắm, các tài liệu, chính sách về vốn lãi và các danh mục đầu tư phải đa dạng, bổ trợ cho nhau tránh khỏi rủi ro. Một số quỹ có thể tham khảo như Vinacapital, Dragon Capital, SSIF, VCBF…
4. Đầu tư vào bất động sản
Bên cạnh vàng thì bất động sản cũng được nhiều người ưu tiên lựa chọn để đầu tư trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Càng theo thời gian thì giá trị của bất động sản càng được đánh giá cao và khả năng sinh lời cũng tốt.
Khủng hoảng là thời điểm nhiều người bán tháo các tài sản của họ trong đó có bất động sản. Nếu bạn có đủ tiềm lực và tầm nhìn, bạn có thể mua được các bất động sản với giá hời, và sau khi giai đoạn khủng hoảng này kết thúc thì sẽ đến giai đoạn tăng trưởng kinh tế, lúc đó chính là thời điểm mà bất động sản của bạn đem lại một nguồn lợi nhuận khổng lồ về.
5. Đầu tư chứng khoán
Như đã nói ở phần tác động tích cực của khủng hoảng kinh tế, bạn vẫn có thể kiếm lời dù nền kinh tế có bất ổn. Việc bạn cần phải làm là theo dõi thị trường, nhanh nhạy trong việc phát hiện những cổ phiếu khỏe, quan trọng là phải vững tâm lý trước những biến động của thị trường, phán đoán tình huống dựa vào vốn kiến thức hiểu biết của mình.
Thị trường chứng khoán ngày càng có sức hút với các nhà đầu tư
Một số cổ phiếu mà bạn có thể đầu tư trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế đó là những cổ phiếu thuộc nhóm ngành hàng hoá thiết yếu, điện, nước, tài chính ngân hàng, vận tải, logistic…
Nhìn chung, khủng hoảng kinh tế là một phạm trù rất rộng, thể hiện sự suy giảm các hoạt động kinh tế, dẫn đến tình trạng rối loạn, mất cân bằng trong kinh tế xã hội như rối loạn trong sản xuất, lưu thông hàng hoá, các ngành và lĩnh vực đều không thể phát triển, thất nghiệp gia tăng, người dần không có nguồn thu, kéo theo cả những bất ổn về chính trị và giai cấp. Mong rằng, những thông tin mà TOPI mang đến sẽ hữu ích với bạn. Chúc bạn thành công!