Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn thì nền kinh tế Việt Nam năm 2023 đang có những khó khăn nào? Hướng đi nào cho các nhà đầu tư cá nhân vào các năm sau. Cùng tìm hiểu ngay với TOPI nhé.
1. Tình hình kinh tế Việt Nam 2023
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ vào tháng 8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá bối cảnh quốc tế và các khu vực lân cận còn nhiều phức tạp, kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm, lạm phát có chững lại thế nhưng vẫn đang ở mức khá cao, nhiều thị trường lớn của Việt Nam đều gặp trở ngại về phục hồi và tăng trưởng. Bên cạnh đó, các vấn đề về nguồn nguyên nhiên liệu, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực cũng đang ở mức cảnh báo.
Nền kinh tế Việt Nam ta chịu tác động kép từ các yếu tố bất lợi bên ngoài (đặc biệt là thị trường XNK, chuỗi cung ứng, đầu tư, tài chính tiền tệ…) và cả những hạn chế tồn tại kéo dài từ nhiều năm nay, khiến khó khăn chồng chất khó khăn. Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá bền kinh tế vĩ mô trong nước vẫn ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, đảm bảo cân đối cán cân thương mại, các khoản nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài được kiểm soát tốt.
Bảng tốc độ tăng GDP trong 9 tháng (svck) từ năm 2011 - 2023 (Nguồn: Vneconomy)
Theo đó, tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2023 của nước ta được duy trì khá tích cực, cụ thể là: Quý 1 tăng 3.28%, quý 2 tăng 4.05% và quý 3 năm 5.33%, bình quân 9 tháng năm 2023 đã tăng 4.24% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3.43%, đóng góp 9.16% tăng trưởng nền kinh tế, ngành công nghiệp và xây dựng đóng góp 22.27% và ngành dịch vụ tăng 6.32% đòng góp 68.58% tăng trưởng.
2. Những mặt thuận lợi của kinh tế Việt Nam trong năm 2023
Sản lượng lúa vụ đông xuân và một số cây ăn quả đạt năng suất tốt hơn svck năm trước, chăn nuôi phát triển, nuôi trồng thuỷ sản cũng đạt kết quả khả quan. Xuất khẩu mảng nông sản của Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế hơn so với khu vực, các mặt hàng chủ lực có thể kể đến là: rau quả, hạt điều, gạo.
Sản xuất công nghiệp khởi sắc hơn, chỉ số sản xuất của các ngành đều tăng trưởng khá tốt, chẳng hạn như chỉ số sản xuất ngành tủ, bàn, giường, ghế tăng 30.2%, ngành dệt tăng 18.5%, sản xuất trang phục, hoá chất đều tăng 13.9%…
Hoạt động thương mại và dịch vụ cũng khá sôi động, kéo theo tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9.7% svck năm ngoài, vận chuyển hành khách, hàng hoá và luân chuyển lần lượt tăng 14.6%, 13.1% và 30.4%.
Chính xác xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch đã phát huy hiệu quả, năm nay có rất nhiều nhóm nhạc thế giới tới Việt Nam biểu diễn khiến cho lượng khách hàng quốc tế đến Việt Nam tăng gấp 4.7 lần svck năm ngoài. Đây là mục tiêu lâu dài của Việt Nam trong những năm kế tiếp.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội cho xu hướng tăng cao, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ước tính, nguồn vốn đầu tư nước ngoài 9 tháng đầu năm 2023 đạt 20.21 tỷ USD, tăng 7.3% svck năm ngoái.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2023 thì cán cân thương mại hàng hoá tiếp tục xuất siêu và tăng hơn rất nhiều so với năm trước đó, ước tính đạt 21.68 tỷ USD, tăng 14.78 tỷ USD svck năm 2022. Các mặt hàng xuất siêu chủ yếu là điện tử, linh kiện điện tử, gỗ, sản phẩm gỗ, thuỷ sản, rau quả, dây điện - cáp điện.
Lạm phát vẫn được kiểm soát đúng theo mục tiêu Chính phủ đã đề ra, theo đó, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 9 tháng tăng 3.16%, vẫn thấp hơn so với mục tiêu 4.5% mà Chính phủ đã đặt ra cho năm 2023.
Lao động có việc làm ổn định, thu nhập bình quân tăng svck năm ngoái, ước tính trong quý 3 năm 2023 thì 51.3 triệu người có việc làm, tính chung cả 9 tháng đầu năm thì ước tính khoảng 51.2 triệu người có việc làm ổn định, tăng 776,000 người svck năm 2022.
Những tín hiệu tích cực về xuất nhập khẩu có thể là dấu hiệu nền kinh tế thế giới đang dần phục hồi, các doanh nghiệp Việt Nam muốn tạo đà cho xuất khẩu vào các năm tới thì nên bắt đầu xu hướng nhập khẩu nhiều hơn.
3. Những khó khăn mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt trong năm 2023
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước liên tiếp gặp khó khăn khiến đơn hàng sụt giảm. Trong đó, các vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá của Việt Nam có xu hướng ngày càng gia tăng. Tính đến đầu tháng 7/2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 231 vụ phòng vệ thương mại do các nước khởi kiện, trong đó chủ yếu là chống bán phá giá, chiếm đến 55.4% trong tổng số các vụ kiện.
Việc này khiến các doanh nghiệp trở nên bị động và gặp bất lợi khi tiếp cận các thị trường xuất khẩu. Cho nên, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động mua hàng giảm đáng kể, dẫn đến tình trạng nhiều người mất việc làm.
Ngân hàng thế giới ước tính, nền kinh tế Việt Nam bị thiệt hại khoảng 0.3% GDP (tương đương 1.4 tỷ USD) chỉ vì thiếu điện. Tình trạng thiếu điện diễn biến phức tạp từ cuối tháng 5 cho đến giữa tháng 6 năm nay do nắng nóng kéo dài. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng truyền tải và lưới điện vẫn còn rất nhiều hạn chế, việc triển khai khai thác các nguồn năng lượng mới, năng lượng tự nhiên vẫn chưa hoàn thiện khiến doanh nghiệp “chồng” thêm một khó khăn nữa, ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng của cả nước.
Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho tăng trưởng thấp, theo Tổng cục thống kê ước tính, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành chiếm 31.1% GDP thế nhưng, tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2023 chỉ đạt có 4.24%. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp còn thể hiện ở việc chưa đảm bảo trong việc thực hiện vốn đầu tư công, vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước và khu vực FDI, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách tháo gỡ kích cầu vốn đầu tư nhưng vẫn còn một khối lượng lớn kế hoạch vốn chưa được thực hiện, giải ngân vốn đầu tư có cải thiện nhưng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì chưa.
Hiệu quả sử dụng lao động cũng thấp, thể hiện qua chỉ tiêu năng suất lao động xã hội. Theo Tổng cục Thống kê thì 9 tháng năm 2023, năng suất lao động xã hội tính theo GDP là 138.96 triệu đồng/lao động, năng suất lao động trung bình là 4.5%. Kết quả này thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay (bình quân từ 2016 - 2022 thì năng suất lao động đạt 6.5%/năm), thấp hơn cả 2 năm đại dịch Covid-19 trước đó.
Việc không có đơn hàng mới, các thị trường tiêu thụ sản phẩm trở nên khó tính khiến nhiều doanh nghiệp bị cạn kiệt nguồn vốn, chưa kể đến việc trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, vay vốn ngân hàng đến hạn hoàn trả, việc hoàn thuế chậm chạp, gia tăng áp lực gấp nhiều lần cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, một số bất cập trong nội tại nền kinh tế như thể chế, chính sách, điều kiện kinh doanh, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, trong quy định phòng cháy chữa cháy, đăng kiểm chưa khắc phục triệt để, một bộ phận cán bộ thực thi công vụ sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm… tạo thêm mâu thuẫn cho doanh nghiệp, khiến họ đã khó khăn càng khốn cùng.
Một số khó khăn nữa đến từ việc thu ngân sách gặp khó khăn do tăng trưởng thấp và vô vàn các khó khăn khác trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khiến các nguồn thu ngân sách nhà nước bị sụt giảm, dẫn đến việc không thể cải thiện mức sống của người dân và xã hội.
4. Hướng đi nào cho các nhà đầu tư?
Thực tế thì việc đầu tư sẽ phụ thuộc vào tình hình tài chính của mỗi người, kiến thức, kinh nghiệm cũng như khẩu vị rủi ro của họ, chứ không thể áp dụng chung một công thức nào cả.
Một số gợi ý cho các nhà đầu tư vào cuối năm 2023 - năm 2024 như sau:
Chọn gửi tiết kiệm - vừa an toàn hiệu quả, vừa có lãi suất cao, dễ thực hiện đối với mọi nhà đầu tư, trong bối cảnh nền kinh tế toàn thế giới vẫn còn nhiều bất ổn.
Đầu tư vàng - thời điểm cuối tháng 11, đầu tháng 12/2023, giá vàng phá vỡ mọi mức đỉnh của thời đại, giá vàng hôm 02/12 đạt 2,077 USD/ounce, trong khi đó, giá vàng trong nước ở mức 72.7 - 74 triệu đồng/lượng SJC (mua-bán). Nhiều chuyên gia dự báo, giá vàng vẫn sẽ còn lên hơn nữa, do tình chính địa chính trị bất ổn, đồng USD sụt giảm.
Kênh đầu tư trái phiếu - vẫn là một kênh đầu tư dài hạn đáng cân nhắc. Chính phủ đã có nhiều biện pháp để siết chặt hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, để thị trường trái phiếu có thể an toàn và phát triển bên vững hơn.
Kênh đầu tư cổ phiếu - một số chuyên gia dự đoán cái khó của thị trường chứng khoán đã “bám lấy” năm 2023, năm 2024, thị trường chứng khoán có thể sẽ có nhiều cơ hội hơn.
Cái cần của các nhà đầu tư là chuẩn bị hành trình đầu tư trong năm 2024 thật kỹ, tích luỹ kiến thức thị trường, chọn thời điểm mua cổ phiếu, quan sát nhiều yếu tố như tính chu kỳ của thị trường, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất… nên mua cổ phiếu nào, phân bổ tài sản ra sao để cân đối tỷ trọng, chọn thời điểm bán tốt để chốt lời, cắt lỗ hiệu quả.
Trên đây, TOPI vừa cung cấp cho bạn một số thông tin liên quan đến tình hình chung của Việt Nam trong năm 2023 và một số khuyến nghị đầu tư trong nửa cuối năm 2023, năm 2024. Đối với mỗi nhà đầu tư, trong bất cứ hoàn cảnh nào, tại mỗi thời điểm, nhà đầu tư luôn nắm chắc nguyên tắc đa dạng danh mục đầu tư để phân tán rủi ro, và chỉ nên đầu tư theo đúng khả năng tài chính của mình.
Xem thêm: Những hậu quả nghiêm trọng nhất của các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu