GRDP là gì? Có phải cũng giống như GDP hay không? Ý nghĩa của GRDP đối với nền kinh tế và cơ quan quản lý Nhà nước như thế nào? Cách tính GRDP ra sao? Cùng TOPI tìm hiểu ngay dưới bài viết dưới đây nhé!
1. GRDP là gì?
GRDP là từ viết tắt của Gross Regional Domestic Product - Tổng sản phẩm trong địa phương (tỉnh, thành phố).
Theo Tổng cục Thống kê thì GRDP là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp, phản ánh toàn bộ kết quả hoạt động cuối cùng trong một khoảng thời gian nghiên cứu của những đơn vị có hoạt động kinh tế nằm trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh, thành phố.
Thông tin về GRDP và những điều mà nhà đầu tư cần quan tâm
Những hoạt động này phải là hoạt động sản xuất ra sản phẩm, dịch vụ mới, không tính các giá trị sản phẩm và dịch vụ đã sử dụng ở các khâu trung gian.
Các đơn vị, tổ chức được tính trong GRDP bao gồm: các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, cơ sở sản xuất kinh doanh, trang trại, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, đơn vị an ninh, quốc phòng…
2. Ý nghĩa và vai trò của chỉ số GRDP
Vai trò và ý nghĩa của GRDP
Chỉ số GRDP là một chỉ tiêu tổng hợp rất quan trọng phản ánh kết quả sản xuất cuối cùng của tỉnh, thành phố trong một năm, qua đó, đánh giá sự phát triển kinh tế của tỉnh theo từng thời kỳ, so sánh mức độ phát triển giữa các tỉnh thành với nhau để có những biện pháp thay đổi trong thúc đẩy sản xuất kinh doanh tại các địa bàn cụ thể.
Tại sao phải sử dụng GRDP thay vì GDP? Do khi tính toán tổng sản phẩm trên 63 tỉnh thành chênh lệch khá lớn so với GDP tính cho phạm vi toàn bộ nền kinh tế. Có sự chênh lệch này là do các nguyên nhân như sau:
+ Dữ liệu đầu vào để tính tổng sản phẩm trong tỉnh còn nhiều bất cập, vừa thiếu, vừa trùng lặp, chưa thống nhất về phương pháp tính, nội dung và phạm vi tính toán.
+ Mỗi một địa phương lại có một mục tiêu một con số cụ thể để phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội riêng, đa phần là cao hơn nhiều so với GDP toàn quốc. Địa phương nào cũng cố gắng để đạt được mục tiêu này, đây chính nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến chênh lệch GRDP và GDP.
+ Việc thu thập thông tin tại các địa phương cho đơn vị hạch toàn ngành gặp nhiều khó khăn với nhiều hệ thống chỉ số giá, hệ số chi phí trung gian chưa được hoàn thiện và đồng bộ, năng lực cán bộ địa phương còn chưa cao…
Chính vì vậy nên chỉ tiêu GRDP được ra đời để phù hợp với tình hình triển khai thống kê của các địa phương. Từ năm 2018 thì Tổng cục Thống kê đã tiến hành tính GRDP cho các tỉnh và thành phố.
3. Phân biệt GRDP với GDP
So sánh GDP và GRDP nhanh chóng
Điểm khác biệt cơ bản nhất giữa GRDP và GDP đó là:
- GRDP phản ánh tổng sản phẩm tính trên phạm vi một vùng, một tỉnh hay thành phố nào đó;
- Còn GDP phản ánh tổng sản phẩm trên phạm vi toàn lãnh thổ của một quốc gia.
Các chỉ tiêu để tính GDP và GRDP là hoàn toàn giống nhau, chỉ khác ở phạm vi tính toán.
Chỉ số GDP là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, sử dụng để xây dựng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội dùng phân tích kinh tế và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế và xã hội ở phạm vi quốc gia, không phù hợp cho phạm vi tỉnh.
Tại Việt Nam, cấp tỉnh cũng cần quản lý, chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội cho nên cần phải tính GRDP cho phạm vi toàn tỉnh, địa phương thì mới có cơ sở để phân tích và hoạch định chiến lược.
4. Công thức tính GRDP
Theo hướng dẫn của Tổng cục Thống kê thì có 3 phương pháp để tính GRDP.
https://imgur.com/a/FDbxP3C 4
Cách 1, áp dụng phương pháp sản xuất, ta có công thức tính GRDP như sau:
GRDP = GO - IC
Trong đó:
GO là tổng giá trị sản xuất
IC là tổng chi phí trung gian.
Theo góc độ sản xuất thì GRDP bằng giá trị sản xuất đã loại bỏ đi chi phí trung gian và thuế sản xuất và trợ cấp sản xuất (nếu có).
Cách 2, áp dụng phương pháp thu nhập, ta có công thức tính GRDP như sau:
GRDP = Tổng thu nhập của người lao động trong tỉnh từ các hoạt động kinh tế + Thuế SXKD + Khấu hao tài sản cố định trong SXKD + Lợi nhuận SXKD
Trong đó:
Tổng thu nhập của người lao động trong khu vực từ các hoạt động kinh tế hợp pháp là toàn bộ số tiền và giá trị hiện vật của người lao động thu được trong năm nghiên cứu, gồm: LƯƠNG (lương, thưởng, ăn ca, tiền đóng BHYT, BHXH, BHTN, công đoàn phí, tiền BHXH chi trả cho ốm đau, thai sản…) + THU NHẬP HỖN HỢP (tiền và giá trị hiện vật thu từ SXKD của các hộ dân, trang trại, doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh = Tổng doanh thu từ SXKD - Tổng chi phí cho SXKD).
Như vậy theo phương pháp này thì GRDP của tỉnh sẽ gồm 5 yếu tố cấu thành đó là thu nhập của người lao động, thu nhập hỗn hợp, khấu hao TSCĐ, thuế sản xuất và lợi nhuận hay giá trị thặng dư trong kỳ.
Công thức tính GRDP nhanh chóng và chính xác
Cách 3, áp dụng phương pháp sử dụng, ta có công thức tính GRDP như sau:
GRDP = Tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước + Tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình + Tích lũy tài sản + Chênh lệch XNK hàng hoá và dịch vụ
Dưới góc độ sử dụng, GRDP là tổng cầu của nền kinh tế trong tỉnh gồm tiêu dùng của hộ gia đình và cơ quan Nhà nước, tích lũy tài sản và chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ.
Tóm lại, qua bài viết ta thấy GRDP và GDP là chỉ tiêu hoàn toàn khác nhau, không thể đồng nhất hai chỉ tiêu này. Cần lưu ý sự khác biệt để có thể lựa chọn sử dụng cho đúng với ý nghĩa, nội dung, bản chất kinh tế, phục vụ nghiên cứu và quản lý kinh tế xã hội.