GIÁ DẦU VÀ TÁC ĐỘNG ĐẾN NỀN KINH TẾ
I. DẦU - NGUỒN NĂNG LƯỢNG QUAN TRỌNG
1. Dầu là gì?
Trong lịch sử kinh tế dầu đóng vai trò là nguồn nhiên liệu vô cùng quan trọng với mức tăng trưởng trong khai thác và tiêu thụ trên thế giới ngày càng tăng. Cụ thể, tính đến năm 2019, dầu luôn cung cấp khoảng trên 30% tổng năng lượng trên thế giới.
Biểu đồ: Tỉ trọng nguồn cung năng lượng thế giới
2. Các loại dầu trong tự nhiên
Dầu được chia làm 2 loại chính:
- Dầu mỏ - Dầu thô (Oil/Crude oil): Là một chất lỏng sánh đặc có màu nâu hoặc ngả lục, được tìm thấy trong các thành tạo địa chất vỏ Trái Đất. Đây là một loại nhiên liệu hóa thạch được hình thành từ các sinh vật chết bị chôn vùi dưới sức nóng và áp suất cao.
- Dầu đá phiến (Shale oil): Là loại dầu tự nhiên được chiết xuất bằng 2 phương pháp: ép từ mỏ đá phiến sét dưới lòng đất bằng phương pháp bẻ gãy thủy lực, và ép từ đá phiến dầu bằng phương pháp nhiệt phân.
3. Phân loại dầu thô
Dù được định nghĩa là dầu, song không phải loại dầu thô nào cũng mang đặc tính giống nhau. Dầu thô được phân loại dựa trên 3 tiêu chí chính:
a. Tiêu chí 1: Trọng lượng
- Đơn vị đo lường tiêu chuẩn cho trọng lượng của dầu là API Gravity (theo Viện Dầu mỏ Hoa Kỳ).
- Dầu nặng có trọng lượng là 59 API Gravity, bay hơi chậm và chứa vật liệu sẽ được sử dụng làm nguyên liệu cho các sản phẩm nặng như nhựa đường.
- Dầu nhẹ có trọng lượng nhẹ hơn, khoảng 39.7 API Gravity và cần ít quá trình xử lý hơn nhưng tạo ra tỷ lệ xăng và dầu diesel lớn hơn dầu nặng.
b. Tiêu chí 2: Độ ngọt
Độ ngọt của dầu được đo lường bằng hàm lượng lưu huỳnh (sulfur). Cụ thể, trong khi dầu thô ngọt (Sweet Crude Oil) có hàm lượng lưu huỳnh rất thấp, dưới 1%, dầu thô chua chưa khoảng 1%-2% hàm lượng này. Do đó, các công ty và nhà máy lọc dầu trung lưu vận cần phải chú ý khả năng xử lý để loại bỏ lưu huỳnh và làm ngọt sản phẩm khi vận chuyển, lưu trữ, và chế biến dầu chua.
c. Tiêu chí 3: Độ ăn mòn
Độ ăn mòn hay nồng độ TAN (Acid ăn mòn) thể hiện tổng số axit trong dầu. Nếu dầu thô có số TAN cao, các nhà sản xuất phải sử dụng luyện kim mạnh hơn tiêu chuẩn nhằm xử lý độ ăn mòn đó và giữ dầu thô trong đường ống.
Dựa vào 3 tiêu chí trên, loại dầu tốt nhất là dầu thô ngọt nhẹ
- Dầu West Texas Intermediate (WTI): Còn được gọi là Texas light sweet (Texas ngọt nhẹ) hay dầu thô Mỹ, là loại dầu được khai thác tại Mỹ và gửi đến Oklahoma thông qua đường ống. WTI có chi phí vận chuyển vô cùng cao trên thị trường.
- Dầu Brent (Brent): Là loại dầu thô được khai thác từ khu vực mỏ nằm ở bờ biển Bắc. Brent có tính chất nhẹ và ngọt, dễ vận chuyển nên luôn là loại dầu thích hợp dùng để sản xuất ra loại dầu Diesel, xăng hay dầu nhiên liệu chưng cất.
Bảng: Tính chất của 2 loại dầu ngọt nhẹ
Ngoài WTI và Brent, trên thị trường dầu còn giao thương một số loại dầu thô ngọt nhẹ khác như Dubai Crude (Saudi Arabic), OPEC Reference Basket (nặng hơn WTI và Brent cộng lại), Bonny Light (Nigeria), Urals (Nga),... Giá dầu Brent và WTI được sử dụng làm chuẩn mực định giá cho hàng hóa dầu thô. Trong đó, hợp đồng tương lai dầu Brent được giao dịch trên sàn giao dịch liên lục địa địa (ICE). Hợp đồng tương lai dầu WTI được giao dịch trên sàn NYMEX.
Biểu đồ: Biến động giá dầu thô ngọt nhẹ
II. VAI TRÒ CỦA DẦU TRÊN THẾ GIỚI
1. Tầm quan trọng của dầu với nền kinh tế thế giới
Biểu đồ: Sản lượng dầu theo khu vực giai đoạn 1971 - 2020.
Dầu thô là một trong những nguồn nhiên liệu quan trọng nhất và đã đóng góp hơn một phần ba mức tiêu thụ năng lượng của thế giới trong suốt chiều dài lịch sử. Ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu là một ngành công nghiệp trị giá hàng nghìn tỷ đô la. Dầu đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu, chẳng hạn như hãng hàng không, công ty sản xuất nhựa hay nông sản. Với tầm quan trọng như vậy, dầu thô đã trở thành mặt hàng xuất nhập khẩu chính của nhiều nước như Nga, Mỹ, v.v. Tầm quan trọng của hàng hóa này tạo ra một thị trường giao dịch tài chính rộng lớn cho dầu và chứng khoán phái sinh như hợp đồng tương lai, kỳ hạn và quyền chọn.
2. Nguồn cung và cầu dầu thế giới
Biểu đồ: Nguồn cung và cầu dầu theo khu vực giai đoạn 1995 - 2020.
Hiện nay dầu được sản xuất ở nhiều nơi trên thế giới như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Quốc tế (OECD) gồm Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, v.v, và các khu vực nằm ngoài OECD ở Trung Đông, Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ. Sản lượng và tiêu thụ dầu thô theo khu vực tăng qua các năm, tuy nhiên theo Cơ quản quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA), nguồn cung dầu đã được dự báo là không đủ để đáp ứng nhu cầu về dầu trong quý I năm 2022.
Ngoài ra, với vai trò là tổ chức liên chính phủ thường trực 14 quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và nắm giữ khoảng ¾ trữ lượng dầu thế giới, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đưa ra dự báo về nhu cầu dầu năm 2022. Cụ thể, theo báo cáo thị trường dầu tháng 2/2022, OPEC đã nâng mức dự báo cho nhu cầu về dầu thêm 4,2 triệu thùng/ngày. Về nguồn cung, các nước ngoài OPEC sẽ phải nâng sản lượng thêm 3 triệu, trong khi OPEC chỉ nâng sản lượng của mình ở mức 0,1 triệu thùng/ngày. Điều này thể hiện sự kiên định của OPEC với chính sách giữ nguyên sản lượng. Vì vậy sự gia tăng nguồn cung dầu sẽ phụ thuộc phần lớn vào các quốc gia ngoài OPEC, đặc biệt là Nga và Mỹ - 2 quốc gia có sản lượng sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới. Theo đó, trong khi Mỹ được dự đoán sẽ phải cung cấp thêm 0.85 triệu thùng/ngày, Nga có khả năng sẽ cần bổ sung thêm 0.78 triệu thùng/ngày nhằm đảm bảo nguồn cung thế giới.
Biểu đồ và bảng dưới đây thể hiện dự đoán của OPEC về nguồn cung và cầu dầu thế giới năm 2022:
Do đó, trước tình hình chính trị căng thẳng gia tăng, việc Nga quyết định khóa van dẫn khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) có thể khiến chuỗi cung khí đốt toàn cầu bị thâm hụt, và giá dầu tiếp tục lên cao.
a. Giá dầu với vĩ mô
Biểu đồ trên thể hiện mối quan hệ giữa sự gia tăng giá dầu và các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế. Một cú sốc cầu dầu đồng nghĩa với sự gia tăng cường độ sản xuất do nếu một sản lượng hàng hóa nhất định cần nhiều năng lượng hơn sẽ làm tăng nhu cầu về dầu và khiến giá dầu tăng cao.
Trong khi đó, các cú sốc về nguồn cung dầu có tác động dai dẳng hơn đối với sự tăng trưởng theo xu hướng, và khiến tốc độ tăng trưởng sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, các cú sốc cung dầu cũng dẫn đến phản ứng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên việc lãi suất thực vẫn âm cho thấy phản ứng này chỉ mang tính mô phỏng, không có gì đáng ngạc nhiên khi tác động đầu ra tương đối lớn hơn. Ngược lại, chính sách tiền tệ sẽ làm tăng lãi suất thực để phản ứng với cú sốc cầu dầu có lợi vì sự gia tăng gia dầu được gây nên bởi sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.
b. Giá dầu và lạm phát
Biểu đồ: Giá dầu và CPI trong lịch sử
Nghiên cứu bởi Kliesen (2008) chỉ ra rằng độ co dãn theo giá của dầu đối với dầu là thấp trong ngắn hạn bởi các công ty và người tiêu dùng không thể thay đổi mô hình sản xuất hay tiêu dùng của họ ngay lập tức. Vì vậy, ảnh hưởng của giá dầu tăng đối với GDP có thể là không đáng kể, ít nhất là ở thời gian đầu. Trong trường hợp đó, cú sốc cầu bất lợi đối với các loại hàng hóa sử dụng nhiều năng lượng có thể gây ra việc phân bổ lại nguồn lao động một cách đáng kể. Điều này, nếu tốn kém, có thể tác động lớn đến nền kinh tế nói chung ngay cả khi tỷ trọng dầu mỏ trong AGD thấp.
III. VAI TRÒ CỦA DẦU TẠI VIỆT NAM
1. Chuỗi giá trị ngành dầu khí
Biểu đồ: Chuỗi giá trị ngành Dầu khí Việt Nam
Chuỗi giá trị ngành Dầu khí Việt Nam được chia làm 2 phân khúc:
- Thượng nguồn: Bao gồm các doanh nghiệp tham gia khâu thăm dò, khai thác, vận chuyển và chế biến dầu thô, khí thiên nhiên - các nguyên liệu chính để tạo ra các loại xăng, dầu thành phẩm, khí khô và các chế phẩm từ dầu mỏ.
Doanh nghiệp thượng nguồn: PVEP, PVS, GAS, BSR,...
- Hạ nguồn: Bao gồm các doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm lọc dầu như các nhà máy điện khí, đạm khí hay các doanh nghiệp phân phối và bán lẻ các sản phẩm xăng, dầu. Phân khúc hạ nguồn của ngành dầu khí bao gồm cả các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nhựa với đầu vào là các loại nguyên liệu nhựa nguyên sinh
Doanh nghiệp hạ nguồn: PLX, PLC, DCM, DPM, POW,...
2. Cung & cầu dầu tại Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam có 2 nhà máy lọc dầu là Nhà máy Dung Quốc với công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn với công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm. Với 2 nhà máy lọc dầu nêu trên, Việt Nam là quốc gia vừa xuất khẩu và nhập khẩu dầu thô.
Tuy nhiên trong các năm trở lại đây, Việt Nam dần trở thành một nước nhập siêu các mặt hàng xăng dầu, sản lượng dầu thô khai thác nội địa đang có xu hướng giảm do các dự án tìm kiếm thăm dò khai thác và phát triển mỏ không còn sôi động. Các mỏ gần bờ có trữ lượng lớn như Bạch Hổ, Lô 6.1 (Lan Tây, Lan Đỏ),... đang đến cuối vòng đời khai thác. Vì vậy, nguồn dầu thô nhập khẩu có xu hướng tăng để đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước.
- Xuất khẩu: các mỏ của Việt Nam cung cấp dầu thô ngọt nhẹ, cùng một số loại xăng dầu thành phẩm khác.
- Nhập khẩu: Việt Nam không mua dầu thô để bán lẻ mà sẽ nhập loại hàng này phục vụ cho nhà máy hóa dầu. Cụ thể, nhà máy hóa dầu Bình Sơn nhập 53% dầu thô ngọt nhẹ từ nước ngoài (40% dầu Azeri Light, 12% WTI, và 1% dầu Champion); Hóa dầu Nghi Sơn nhập 100% dầu thô nặng Kuwait. Ngoài ra, nước ta còn nhập khí hóa lỏng LPG cùng bốn loại xăng dầu thành phẩm là xăng, dầu Diesel, dầu Mazut, và nhiên liệu bay.
Biểu đồ: Xuất/Nhập khẩu dầu thô và xăng dầu thành phẩm
Dựa trên dữ liệu của Tổng cục Hải Quan, cơ cấu xuất/nhập khẩu xăng dầu xuất nhập khẩu của Việt Nam vào tháng 2/2022 có sự thay đổi, giảm sản lượng mua. Ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine, giá dầu thô, xăng thành phẩm tăng quá cao đè nặng lên các chi phí liên quan các ngành vận tải, thủy sản, sản xuất trong nước, đồng thời đẩy giá thành hàng tiêu dùng trong khâu lưu động. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam buộc phải tăng cường tự cung nếu muốn hạn chế việc nhập khẩu lạm phát, khi mà tốc độ tăng CPI đang diễn ra quá nhanh ở nhiều nước do giá dầu leo cao. Để đối phó với căng thẳng giá dầu, Hóa dầu Bình Sơn thực tế đã nâng công suất lên 105% đầu năm 2022, còn hóa dầu Nghi Sơn lên kế hoạch hoạt động trở lại 100% từ giữa tháng 3 đến tháng 5/2022 nhằm tăng nguồn cung trong nước.
3. Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Theo thông tư 103/2021/TT-BTC, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể là 300 đồng/lít đối với các loại xăng, các loại dầu diesel, dầu hỏa và 300 đồng/kg đối với các loại dầu mazut ở nhiệt độ thực tế tiêu thụ tại thị trường nội địa và được xác định là một yếu tố hình thành giá cơ sở và giá bán của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Đến hết ngày 31-12-2021, số dư của quỹ này chỉ còn 898,582 tỷ đồng. Quỹ bình ổn giá xăng dầu sụt giảm nhanh là do trong năm 2021 và đầu năm 2022, liên tục phải chi sử dụng từ Quỹ bình ổn giá ở mức cao để kìm giá xăng dầu bán lẻ ở thị trường trong nước.
Cơ chế hoạt động của quỹ:
-
Điều chỉnh giảm mức trích lập hoặc tạm dừng trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu dưới mức quy định khi:
- Các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng, dầu kỳ công bố tăng trên 5% so với giá cơ sở xăng dầu công bố kỳ trước
- Việc tăng giá xăng, dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân
- Điều chỉnh tăng mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu cao hơn mức quy định khi:
- Các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu kỳ công bố giảm trên 5% so với giá cơ sở xăng dầu công bố kỳ trước
- Căn cứ trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tình hình thực tế tại thời điểm công bố giá cơ sở xăng dầu.
4. Tác động đối với kinh tế Việt Nam
Biểu đồ: Diễn biến tăng giảm CPI (chỉ số giá tiêu dùng)
Kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập nhập khẩu khi nguồn này chiếm tới 37% tổng chi phí nguyên vật liệu của cả nền kinh tế. Vì thế, việc giá dầu thế giới vẫn trên đà tăng không ngừng trong thời gian gần đây sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nội địa.
Số liệu của cơ quan thống kê cho thấy, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,4% đến 4% tổng chi phí sản xuất của nền kinh tế Việt. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất. Cụ thể, với các ngành kinh tế sử dụng nhiều xăng dầu như vận tải, hàng không, đánh bắt thủy sản, v.v., giá xăng dầu tăng cao sẽ có ảnh hướng rất mạnh. Riêng lĩnh vực vận tải, chi phí xăng dầu là 35-40%.
Do đó, giá xăng dầu tăng khiến CPI giao thông tăng mạnh, và khiến CPI Việt Nam có mô hình tăng dần.
Theo Báo cáo kinh tế - xã hội tháng 2/2022, giá xăng dầu đã tăng khoảng 5,8% so với tháng 1, đóng góp 0.21% của sự gia tăng đối với chỉ số CPI. Ngoài ra, so với cùng kỳ năm 2021, giá xăng trong nước đã tăng khoảng 45%, khiến CPI tăng nhiều hơn 1,68%. Theo Nguyên cục trưởng Cục quản lý Giá, khi giá xăng dầu tăng 10% trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, lạm phát của nền kinh tế sẽ tăng trực tiếp của vòng 1 khoảng 0,35% - 0,36%, nếu tính cả vòng 2 thì lạm phát sẽ tăng khoảng 0,87% - 0,90%, khiến tổng chi phí nền kinh tế tăng khoảng 0,352%.
Do vậy, giá xăng dầu tăng 10% thì sẽ làm cho GDP giảm 0,5%, tổng chi phí sẽ tăng 0,35% và lạm phát được thể hiện qua chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng kép từ 0,6% - 0,7%. Ngoài ra, khi giá xăng dầu cao quá sẽ làm vô hiệu hóa một số chính sách tài khóa như việc giảm 2% thuế VAT để kích thích tiêu dùng trong chương trình phục hồi kinh tế.
Tài liệu tham khảo:
- US Energy Information Administration (2021)
- OPEC (2022), Báo cáo thị trường dầu tháng 2.
- Tổng cục thống kê (2022), Báo cáo kinh tế xã hội tháng 2/2022, Hà Nội.
- FPT securities (2021), Tác động trái chiều từ diễn biến giá dầu.
- Bộ tài chính (2021), Thông tư 103/2021/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu được ban hành vào ngày 18/11/2021.
- Brian DePratto, Carlos de Resende, and Philipp Maier (2009), ‘How Changes in Oil Prices Affect the Macroeconomy’, truy cập ngày 09 tháng 03 năm 2022 từ www.bank-banque-canada.ca.
- Thống kê Hải quan (2022), Xuất khẩu hàng hóa sang một số nước/vùng lãnh thổ chia theo mặt hàng chủ yếu tháng 02/2022.