Cho dù bạn là người mới bắt đầu đầu tư hay đã xây dựng danh mục đầu tư của mình trong nhiều năm, thì việc biết câu trả lời cho “Chỉ số P/E bao nhiêu là tốt?” là thông tin có giá trị có thể giúp mang lại cái nhìn sâu sắc hơn về sức khoẻ của cổ phiếu mà bạn đang nhắm tới.
I. Chỉ số P/E là gì? Các loại chỉ số P/E
Chỉ số P/E là viết tắt của Price to Earning ratio - tỷ lệ giá trên thu nhập là tỷ lệ để định giá một công ty đo lường giá cổ phiếu hiện tại của nó so với thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS). Từ đó xác định được liệu cổ phiếu đang định giá như thế nào, và nhìn nhận được kỳ vọng thực tế của thị trường đối với cổ phiếu đó ra sao.
Chỉ số P/E trong các giao dịch chứng khoán
Chỉ số P/E còn được biết đến với cái tên bội số giá hoặc bội số thu nhập.
Có hai loại chỉ số P/E chính là Trailing P/E và Forward P/E, biến thể thứ ba ít phổ biến hơn đó là P/E cho năm tài chính.
Forward P/E còn được gọi là giá ước tính trên thu nhập trong tương lai, chỉ số này khá hữu ích trong việc so sánh thu nhập hiện tại với thu nhập trong tương lai, để cung cấp cho nhà đầu tư viễn cảnh về thu nhập đối với cổ phiếu nếu không có sự điều chỉnh và thay đổi kế toán khác.
Hạn chế khi sử dụng Forward P/E đó là các công ty có thể ước tính thu nhập cao hơn thực tế, rồi điều chỉnh trong các kỳ báo cáo tiếp theo, hoặc mỗi chuyên gia phân tích sẽ đưa ra một ước tính thu nhập khác nhau. Như vậy, tỷ lệ này dễ gây nhầm lẫn cho nhiều nhà đầu tư, khiến kỳ vọng của họ bị sai lệch.
Trailing P/E sẽ dựa trên kết quả hoạt động của công ty trong quá khức bằng cách chia giá cổ phiếu hiệu tại cho tổng thu nhập EPS trong 12 tháng qua. Chỉ số Trailing P/E được sử dụng phổ biến nhất vì nó khách quan nhất (với điều kiện báo cáo thu nhập của công ty là đúng).
Tuy nhiên, hạn chế của Trailing P/E đó là những hoạt động trong quá khứ của công ty không thể hiện được hoạt động trong tương lai. Thực tế thì EPS không đổi, trong khi giá cổ phiếu biến động nên phát sinh ra một vấn đề. Nếu một sự kiện lớn xảy ra ảnh hưởng tới công ty khiến giá cổ phiếu cao hơn hoặc thấp hơn đáng kể thì Trailing P/E sẽ ít phản ánh những thay đổi đó.
Nếu tỷ lệ Forward P/E < Trailing P/E tức là các nhà đầu tư đang kỳ vọng thu nhập sẽ tăng;
Nếu tỷ lệ Forward P/E > Trailing P/E tức là các nhà đầu tư kỳ vọng thu nhập sẽ giảm.
P/E cho năm tài chính sử dụng thu nhập trung bình trong khoảng một năm tài chính.
II. Ý nghĩa và vai trò của chỉ số P/E
Tỷ lệ P/E được các nhà đầu tư và nhà phân tích sử dụng để xác định giá trị tương đối của cổ phiếu của một công ty so với các công ty khác trong cùng lĩnh vực, để xem nó đang được định giá cao hay thấp.
Bên cạnh đó, cũng có thể dùng P/E để so sánh công ty đó hoạt động như thế nào theo các mốc thời gian.
Về bản chất, P/E cho biết số tiền mà một nhà đầu tư có thể kỳ vọng đầu tư vào một công ty để nhận được 1 đồng thu nhập của công ty đó. Đây là lý do tại sao P/E đôi khi được gọi là bội số giá vì nó cho biết nhà đầu tư sẵn sàng trả bao nhiêu cho mỗi đồng thu nhập. Nếu một công ty hiện đang giao dịch ở mức P/E gấp 20 lần, thì có thể hiểu là một nhà đầu tư sẵn sàng trả 20 đồng cho 1 đồng thu nhập hiện tại.
Tỷ lệ P/E giúp các nhà đầu tư xác định giá trị thị trường của một cổ phiếu so với thu nhập của công ty. Nói tóm lại, tỷ lệ P/E cho thấy thị trường sẵn sàng trả bao nhiêu hiện nay cho một cổ phiếu dựa trên thu nhập trong quá khứ hoặc tương lai của cổ phiếu đó. P/E cao có thể có nghĩa là giá cổ phiếu cao so với thu nhập và có thể được định giá quá cao. Ngược lại, P/E thấp có thể chỉ ra rằng giá cổ phiếu hiện tại thấp so với thu nhập.
P/E Forward là chỉ số được sử dụng thường xuyên
III. Công thức tính chỉ số P/E chính xác
Để tính được chỉ số P/E ta áp dụng công thức sau:
P/E = Giá trị thị trường trên mỗi cổ phiếu / thu nhập trên mỗi cổ phiếu = P/EPS
Ta lấy giá cổ phiếu hiện tại chia cho thu nhập trên mỗi cổ phiếu.
Giá trị cổ phiếu hiện tại sẽ được cập nhật mỗi ngày trên các trang web tài chính, nhưng EPS thì xác định hơi khó một chút. Mỗi giá trị EPS khác nhau sẽ hình thành nên giá trị hai loại P/E đó là Trailing P/E và Forward P/E.
Hiện tại, trên các bảng kỹ thuật hay sàn giao dịch chứng khoán đều được tính sẵn P/E của mỗi cổ phiếu, nhà đầu tư có thể nhìn ra ngay không cần phải tính toán cầu kỳ.
Công thức tính chỉ số P/E chính xác nhất
IV. Chỉ số P/E bao nhiêu là tốt?
Sự khác biệt giữa chỉ số P/E tốt và P/E xấu không thực sự rõ ràng như nhiều người vẫn nghĩ.
Nhìn chung, các nhà đầu tư thích tỷ lệ P/E thấp. Thông thường, tỷ lệ P/E trung bình là khoảng 5 đến 12. Nếu dưới con số này thì nhiều người coi là P/E tốt, và cao hơn thì là P/E xấu.
Tuy nhiên, các ngành khác nhau có thể có tỷ lệ P/E trung bình khác nhau. Ví dụ: tỷ lệ P/E là 10 có thể là bình thường đối với lĩnh vực bán lẻ tiện ích, nhưng lại là cực thấp đối với một công ty trong lĩnh vực công nghệ. Do đó, điều quan trọng là luôn so sánh tỷ lệ P/E với các công ty khác trong cùng ngành.
Khi so sánh chỉ số P/E với mức trung bình của thị trường hoặc đối thủ cạnh tranh, cổ phiếu có P/E thấp hơn thường là tốt. Điều này có thể lý giải là bạn đang chi tiêu ít tiền hơn cho mỗi đồng thu nhập của công ty đó.
Thế thì ngược lại, chỉ số P/E quá cao có thể coi là cổ phiếu không tốt, nó đang được định giá quá cao, bạn đang phải chi quá nhiều tiền cho mỗi đồng thu nhập của công ty.
Nhưng, trong một số trường hợp, tỷ lệ P/E cao có thể có nghĩa là các nhà đầu tư tin rằng thu nhập của cổ phiếu sẽ tăng trong tương lai. Vậy thì tỷ lệ P/E thấp tương đương với việc nhà đầu tư tin rằng lợi nhuận của công ty sẽ giảm trong tương lai gần.
Như vậy, không có một chỉ số P/E tốt cụ thể, nó chỉ là một công cụ so sánh chứ không phải một con số chuẩn.
Cách đánh giá chỉ số P/E phù hợp để đầu tư
V. Chiến lược đầu tư hiệu quả với chỉ số P/E
Hãy so sánh P/E hiện tại của công ty với P/E trong lịch sử của nó. Đồng thời, so sánh thêm với P/E hiện tại của công ty cùng ngành kinh doanh hoặc nhóm ngành. Nhìn chung, nếu P/E hiện tại của công ty ở mức thấp hơn trong P/E lịch sử hoặc thấp hơn P/E trung bình của các công ty tương tự, thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy cổ phiếu bị định giá thấp - bất kể hiệu quả kinh doanh gần đây.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, nếu tỷ lệ P/E của một cổ phiếu cao hơn đáng kể so với tỷ lệ P/E của các công ty cùng ngành khác hoặc thậm chí cao hơn tỷ lệ P/E lịch sử của chính công ty đó, thì đó có thể là do triển vọng tăng trưởng, nhưng cũng có thể cổ phiếu đó được định giá quá cao. Khi tâm lý chung của thị trường tích cực, tỷ lệ P/E có thể rất cao, do các nhà đầu tư đánh giá cao triển vọng tăng trưởng trong tương lai. Tuy nhiên, tỷ lệ P/E cũng có thể rất cao khi tổng thu nhập giảm đáng kể.
Trường hợp P/E thấp, cũng có thể báo hiệu rằng giá cổ phiếu không phản ánh chính xác giá trị thực của công ty dựa trên thu nhập của nó. Nhưng cũng có thể là nhiều nhà đầu tư không tin vào triển vọng tăng trưởng trong tương lai của cổ phiếu này, thu nhập của công ty khả năng là sẽ bị giảm.
Ứng dụng hiểu quả chỉ số P/E trong việc lựa chọn cổ phiếu
Bạn cần phân tích sâu hơn xem P/E cao là do cổ phiếu đang định giá quá cao hay đây là cổ phiếu tăng trưởng. Liệu có phải là dấu hiệu của sự cường điệu do thị trường thúc đẩy không, có những lý do nào khiến các nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận sẽ cao trong tương lai. Tương tự với P/E thấp
- đây sẽ là cơ hội mua cổ phiếu với giá thấp hay do kỳ vọng của nhà đầu tư quá bi quan vào cổ phiếu này? Bạn phải trả lời được những câu hỏi này trước khi đưa ra quyết định mua bán hay nắm giữ cổ phiếu.
Cần phải tìm hiểu thêm nhiều số liệu khác của công ty, như báo cáo tài chính, tình hình hoạt động công ty như thế nào…
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng cách tính P/E để định giá cho các chỉ số thị trường chứng khoán như VN30 chẳng hạn, bằng cách cộng giá của các cổ phiếu trong đó, sau đó chia nó cho tổng EPS của tất cả các công ty nằm trong chỉ số với thời hạn là 12 tháng. Điều này sẽ cho bạn biết các cổ phiếu trong đó đang bị định giá quá cao hay quá thấp, thể hiện tâm lý chung của thị trường và triển vọng tăng trưởng trong tương lai đối với những cổ phiếu trong đó.
VI. Ưu và nhược điểm khi sử dụng chỉ số P/E vào đầu tư
1. Ưu điểm của P/E:
Có thể sử dụng để so sánh giữa các cổ phiếu với nhau để xem cổ phiếu bị định giá thấp hay cao;
Được áp dụng phổ biến, nó là thước đo định giá được đề cập nhiều nhất trong tài chính, các nhà đầu tư có thể dễ dàng tra cứu P/E của các công ty;
Chỉ số P/E có thể xác định được giá trị của cổ phiếu so với toàn bộ chỉ số như thế nào;
Dễ dàng trong tính toán, cho nhà đầu tư nhìn thấy được cổ phiếu liệu có khả năng tăng trưởng hay không.
Lưu ý quan trong trong việc đánh giá P/E
2. Nhược điểm của P/E:
Việc tính toán EPS khá khó khăn, các nhà đầu tư phải tìm cách xác định thu nhập và các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập.
Giá thị trường biến động có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ P/E, điều này thường xảy ra hơn trong ngắn hạn.
Cơ cấu thu nhập của một công ty thường rất khó xác định, không đề phòng được trường hợp công ty đó khai khống, kế toán công ty chủ động che giấu chi phí để khiến thu nhập tăng lên.
Ngoài ra, các công ty có thể có thu nhập âm hoặc không có thu nhập, khiến bạn có tỷ lệ P/E là “0” hoặc âm, nếu so sánh bằng tỷ lệ này thì không có tác dụng gì cả.
Một nhược điểm khác của tỷ lệ P/E là bạn không thể sử dụng chúng để so sánh các công ty từ các lĩnh vực khác nhau. Mỗi ngành sẽ có một chỉ số P/E khác nhau, chỉ nên so sánh cùng ngành, cùng lĩnh vực.
Cuối cùng, ngay cả khi chỉ số P/E thấp đồng nghĩa với việc cổ phiếu đang được định giá thấp, điều đó không có nghĩa là nhà đầu tư nên mua nó ngay. Giá có thể rẻ vì những lý do khác, chẳng hạn như sự sụt giảm khách hàng. Hãy suy xét đến hết những khả năng có thể xảy ra.
Nói tóm lại, P/E cho biết liệu giá cổ phiếu của một công ty được định giá quá cao hay bị định giá thấp và có thể tiết lộ mức độ định giá của cổ phiếu so với nhóm ngành của nó hoặc một tiêu chuẩn như chỉ số VN-Index. Tuy nhiên, không nên chỉ xem giá trị chỉ số P/E để quyết định có đầu tư vào cổ phiếu đó hay không, cần quan tâm đến rất nhiều chỉ số khác để góc nhìn của bạn được toàn diện.