Facebook Topi

16/04/2025

Carl Icahn là ai? Tìm hiểu sự nghiệp

Carl Icahn là một trong những nhà đầu tư thành công nhất phố Wall với phong cách đầu tư đặc biệt khiến thị trường tài chính run sợ. Tìm hiểu Carl Icahn là ai

icon-fb
icon-x
icon-pinterest
icon-copy

Carl Icahn - một trong những nhà đầu tư trứ danh của phố Wall được biết đến với sự tàn nhẫn và lạnh lùng. Chỉ cần khoản đầu tư có lợi nhuận, ông sẽ bất chấp làm tất cả.

Carl Icahn là ai?

Carl Icahn (tên đầy đủ: Carl Celian Icahn) là một doanh nhân, nhà đầu tư người Mỹ gốc Do Thái. Ông sinh ngày 16/2/1936 tại Brooklyn, New York, Mỹ. Ông lớn lên ở Far Rockaway, Queens – khu phố được coi là khu “ổ chuột” ở New York.

Icahn bắt đầu sự nghiệp của mình trên Phố Wall với vai trò là một nhà môi giới chứng khoán cho Tập đoàn Dreyfus trước khi mua một ghế tại Sở giao dịch chứng khoán New York vào năm 1968.

Ông là người sáng lập ra Icahn Enterprises, một công ty quản lý quỹ lớn sánh ngang với Berkshire Hathaway của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, đồng thời cũng là cổ đông kiểm soát của công ty này.

Carl Icahn trên tạp chí Forbes

Ông từng giữ vai trò cố vấn cho Donald Trump trong những năm tháng đầu tiên nhiệm kỳ 1, nhưng ông đã rời bỏ vị trí này trong bối cảnh đầy tranh cãi.

Icahn từng nắm giữ vị trí thứ 94 trong danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới với khối tài sản lên đến 17,5 tỷ USD. Tuy nhiên, đến tháng 4/2025, tài sản của ông giảm còn 3,7 tỷ USD và giữ vị trí tỷ phú giàu thứ 934 thế giới. Theo Forbes, Carl Icahn, một trong những nhà đầu tư thành công nhất Phố Wall, đã làm rung chuyển giới doanh nghiệp Mỹ trong nhiều thập kỷ.

Thái tử Samsung là ai? Cuộc đời và sự nghiệp của thái tử như thế nào?

Ở tuổi 89, ông vẫn tiếp tục đầu tư của mình vào hàng loạt các tên tuổi lớn như Ebay, Apple và tích cực tham gia từ thiện. Ông đã quyên góp khoảng 200 triệu đô la cho trường Y khoa Icahn tại Mount Sinai hiện nay.

Hành trình thành công của nhà đầu tư Carl Icahn

Chơi Poker kiếm tiền ăn học

Năm 1954, Carl Icahn đậu vào Đại học Princeton, một trong những trường thuộc Ivy League của Mỹ. Đây là điều bất ngờ bởi vào thời điểm đó, rất hiếm người Do Thái được theo học tại các trường danh giá. 

Carl Icahn từng khởi nghiệp từ chơi Poker

Trong thời gian theo học đại học, gia đình chỉ có thể chi trả học phí, Carl Icahn phải tự trang trải sinh hoạt phí, do đó ông phải làm nhiều việc để kiếm sống. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn ông đến với Poker và trở thành tay chơi giỏi kiếm được lợi nhuận đáng kể. Trong những mùa hè, ông đã kiếm được khoảng 2.000 USD (tương đương với 50.000 USD theo tỷ giá thập kỷ 1950) từ trò đỏ đen này.

Bỏ học trường y để tham gia thị trường chứng khoán

Sau khi tốt nghiệp ngành triết học tại Đại học Princeton danh giá, Carl Icahn từng thử sức với ngành y tại Đại học New York (NYU). Tuy nhiên, chỉ sau hai năm, ông nhận ra mình không phù hợp với lĩnh vực này và quyết định bỏ học để gia nhập quân đội. Đây là bước ngoặt đầu tiên trong hành trình sự nghiệp đầy biến động của ông.

Đến năm 1961, Carl Icahn chính thức đặt chân vào thế giới tài chính với vai trò nhà môi giới chứng khoán tại Dreyfus & Co. Thời điểm đó, thị trường chứng khoán Mỹ đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng không lâu sau, sự kiện “Cú trượt dốc của Kennedy” đã khiến thị trường lao dốc, gây ra nhiều biến động. Chính trong bối cảnh đầy thách thức này, Icahn tích lũy được những kinh nghiệm quý báu, mở đường cho ông đảm nhận vai trò quản lý quyền chọn tại các công ty như Tessel, Patrick & Co. và sau đó là Gruntal & Co.

Carl Icahn và phu nhân Gail

Nổi tiếng với phong cách đầu tư quyết liệt và không ngại rủi ro – một phần được tôi luyện từ những ngày chơi Poker – Carl Icahn đã có một nước đi táo bạo khi vay 400.000 USD để đầu tư. Quyết định này đã mang lại trái ngọt khi ông thu về khoản lợi nhuận ấn tượng, ước tính từ 1,2 đến 2 triệu USD. Thành công này không chỉ củng cố niềm tin của ông vào khả năng đầu tư mà còn đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong sự nghiệp.

Năm 1968, với nền tảng kinh nghiệm và nguồn vốn tích lũy, Carl Icahn thành lập Icahn Enterprises – quỹ đầu tư mang tên mình. Đây là cột mốc quan trọng, đưa ông trở thành một trong những nhà đầu tư nổi bật nhất Phố Wall, người sau này được biết đến với biệt danh “kẻ săn công ty” nhờ chiến lược mua lại và tái cơ cấu doanh nghiệp đầy táo bạo. Sự nhạy bén và tầm nhìn chiến lược của ông đã biến Icahn Enterprises thành một đế chế đầu tư hùng mạnh, hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ năng lượng, ô tô đến bất động sản.

Chiến lược đầu tư của Carl Icahn

Hàng loạt những thương vụ đình đám như Marvel, Lionsgate, Time Warner, Yahoo, eBay…đã làm nên tên tuổi của Carl Icahn. Ông được mệnh danh là “kẻ thù” của các công ty Mỹ do các chiến lược mà ông áp dụng.

  • Chiến lược "corporate raider": Từ những năm 1970 và đặc biệt là trong thập niên 1980, Icahn nổi tiếng với vai trò là một "kẻ đột kích doanh nghiệp". Ông thường mua một lượng lớn cổ phần trong các công ty mà ông cho là đang bị quản lý yếu kém hoặc có tài sản bị định giá thấp. Sau đó, ông gây áp lực lên ban quản lý để thực hiện các thay đổi lớn, chẳng hạn như bán bớt tài sản, tái cấu trúc công ty, thay đổi lãnh đạo, hoặc thậm chí bán toàn bộ công ty.

Carl Icahn được xem là kẻ thù đột kích các công ty Mỹ

  • Chiến thuật "greenmail": Đây là hành động mua một lượng lớn cổ phần của công ty và sau đó đe dọa thực hiện một cuộc thâu tóm thù địch trừ khi công ty mua lại cổ phần của ông với giá cao hơn giá thị trường. Điều này mang lại lợi nhuận nhanh chóng và đáng kể cho Icahn, nhưng lại gây tổn hại đến công ty và các cổ đông khác.
  • Gây áp lực mạnh mẽ: Icahn sẵn sàng công khai chỉ trích ban quản lý, tiến hành các cuộc chiến để giành quyền kiểm soát hội đồng quản trị, và sử dụng mọi công cụ có thể để đạt được mục tiêu của mình. Điều này khiến nhiều giám đốc điều hành và hội đồng quản trị cảm thấy bị đe dọa và coi ông là một "kẻ thù".

Đôi khi những hành động của Icahn có thể mang lại lợi ích cho cổ đông trong ngắn hạn bằng cách tăng giá cổ phiếu nhưng lại không quan tâm đến sự phát triển bền vững và lâu dài của công ty. Việc bán bớt các bộ phận có giá trị hoặc tăng nợ để mua lại cổ phiếu có thể làm suy yếu công ty về lâu dài. Do đó, giới đầu tư sử dụng thuật ngữ hiệu ứng "Icahn Lift" để chỉ việc khi Carl Icahn tuyên bố đầu tư vào một công ty nào đó, giá cổ phiếu công ty đó thường tăng vọt ngay lập tức.

Năm 1985, Icahn vay tiền mua lại hãng hàng không TWA, ngay sau đó các nhà đầu tư xâu xé TWA như một miếng mồi để thanh lý tài sản khiến khoản nợ của ông được trả dần mà không tốn một xu để sở hữu cổ phần.

Ba năm sau, ông tiếp tục vay tiền và dùng lợi nhuận của TWA để mua lại cổ phiếu của hãng hàng không, thu về 469 triệu USD nhưng cũng khiến TWA gánh khoản nợ lên đến 540 triệu USD. 

Năm 1991, khi TWA không còn đủ khả năng sinh lời để bù đắp những khoản vay, Icahn đã bán lại đường bay có lợi nhuận cao nhất cho đối thủ và thu về 445 triệu USD rồi rời đi và để lại TWA bên bờ vực phá sản.

Năm 2012, Icahn  bán cổ phiếu Netflix thu về 2 tỷ USD, sau khi chúng tăng đến 457% trong vòng 14 tháng. 

Năm 2013, ông đầu tư 1 tỷ USD vào Apple, biến nó thành 17 tỷ USD. 

Năm 2021, sau khi bán cổ phiếu Herbalife, ông thu về 1,3 tỷ USD lợi nhuận.

Thuật ngữ Icahn Lift ra đời từ chiến lược đầu tư của Icahn

Quan điểm đầu tư của Carl Icahn

Carl Icahn theo đuổi chiến lược đầu tư chủ động, tập trung vào các cổ phiếu có P/E thấp hoặc giá trị sổ sách cao hơn định giá thị trường. Ông thường chọn các công ty nhỏ hoặc đang gặp khó khăn, mua vào lượng cổ phần lớn, rồi dùng vị thế cổ đông lớn để tạo áp lực thay đổi từ bên trong.

Thay vì chờ đợi tăng trưởng dài hạn, Icahn hướng đến tối đa hóa lợi nhuận trong ngắn hạn: chia nhỏ doanh nghiệp, bán tài sản, thực hiện mua lại cổ phiếu... miễn sao đẩy giá cổ phiếu lên càng nhanh càng tốt. Trung bình, ông không nắm giữ cổ phiếu quá 18 tháng.

Chiến lược của ông vừa gây tranh cãi, vừa hiệu quả – giúp ông kiểm soát nhiều tên tuổi lớn như Texaco, TimeWarner hay Viacom. Tuy nhiên, cũng có lúc thất bại, như thương vụ TWA năm 1985, khi chính sách chia nhỏ công ty khiến hãng này phá sản vào năm 1992.

Carl Icahn từng thẳng thắn: “Tôi không ngại va chạm. Tôi chỉ muốn công ty vận hành tốt hơn và cổ đông có lời nhanh hơn.” Và đó là cách ông trở thành “sói già” lão luyện của phố Wall.

Carl Icahn và cú "quay xe" bất ngờ với tiền mã hoá

Năm 2021, Carl Icahn – nhà đầu tư huyền thoại từng gọi crypto là “trò lố bịch” vào năm 2018 – bất ngờ tuyên bố đang xem xét rót tới 1,5 tỷ USD vào thị trường tiền mã hoá.

Sự thay đổi này khiến cộng đồng crypto ngỡ ngàng, bởi trước đó ông từng cho rằng mình “quá già” để theo kịp lĩnh vực này. Tuy nhiên, Icahn nhấn mạnh rằng nếu đầu tư, ông sẽ đi bài lớn và bài bản, chứ không phải chỉ “lướt sóng vài đồng coin”.

Dù vẫn tỏ ra thận trọng – cho rằng phần lớn đồng tiền mã hoá hiện tại sẽ không tồn tại lâu dài, nhưng việc ông cân nhắc đầu tư cũng đủ để khiến thị trường xôn xao. Đây cũng là dấu mốc cho thấy: ngay cả những “cây đa phố Wall” cũng không thể làm ngơ trước làn sóng blockchain.

Carl Icahn bị mất phần lớn tài sản bởi chính chiến lược săn mồi

Carl Icahn – “Sói già Phố Wall” và cú sảy chân tuổi 87

Từng là biểu tượng đầu tư tàn nhẫn của Phố Wall, Carl Icahn – nhà sáng lập Icahn Enterprises – đã bất ngờ mất 15 tỷ USD tài sản chỉ trong năm 2023 sau khi bị Hindenburg Research tung báo cáo chỉ trích tập đoàn của ông thổi phồng giá trị cổ phiếu và không đủ sức trả cổ tức cao.

Cú đánh bất ngờ này khiến cổ phiếu Icahn Enterprises lao dốc, tài sản ròng của ông rớt từ 25 tỷ xuống còn 10 tỷ USD. Trớ trêu thay, chính chiến lược "săn mồi" từng giúp ông giàu có giờ lại được áp dụng ngược trở lại.

Dù từng là cao thủ truyền thông, lần này “sói già” chọn im lặng, chỉ phản bác qua thông cáo báo chí. Ông cũng thừa nhận từng mất 9 tỷ USD vì đặt cược sai xu hướng thị trường.

Sau một thập kỷ bết bát, cổ phiếu Icahn Enterprises mất giá hơn 60%, uy tín của ông trong giới đầu tư suy giảm, và hiện ông đang dần chuyển giao quyền lực cho con trai – Brett Icahn.

Cuối đời, vị tỷ phú dành nhiều thời gian ở “thiên đường tỷ phú” Indian Creek, chơi tennis, uống martini, xem phim – nhưng có lẽ chính cuộc sống an nhàn ấy đã khiến bản năng “săn mồi” ngày nào trở nên mờ nhạt.

Những phát ngôn “để đời” của Carl Icahn

Nhà đầu tư huyền thoại của Phố Wall không chỉ nổi tiếng bởi những thương vụ thâu tóm táo bạo, mà còn bởi loạt câu nói sắc lẹm, thẳng như ruột ngựa, phản ánh đúng tinh thần của một “kẻ nổi loạn có chiến lược”. Dưới đây là những phát ngôn thể hiện rõ nhất cá tính và triết lý đầu tư của ông:

“Tôi kiếm tiền. Đơn giản vậy thôi. Đó là điều tôi sinh ra để làm, và tôi yêu nó.”

“Nếu hệ thống hoạt động trơn tru, những người như tôi đã chẳng thể kiếm tiền kiểu này. Các CEO được trả lương cao để làm công việc... tệ hại.”

“Khi phần lớn nhà đầu tư – kể cả chuyên gia – đều đồng tình với một điều gì đó, thường thì… họ sai.”

“Nếu anh không thay đổi, tôi sẽ thâu tóm công ty của anh. Còn nếu hội đồng quản trị không hành động, tôi sẽ thay họ làm điều đó.”

“Tôi là người đầy cạnh tranh. Gọi là đam mê hay ám ảnh cũng được. Nhưng đã làm gì là tôi làm tới bến – vì đó là bản năng.”

“Bài học kinh doanh đắt giá: Nếu muốn có một người bạn, tốt nhất là… mua một con chó.”

“Phố Wall nhìn lợi nhuận quý. Tôi nhìn vào giá trị doanh nghiệp. Họ mua con số, tôi mua tiềm năng – và thế là tôi thấy được điều mà họ bỏ lỡ.”

“Tôi lớn lên ở Queens. Tôi không sinh ra để đánh golf ở Florida. Một số người muốn tôi tổ chức tiệc nghỉ hưu, nhưng tôi thì chưa sẵn sàng.”

Bài viết từ TOPI hy vọng đã giúp bạn biết rõ Carl Icahn là ai cũng như phong cách đầu tư không ngại va chạm, tìm thấy cơ hội trong hỗn loạn với tư duy khác lạ.

icon-profile

Bài viết này được viết bởi chuyên gia

Ông: L.V.Thành - Chuyên gia tài chính TOPI

https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/Z6z8JjBpxg907RfQJYncefJP5dKLnygg6jp6qElB.png?w=1500&h=1386&v=2022
logo-topi-white

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VAM

Số ĐKKD: 0109662393

Địa chỉ liên lạc: Tầng 3, Tháp Văn phòng quốc tế Hòa Bình, 106 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Người chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Trần Hoàng Mạnh

Quét mã QR để tải ứng dụng TOPI

icon-messenger
float-icon