Khi vay vốn ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng, bạn sẽ được đề nghị mua bảo hiểm tín dụng. Nhiều người chưa hiểu bảo hiểm tín dụng là gì, vì sao cần mua bảo hiểm cho khoản vay. Cùng TOPI tìm hiểu nhé!
Bảo hiểm tín dụng là gì?
Bảo hiểm tín dụng (tiếng Anh: Credit Insurance) là một loại bảo hiểm giúp tránh rủi ro nếu người vay mất khả năng trả nợ. Trong trường hợp người vay gặp phải tai nạn hoặc sự cố dẫn đến mất khả năng thanh toán khoản vay, công ty bảo hiểm sẽ thay người vay thanh toán cho ngân hàng số nợ còn lại.
Bảo hiểm tín dụng giúp bảo vệ khoản vay trước rủi ro
Trong thương mại, bảo hiểm tín dụng còn gọi là bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bù đắp rủi ro trong trường hợp khách hàng phá sản, mất khả năng thanh toán.
Bảo hiểm tín dụng đem lại lợi ích cho cả người vay lẫn phía ngân hàng/tổ chức tín dụng, do đó người vay luôn được khuyến cáo mua bảo hiểm khi vay vốn từ ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng.
Ý nghĩa của bảo hiểm tín dụng đối với ngân hàng và người vay
Khi một khoản vay được bảo hiểm, nếu người vay gặp rủi ro mất đi khả năng trả nợ, công ty bảo hiểm sẽ thanh toán cho ngân hàng/tổ chức tín dụng số nợ còn lại.
Trong thực tế, cuộc sống luôn nhiều bất trắc. Người vay hoàn toàn có thể gặp phải rủi ro, biến cố nghiêm trọng như tai nạn, mất việc, bệnh tật, qua đời…, lúc này khó có thể trả những khoản nợ từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
Người vay không thể trả nợ đồng nghĩa với bên cho vay gặp rủi ro mất vốn, ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Lúc này, khoản bù đắp từ công ty bảo hiểm sẽ giúp xóa đi những mất mát này. Đây chính là ý nghĩa của bảo hiểm tín dụng.
Phí bảo hiểm tín dụng hiện nay là bao nhiêu?
Mức phí bảo hiểm khoản vay thường dao động từ 5 - 6% tổng số tiền vay trên hợp đồng. VD: Khoản vay 100 triệu thì phí bảo hiểm sẽ từ 5 đến 6 triệu đồng.
Ngân hàng có thể trực tiếp trừ khoản phí này vào số tiền giải ngân hoặc cộng thêm vào số tiền vay ghi trên hợp đồng và giải ngân cho khách hàng đủ số tiền cần vay.
Phí bảo hiểm tín dụng từ 5 - 6% vốn vay
Người vay có bắt buộc phải mua bảo hiểm tín dụng không?
Trước đây, khi vay tiền từ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính, người vay gần như sẽ bắt buộc phải mua bảo hiểm, nếu không đồng ý mua sẽ không được duyệt khoản vay. Đây gần như là hình thức “ép” mua bảo hiểm bởi quyền lợi chủ yếu bảo vệ ngân hàng trong khi làm tăng gánh nặng chi trả cho người đi vay, đặc biệt là nếu khoản vay lên tới vài tỉ đồng trở lên thì số tiền tăng thêm lên tới vài chục triệu.
Tuy nhiên, thực tế thì đây không phải là loại bảo hiểm bắt buộc nhưng người vay bị “buộc phải tự nguyện mua” nếu muốn được vay tiền.
Theo Điều 15 Luật Các Tổ chức Tín dụng 2024 quy định: Kể từ ngày 1/7/2024 trở đi, ngân hàng và các tổ chức tín dụng bị cấm bán bảo hiểm không bắt buộc đi kèm khoản vay dưới mọi hình thức, do đó bên cho vay không được ép khách hàng mua khoản vay này.
Thế nhưng khoản bảo hiểm này không phải vô ích, nếu trong khả năng, người vay nên đăng ký bảo hiểm tín dụng để vẫn hoàn thành nghĩa vụ trả nợ nếu có rủi ro, bất trắc xảy ra.
Những điều cần lưu ý khi mua bảo hiểm cho khoản vay
Việc mua bảo hiểm khoản vay tưởng như đơn giản nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu người vay không tìm hiểu kỹ. Để bảo vệ quyền lợi của chính mình, bạn nên lưu ý những điểm quan trọng sau:
Lưu ý đọc kỹ hợp đồng và các điều khoản bảo hiểm tín dụng
Cần đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm trước khi ký. Hãy chắc chắn rằng bạn đã hiểu rõ các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là:
- Điều kiện loại trừ: Những trường hợp nào công ty bảo hiểm không chi trả (ví dụ: tự tử, sử dụng chất kích thích, vi phạm pháp luật…).
- Thời gian hiệu lực của bảo hiểm: Bảo hiểm có thể không có hiệu lực ngay sau khi ký mà phải sau một khoảng thời gian nhất định. Việc hiểu rõ điều này sẽ giúp bạn tránh kỳ vọng sai lệch nếu rủi ro xảy ra sớm.
Bạn có thể yêu cầu tách riêng chi phí bảo hiểm khỏi khoản vay. Một số ngân hàng sẽ gộp phí bảo hiểm vào tổng số tiền vay, khiến bạn khó xác định chính xác mình đang vay bao nhiêu, trả lãi cho bao nhiêu. Hãy yêu cầu ngân hàng tách riêng phần chi phí bảo hiểm trong bảng kê để kiểm tra rõ ràng, minh bạch và có cơ sở đối chiếu nếu có khiếu nại sau này
Trên đây là những thông tin về bảo hiểm tín dụng cũng như ý nghĩa, tầm quan trọng của loại bảo hiểm này đối với khoản vay. Hy vọng TOPI có thể giúp bạn hiểu và có quyết định đúng đắn khi vay vốn và có kế hoạch sử dụng vốn vay tối ưu.