Facebook Topi

14/06/2022

Bài dự thi của thành viên ẩn danh

icon-fb
icon-x
icon-pinterest
icon-copy

Các nội dung chính

Để hưởng ứng cuộc thi My Portfolio – Danh mục của tôi, hôm nay mình xin phép được chia sẻ danh mục đầu tư tài chính của mình cũng như những phương pháp và quy tắc khi đưa ra quyết định đầu tư vào một loại tài sản. Do background của mình hoàn toàn không liên quan gì tới đầu tư hay tài chính nên tất cả các kiến thức đều thông qua việc tự học hỏi, nếu có bất kì thiếu sót hoặc sai sót gì mong các bạn bỏ qua cho mình. Các kiến thức liên quan tới đầu tư đều do mình tự tìm hiểu từ các nguồn sau đây:

- Tạp chí VnEconomy: https://vneconomy.vn/

- Tạp chí MonrningStar: https://www.morningstar.com/

- Trang web giới thiệu tất cả các kiến thức/thuật ngữ trong đầu tư https://www.investopedia.com/

- Trang web dành cho nhà đầu tư được cung cấp bởi chính phủ Mỹ https://www.investor.gov/

Trước khi xây dựng danh mục đầu tư hoặc lựa chọn giải ngân tiền mặt vào các loại tài sản, mình sẽ trải qua một số bước sau đây:

**1. Xác định mục đích đầu tư (Objective)**

- Mục đích đầu tư sẽ khác biệt với từng cá nhân, có bạn sẽ muốn đầu tư để có một khoản tiền chi trả khi về hưu, có bạn sẽ muốn có được một lượng tiền nhất định vào một thời gian định sẵn trong tương lai để chi trả cho du lịch / hôn nhân / giáo dục. Đối với bản thân mình, mục đích đầu tư của mình là nhằm để gia tăng tài sản hiện có của bản thân thông qua việc đầu tư vào các tài sản khác nhau & sử dụng thu nhập từ cổ tức để tái đầu tư nhằm tối ưu hóa lãi suất kép.

- Việc xác định được mục đích đầu tư rất quan trọng vì nó sẽ giúp các bạn định hướng được một cách rõ ràng danh mục đầu tư sẽ được cơ cấu như thế nào để đạt được mong muốn đặt ra mà vẫn kiểm soát được mức rủi ro / lợi nhuận một cách tốt nhất.

**2**. **Xác định các loại tài sản có thể đầu tư vào (Investments)**

- Sau khi xác định được mục đích đầu tư là nhằm gia tăng tài sản của bản thân, mình sẽ đi tới bước tiếp theo là liệt kê ra danh sách các hình thức có thể đầu tư, tính sơ qua NAV hiện tại của mình vào khoảng 500tr đồng, một số loại hình có thể xem xét đầu tư với mức NAV trên bao gồm:

+ Cổ phiếu: Một trong những hình thức đầu tư phổ biến nhất mà bất kì ai cũng có trong danh mục đầu tư

+ Trái phiếu: Thường thì việc đầu tư vào trái phiếu không nên dành cho nhà đầu tư cá nhân vì Việt Nam hiện tại đang thiếu hệ thống đánh giá chất lượng trái phiếu để giúp nhà đầu tư có thể chọn lựa dựa trên mức độ rủi ro của mình. Hơn nữa, đa phần các trái phiếu thường có giá trị từ 100tr cho tới 1 tỉ nên đây không phải là lựa chọn phù hợp với mình

+ Quỹ trái phiếu: Các quỹ trái phiếu thường được phát hành và đầu tư bởi các quỹ chuyên nghiệp, giá của mỗi CCQ cũng khá rẻ & mức phí đầu tư cũng thấp. Mặc dù hằng năm sẽ phải trả một khoản phí quản lí cho công ty quỹ & có phí bán, nhưng mình xem các loại phí này khá phù hợp cho những dịch vụ mình được nhận lại từ các công ty quỹ này. Một số quỹ trái phiếu có trong danh mục của mình bao gồm: DCBF, VFF, và MBVF

+ Quỹ cổ phiếu: Quỹ cổ phiếu cũng được phát hành & đầu tư bởi quỹ chuyên nghiệp, nhưng tài sản đầu tư sẽ là cổ phiếu. Theo mình hiểu thì hiện tại có 2 loại quỹ cân bằng & quỹ tăng trưởng. Quỹ cân bằng sẽ đầu tư vào cổ phiếu lẫn trái phiếu nhằm giúp cần bằng giữa rủi ro và lợi nhuận – Đây là sản phẩm phù hợp dành cho những ai có mức độ rủi ro trung bình. Trong khi đó thì quỹ tăng trưởng sẽ đầu tư vào cổ phiếu với mục tiêu đạt được mức tăng trưởng lớn nhất – Đây là sản phẩm dành cho những nđt chịu được độ rủi ro cao. Đối với quỹ cổ phiếu, danh mục đầu tư của mình nắm giữ cả 2 loại quỹ trên: DCDS, DCBC, VESAF và VIBF. Việc giải ngân bao nhiêu tiền đầu tư hằng tháng vào các quỹ này sẽ được thực hiện sau khi đánh giá mức độ rủi ro của thị trường vào thời gian đó. (Ví dụ như vào thời điểm tháng 4, tháng 5, mình đã dần giải ngân từ các quỹ trái phiếu sang các quỹ cổ phiếu của VinaCapital để gia tăng tài sản khi thị trường dần hồi phục. Việc lựa chọn các quỹ của VinaCapital thay vì Dragon Capital vào thời điểm trên bởi vì theo đánh giá cá nhân của mình thì danh mục đầu tư của các quỹ từ Dragon Capital có mức độ rủi ro cao hơn nhiều (phần lớn là vào ngân hàng) so với danh mục của VinaCapital (phần lớn vào các công ty sản xuất, hàng tiêu dùng) dựa vào tình hình lạm phát / kinh tế / chính trị tại thời điểm tháng 4 và tháng 5)

+ ETF: Quỹ hoán đổi danh mục, hiện tại ở VN các quỹ ETF được dùng để theo dõi các chỉ số như VN30, VN100, VN50. Đây là các quỹ đầu tư vào cổ phiếu nhưng được quản lí thụ động, không chủ động mua bán tài sản để phòng hộ khi thị trường đi xuống. Các quỹ ETF có mức phí quản lí khá thấp.

+ Crypto: Theo mình đây là loại tài sản có mức độ rủi ro cực cao & khi đầu tư vào crypto phải tìm hiểu thật kĩ ứng dụng của crypto cũng như xác định độ rủi ro của bản thân. Tài sản crypto duy nhất mình đầu tư vào là ETH

+ Vàng: Loại tài sản mà ai cũng kêu nên có để phòng hộ trong thời kì lạm phát. Tuy nhiên mình không có hứng thú với loại hình tài sản này vì cá nhân mình thấy nó không tạo ra giá trị hay lợi nhuận cũng như khó khăn trong việc bảo quản.

+ Bất động sản: Do NAV của mình hiện chỉ nằm trong khoảng 500tr đồng, việc cơ cấu một phần NAV vào bđs khá khó khăn vì khó tìm được bđs có mức giá thấp. Hơn nữa sở hữu / bảo quản tài sản bđs đối với mình cũng vô cùng rườm rà do bản thân còn bận công việc chính, không có thời gian để chăm lo cho loại tài sản này

+ Cho vay: Một loại hình đầu tư mà mình thấy khá thú vị, một ví dụ về hình thức đầu tư hiện đang xuất hiện tại VN là P2P Lending. Mức độ lợi nhuận khá tốt, tuy nhiên cũng đi kèm với rủi ro cao.

+ Tài sản tương đương tiền: Các loại tài sản tương đương tiền thường được mình dùng làm nơi tích trữ tài sản trong ngắn hạn để chờ giải ngân vào các loại tài sản khác như CCQ cổ phiếu, cổ phiếu. Nếu như giữ tiền mặt trong tài khoản ngân hàng thì sẽ chỉ nhận được lãi suất không kì hạn. Các loại tài sản tương đương tiền này sẽ cho lãi suất cao hơn một chút mà vẫn đảm bảo tính thanh khoản tốt & an toàn cao. Một số ví dụ bao gồm quỹ TCFF, VLBF và DCIP.

**3. Xác định rủi ro (Risk assessment)**

- Sau khi đã xác định xong các loại hình đầu tư mình có thể tiếp cận được cùng với mục đích đầu tư, mình có thể xác định được mức độ rủi ro của bản thân. Hiện tại mình mới chỉ 25 tuổi & cũng xác định sẽ vẫn tiếp tục làm việc ngay cả khi đạt được tự do tài chính. Mục đích đầu tư là nhằm để gia tăng giá trị tài sản và học hỏi về đầu tư nên danh mục đầu tư hiện tại sẽ nghiêng về mức độ rủi ro cao.

**4. Cơ cấu danh mục đầu tư (Investment asset allocation)**

- Thường thì mọi người sẽ khuyến nghị các bạn có mức độ chịu đựng rủi ro cao cơ cấu danh mục đầu tư theo hướng 70-30 (70% cổ phiếu, 30% trái phiếu) hoặc ngược lại 30-70 (30% cổ phiếu, 70% trái phiếu) nếu như bạn có mức độ rủi ro thấp.

- Cá nhân mình thấy rằng các khuyến nghị này cũng đúng phần nào nhưng còn thiếu vì có rất nhiều loại hình đầu tư khác nhau ngoài trái phiếu / cổ phiếu. Các khuyến nghị này thường được đơn giản hóa nhất có thể để bất kì ai cũng có thể dễ dàng hiểu & áp dụng.

- Đối với cá nhân mình, danh mục đầu tư luôn luôn có khoảng 4% tiền mặt và 8% tài sản tương đương tiền để có thể giải ngân ngay khi có các cơ hội tốt trên thị trường.

**5. Lựa chọn công ty sẽ đầu tư vào**

- Chiến lược lựa chọn các công ty mình sẽ đầu tư vào khá đơn giản:

+ Lựa chọn các công ty có sản phẩm tốt, gần gũi mà chính bản thân mình là khách hàng sử dụng dịch vụ của công ty đó và thấy nó có tiềm năng phát triển.

+ Trong trường hợp mình không phải là khách hàng sử dụng sản phẩm / dịch vụ của công ty đó thì chính bản thân mình phải hiểu được công ty đó làm về gì, có sản phẩm gì để xây dựng giá trị cho công ty.

+ Công ty phải có cổ đông lớn là các tổ chức, quỹ đầu tư có tầm nhìn, phát triển công ty.

+ Công ty cần phải có kiểm toán big4.

+ Công ty phải có chia cổ tức.

+ Công ty phải có dòng tiền dương để dành cho việc mở rộng kinh doanh sản xuất.

- Video về Peter Lynch này là nột trong những nguồn kiến thức mình thấy vô cùng giá trị về việc lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư mà tất cả mọi người nên tham khảo https://www.youtube.com/watch?v=4WsPTqcwLiA

**6. Xác định tần suất tái cơ cấu danh mục đầu tư**

- Sau khi đã cơ cấu xong danh mục, việc xác định tần suất tái cơ cấu danh mục đầu tư cũng khá quan trọng.

- Ví dụ nếu như bạn có một danh mục đầu tư 80% cổ phiếu và 20% trái phiếu và NAV là 1 tỉ đồng. Giả sử sau 1 năm, số tài sản cổ phiếu tăng 20% trong khi tài sản trái phiếu tăng 6%, như vậy tài sản cổ phiếu sau 1 năm sẽ là 1 tỉ đồng * 0.8 * 1.2 = 960 triệu đồng và tài sản trái phiếu sẽ là 1 tỉ * 0.2 * 1.06 = 212 triệu đồng. Lúc này tài sản cổ phiếu sẽ chiếm khoảng 82% danh mục đầu tư và trái phiếu sẽ chiếm 18% danh mục đầu tư. Việc tái cơ cấu lại danh mục sẽ giúp bạn bảo toàn được 2% giá trị danh mục kia (23tr440) bằng cách cơ cấu nó sang loại hình tài sản ít biến động hơn là trái phiếu. Như vậy rủi ro sẽ được cân bằng trở lại trong khi lợi nhuận vẫn sẽ đảm bảo được tái đầu tư để được hưởng lợi ích cao nhất của lãi suất kép.

- Đối với danh mục đầu tư của mình, sau khi tìm hiểu từ các nguồn thông tin trên mạng thì mình quyết định đặt ra tần suất cơ cấu danh mục là 1 lần / năm nhằm đảm bảo ít biến động mạnh về cơ cấu tài sản cũng như tránh các khoản thuế / phí phát sinh khi cơ cấu lại tài sản.

**7. Kết quả đầu tư**

- Cám ơn các bạn đã đủ kiên nhẫn để đọc qua bài viết về các bước đầu tư của mình. Sau đây là kết quả đầu tư của mình sau hơn 1 năm rưỡi (Bắt đầu từ khoảng tháng 10/2020) cho tới thời điểm hiện tại. Toàn bộ kết quả đầu tư đều được mình ghi chép lại mỗi cuối tuần vào 1 file Google sheet để tiện thống kê và theo dõi. Vào thời điểm hiện tại tài sản đầu tư của mình có NAV khoảng 513tr. Sau đợt giảm từ đầu tháng 1/2022, tài sản của mình mất khoảng 3 tháng để hồi phục và vượt đỉnh. Tuy nhiên các sự kiện đầu tháng 4 & tháng 5 đã kéo đi mất đâu đó khoảng 8% NAV. Kể từ đầu tháng 6 thì các khoản đầu tư trong khi thị trường đi xuống đã có vẻ phát huy tác dụng & giúp cho tài sản đầu tư phục hồi lại khá tốt.

- Hiệu suất đầu tư tính từ thời điểm bắt đầu cho tới hết năm 2021 vào khoảng 45.14%, trong khi hiệu suất đầu tư tính từ đầu 2022 cho tới nay hiện tại đang bị -9.33%. Tuy nhiên nếu tính từ khi bắt đầu đầu tư cho tới nay, NAV đã tăng 25.37% trong vòng 18 tháng. Mình cũng kì vọng rằng từ giờ tới cuối năm, thị trường sẽ dần hồi phục & hiệu suất đầu tư của danh mục sẽ là con số dương trong năm 2022 này.

#MyPortfolio #VWA #DanhMucCuaToi #TOPI

Các bạn có thể xem bài dự thi tại đây: https://www.facebook.com/groups/CoVanTaichinhVietnam/posts/3120027061583417/

 

https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/MCo8WKspUmbxAq3LGGasq33gzQVv0lR3isf7Irc2.png?w=500&h=386&v=2022
logo-topi-white

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VAM

Tầng 11, Tháp văn phòng quốc tế Hòa Bình, 106 đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

Quét mã QR để tải ứng dụng TOPI

icon-messenger
float-icon