CHIẾC ĐỒNG HỒ CUỘC ĐỜI
Chào mọi người, mình là Tăng Bá Duy, 27 tuổi, tác giả bài viết đạt giải cuộc thi 20Again vừa rồi. Những gì tích lũy và trải qua từ tuổi 20 mình đã chia sẻ trong bài viết trước, do đó mình để link bài viết được đăng tải trên webside TOPI.vn dưới comment và xin phép không nhắc lại.
Dạo gần đây, các câu chuyện về đầu tư được nói ngày càng nhiều, các bài viết tham dự cuộc thi có lẽ cũng đa phần nói về đầu tư tài sản tài chính, tài sản hữu hình và chủ yếu hướng tới người trẻ. Tuy nhiên mình nghĩ, nếu nói quá trình đầu tư để đạt đến tự do tài chính là một hành trình thì tiền bạc là phương tiện, cổ phiếu trái phiếu hay crypto… là những gì chúng ta nhặt lên đặt xuống, còn cách chúng ta tư duy là la bàn, là bản đồ của cuộc hành trình đó. Trước khi đi, mình nghĩ trước hết chúng ta phải định vị được hành trình. Chính vì vậy, trong quá trình từ 20 tuổi đến hiện tại, tài sản mình đầu tư nhiều nhất là tài sản vô hình, tầng chân đế quan trọng nhất của tháp tài sản. Có rất nhiều kiến thức, kỹ năng, phương pháp tư duy khác nhau mà mình học được. Ở bài viết này, mình xin được chia sẻ một trong những phương pháp tư duy đã giúp ích cho mình rất nhiều trong cuộc sống cũng như cách áp dụng nó trong công việc kinh doanh và đầu tư. Phương pháp có tên: CHIẾC ĐỒNG HỒ CUỘC ĐỜI. Nào, hãy đặt xuống bảng điện, pha tách trà ấm và cùng mình bắt đầu nhé!
Bạn nghĩ bạn đã đi qua bao nhiêu phần của cuộc đời mình?
Nếu câu hỏi này hơi khó hiểu, mình xin được diễn giải như sau: Giả sử tuổi thọ của bạn từ lúc sinh đến lúc chết là 24 giờ, bạn nghĩ bạn đang ở giờ thứ mấy? Nếu bạn vừa rời giảng đường Đại học, liệu đó có phải là 12h trưa? Nếu bạn đang gần 40 tuổi, liệu bạn đã già và tương đương với 21h tối? Thay vì ước đoán, chúng ta hãy cùng tính toán để tìm ra câu trả lời chính xác.
Mỗi ngày có 24 giờ, mỗi giờ có 60 phút, ta tính được mỗi ngày có 1440 phút. Giả sử tuổi thọ trung bình của con người là 80 tuổi, lấy 1440 chia 80, ta tính được mỗi năm tuổi tương đương với 18 phút, một thập kỷ tương đương với 3 giờ đồng hồ. Theo cách tính này, một người ở độ tuổi 20 tức là đang ở 6h sáng, 50 tuổi là 15h chiều và 70 tuổi tức người đó đang ở 21h tối. Đó là tính theo tuổi thọ trung bình kỳ vọng là 80, nếu bạn kỳ vọng khác, hãy tự thay đổi cách tính nhé.
Cuộc thi InvestAt20 hiện tại hướng tới các bạn có độ tuổi từ 20 tới 29, nếu theo cách tính trên, tương đương với khoảng thời gian từ 6h00 tới 8h42 phút sáng. Bạn thấy không, vẫn còn sớm chán! Giờ này hầu hết mọi người vừa ra khỏi giường và chuẩn bị cho một ngày mới, thay đồ, ăn sáng, trên đường đi làm, hoặc đang tập Gym như Lâm Tuấn (23 tuổi, thành viên tích cực của VWA). Một số công ty nếu làm sớm thì mới chỉ bắt đầu ngày làm việc. Thậm chí nếu hôm qua trót cú đêm, mình nghĩ bạn còn đang ngủ. Mọi thứ chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu. Một bạn sinh viên mới ra trường vào năm 23-24 tuổi, bắt đầu rời vòng tay gia đình và chập chững tiếp cận với xã hội, tương đương với khoảng thời gian từ 6h54 tới 7h12 khi chúng ta vừa ngủ dậy, rời chiếc giường êm ái để bắt đầu ngày mới. Bạn thấy hợp lý chứ?
Quay lại vấn đề đầu tư tài chính, nếu bạn đang ở độ tuổi 20-29 và tham gia thị trường chứng khoán, bạn kỳ vọng nhận được gì ở giai đoạn này? Kiếm 1 triệu đô? NAV vài trăm triệu tăng lên hàng chục tỷ? Lãi x2 x3 tài khoản sau một thời gian ngắn hay làm giàu nhanh và tự do tài chính dưới tuổi 30? Mình biết có rất nhiều người như vậy, bản thân mình cũng đã từng có mong muốn như vậy trong quá khứ. Nhưng nếu nhìn lại chiếc đồng hồ cuộc đời, hãy để ý chúng ta mới đang ở khoảng từ 6h00 tới 8h42 sáng, thời điểm mà mỗi người đang chuẩn bị bắt đầu cho một ngày lao động, và thành quả lao động chỉ có thể nhận được vào nửa cuối ngày chứ không thể nhận lúc ta đang chuẩn bị, đúng không? Vì thế, nếu đang ở thời gian chuẩn bị thì hãy làm tốt việc chuẩn bị. Thử và sai, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm, tìm những người thầy giỏi và theo học, hay nói đúng hơn là tích lũy tài sản vô hình. Nếu lỡ có gặp phải cú sụt giảm khiến bạn thua lỗ, hãy quay lại chiếc đồng hồ thời gian của mình để thấy rằng còn quá sớm để bạn nghĩ đến việc từ bỏ. Có ai nói ngày làm việc đã kết thúc ở lúc 8h42 sáng không? Còn rất nhiều cơ hội ở phía trước, và việc của chúng ta là ngưng kỳ vọng quá xa so với giờ khắc thực của bản thân mình.
Mình vẫn thường nghe các chuyên gia khuyên rằng: Hãy đầu tư sớm nhất có thể để tận dụng lãi kép. Điều này hoàn toàn đúng và không phải bàn cãi. Thế nhưng với những người đã đứng tuổi và bây giờ mới biết tới đầu tư, liệu cơ hội có phải đã hết hay không? Đừng bi quan, hãy nhìn vào chiếc đồng hồ cuộc đời. Nếu cô/chú nào đó ở tuổi trên 50 đang đọc bài viết này, thật dễ dàng để tính được cô/chú mới đang ở 15h chiều, quá sớm để hát “Và thế là hết” của Chillies, còn mấy tiếng nữa mới kết thúc giờ làm buổi chiều cơ mà. Thậm chí nếu cô/chú ở tuổi 65, chỉ mới 19h30 mà thôi, vẫn còn vô vàn hoạt động thú vị vào buổi tối mà cô/chú có thể tiếp tục thực hiện, trong đó có đầu tư. Một ngày không kết thúc ở 19h30!
Mình có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với anh Nguyễn Minh Tuấn, đồng sáng lập VWA, CEO AFA Capital… Ở lần nói chuyện gần nhất, anh có chia sẻ về việc làm ứng dụng Fintech TOPI, rằng: “Nhiều việc quá các em ạ, làm Fintech mà anh lại không phải dân công nghệ, thành ra anh đang phải học lại mọi thứ từ đầu”. Liệu trường hợp của anh Minh Tuấn có đúng với Chiếc đồng hồ cuộc đời hay không? Anh Minh Tuấn sinh năm 1980, năm nay anh 42 tuổi, tức đang ở khoảng 12h36. Mình có hỏi anh Tuấn và được biết bình thường thời điểm này anh đang ăn trưa. Ở khoảng thời gian này, hầu hết mọi người đều đang nghỉ ngơi sau giờ làm buổi sáng, có người ăn trưa, có người chợp mắt, có người giải trí, có người suy nghĩ cho công việc kế tiếp. Hay nói cách khác, đây là thời gian chuẩn bị cho buổi làm việc tiếp theo trong ngày. Vậy việc anh Minh Tuấn làm TOPI vào “buổi chiều” và học lại mọi thứ ở khoảng thời gian chuẩn bị vào “buổi trưa” lúc 12h36 không hề tiêu cực mà ngược lại, hoàn toàn hợp lý!
Tóm lại, với Chiếc đồng hồ cuộc đời, hãy coi đó như một Indicator trong TA. Để sử dụng tốt, nó cần phải được kết hợp với các “chỉ báo” khác, một trong số đó là lối tư duy tích cực. Mỗi khi vấp ngã, xuống tinh thần, chưa thành công trong đầu tư, kinh doanh, hãy lấy máy tính ra và tính thử thời gian của mình để thấy rằng vẫn còn sớm, cơ hội vẫn còn nhiều và tự tin bắt đầu lại. Như nhân vật Benjamin Button nói rất hay về điều này trong bộ phim The Curious Case of Benjamin Button (Dị nhân Benjamin Button) trong thư gửi con gái: “Không bao giờ là quá trễ hoặc, như trường hợp của cha đây, là quá sớm để trở thành bất cứ người nào ta muốn!”.
Với các nhà đầu tư từ 20-29 tuổi, trong đó có cả mình, giữa bối cảnh người người nhà nhà khoe lãi triệu đô, nếu bản thân chưa đạt được như vậy, sẽ tốt hơn nếu chúng ta hạ thấp kỳ vọng tiền bạc, coi đây là khoảng thời gian cặm cụi học tập và chuẩn bị. Đừng sợ bị bỏ lại, đừng FOMO, đừng kỳ vọng quá xa so với giờ khắc thực của bản thân, vì mình nhắc lại: CÒN SỚM CHÁN!
Hãy tính và comment bạn đang ở mấy giờ trong cuộc đời 24 tiếng của chính bạn nhé. Mình rất mong được xem nhiều Chiếc đồng hồ cuộc đời khác nhau. Sẽ rất thú vị đấy!
------------------------------------------------------
Bài viết sử dụng lý thuyết Đồng hồ cuộc sống của giáo sư Rando Kim, trường Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), được đề cập trong cuốn sách “Tuổi trẻ - Khát vọng và nỗi đau”.
Tăng Bá Duy
24-02-2022
Link bài viết: