Bao giờ mình có 1 tỷ đầu tiên nhỉ?
𝑀𝑒́𝑜 𝑏𝑖𝑒̂́𝑡 𝑙𝑢𝑜̂𝑛...
Đi làm tiết kiệm thì không đủ - đầu tư tích sản thì lại lỗ
Bài trước mình đã chia sẽ góc nhìn về tiết kiệm – chi tiêu và 1 góc nhỏ trong việc đầu tư trên hành trình đạt được 1 tỷ đầu tiên. Tiếp theo bài đó, bài này sẽ góp thêm góc nhìn quản trị rủi ro danh mục đối các bạn trẻ và đặc biệt là các bạn đang trên hành trình tìm kiếm 1 tỷ đầu tiên của đời mình.
Như chúng ta thấy, bóng đá VN chúng ta những năm gần đây vương tầm Châu lục với lý do mà ai cũng thấy rất rõ đó là phòng thủ, phòng thủ, phòng thủ và sau đó tấn công. Đối với nhiều người coi lối đá phòng thủ là không đẹp, nhưng đối với dân tộc ta thì đó là 1 sự vinh quang. Đối chiếu sang việc quản lý tài sản cá nhân thì nó cũng như thế, ai cũng biết muốn giàu thì bắt buộc phải đầu tư, mà nguyên tắc cốt lõi của đầu tư và quan trọng của việc đầu tư là bảo vệ tiền. Nếu không bảo vệ được tiền thì chẳng cần phải đầu tư để làm gì cả!
1. Cách xác định kênh đầu tư
Đầu tiên, chúng ta phải nói về chọn kênh đầu tư và lý do chọn nó. Đối với mình, mình không hề muốn mạo hiểm để phát sinh lỗ hay là có rủi ro mất hoàn toàn vốn. Do đó mình có 1 số nguyên tắc không thể thay đổi đối với việc chọn kênh đầu tư như sau:
- Tính pháp lý: Đây là ưu tiên số một của mình, nó có lời tới đâu hay dễ kiếm tiền cỡ nào mình không biết, nhưng nếu không được nhà nước bảo hộ thì thôi (chê…). Lý do đơn giản là vì trong trường hợp xấu nhất xảy ra thì vẫn còn cơ quan nhà nước đòi lại tiền cho mình. Đó là lý do mình không dám đầu tư Cryto, BĐS giấy tay không công chứng, chơi hụi…. (trong trường hợp tệ nhất, họ ôm tiền của ta đi mất thì ta làm gì được họ bây giờ???)
- Cách tạo ra lợi nhuận:Mình sẽ không đưa tiền cho bất cứ ai hay bất cứ khoản đầu tư nào nếu không hiểu rõ cách mà nó vận động tạo ra lợi nhuận và đặc biệt là cách mình có thể thu hồi vốn 1 cách chi tiết. Ví dụ: bạn mình kêu mình đưa tiền cho chuyên gia lướt Forex giùm, 1 ngày cam kết lãi 2%, nếu lỗ sẽ có bảo hiểm trả. Mình hỏi lại:”Chuyên gia họ lướt sóng như nào, mình xem danh sách lệnh của họ được không?”, “Thì họ là chuyên gia mà mày, sao mình biết được”. Trong trường hợp này thì mình sẽ không tham gia (chê…)
- Những rủi ro kèm theo: Nguyên tắc cơ bản “Không có bữa trưa miễn phí”do đó sẽ không có bất cứ ai giúp mình bất cứ gì mà họ không có lợi ích. Câu hỏi đầu tiên để xác định rủi ho là “Người nhận tiền đầu tư họ được lợi ích gì?” và “Rủi ro tệ nhất của mình là gì? Có cách nào để hạn chế rủi ro không?”. Bắt buộc phải tự trả lời được 3 câu hỏi trên rồi cân nhắc giữa được và mất để đưa ra tỷ trọng đầu tư là bao nhiêu.
Ví dụ tư duy thực tế của mình: Đầu tư Bitcoin
- Tính pháp lý: Không được bảo hộ
- Cách tạo ra lợi nhuận: Người sau mua giá cao hơn lúc giá mình mua
- Những rủi ro kèm theo:“Thằng bán bitcoin nó được tiền của mình, còn mình được gì? - Hình như được niềm tin rằng sẽ có người mua giá cao hơn”, “Rủi ro tệ nhất của mình là gì? - Chắc là mất trắng vốn như Luna”, “Vậy có cách nào để hạn chế rủi ro không ta? - Nên cắt lỗ ở mốc âm 7%”
ð Tổng hoà các nội dung trên, mình cảm thấy không thể bảo vệ được tiền nên mình không dám đầu tư vào Bitcoin (Đây là góc nhìn của riêng mình, không có ý bài xích hay không ủng hộ Cryto)
2. Kênh đầu tư, TSLN từng kênh và rủi ro
- Tiền gửi (TSLN 4%-5%): Cái này quá an toàn không cần bàn thêm, mình gửi tiền trong trường hợp cần sử dụng trong ngắn hạn < 3 tháng. (Mình hay gửi ở isave trong TCBS, rất tiện)
- Vàng (TSLN 8%-12%):Vàng là 1 dạng tài sản truyền thống, được chấp nhận lưu thông trên toàn thế giới (đồng VND của mình chỉ sử dụng được trong nước thôi, muốn lưu thông toàn cầu phải đổi sang đồng tiền của nước sở tại). Đặc tính của vàng mọi người thường dùng là chống lạm phát. Mình hiện tại có cầm 1 ít vàng nhưng khá ít, tại vì mình có cảm giác giá vàng đang không vận động theo nguyên tắc cơ chế thị trường.
- BĐS (TSLN 10%-20%):Đây là kênh mà đa số mọi người đều mong muốn tham gia, bài này dành cho các bạn tìm kiếm 1 tỷ đầu tiên, nên mình không chia sẻ nhiều và không khuyến nghị mua BĐS sớm. Góc nhìn của mình thì khi nào có 10 tỷ mới mua BĐS, vì lúc này mình có quyền lựa chọn BĐS mà mình muốn, BĐS mà mình cảm thấy có TSLN tốt nhất. Còn khi ta có ít tiền như 1 tỷ, 2 tỷ thì BĐS chọn ta chứ ra làm gì có quyền chọn BĐS, trung bình ở phân khúc BĐS chọn ta thì TSLN tầm 15%/năm là đã rất rất tốt rồi.
- Chứng khoán (TSLN 15%-25%):Đây là kênh có hàm lượng kiến thức nặng nhất, và là kênh duy nhất đáp ứng đầy đủ các tính chất phù hợp cho các bạn trẻ chinh phục hành trình 1 tỷ đầu tiên. Mình có giải thích chi tiết tại bài viết đầu tiền (Trên tường FB của mình). Đại ý là mình đầu tư theo phương pháp dài hạn,
3. Các lớp tài sản mình đã phân bổ.
Mình phân bổ như sau:
- Tiền gửi: Duy trì 20 triệu trong mọi trường hợp, tránh các rủi ro phát sinh đột xuất
- Vàng: 5 phân vàng nhẫn(TSLN 12 tháng gần nhất là hoà vốn)
- BĐS: Đầu năm tính mua 1 mảnh 1,5 tỷ (Có vay bank) nhưng tính đi tính lại với các lý do ở trên nên không mua nữa và cũng sẽ bỏ ý định mua BĐS cho đến khi đạt được mốc 10 tỷ.
- Chứng khoán: 95% tài sản (TSLN Năm 2019: 33%, 2020: 88,6%, 2021: 42,3%, 6 tháng 2022: -6%)
4. Lợi nhuận kỳ vọng và rủi ro của các lớp tài sản trong quá trình phân bổ.
Như các bạn cũng thấy ở phần 3, Danh mục tổng của mình gần như 100% ở chứng khoán, vậy việc của mình đó là quản trị doanh mục chứng khoán, cách quản trị của mình như sau:
- Mua đều tiền 10 mã cổ phiếu của 10 doanh nghiệp lớn nhất của mỗi ngành (Vốn hoá trên 1000 tỷ).
“Tại sao mình lại làm như thế?”
Ví dụ trong trường hợp xấu nhất trong cùng 1 năm sẽ có 2 công ty phá sản, mình mất 100% vốn, (tương đương với giá CP bằng 0 VND). Thì mình còn có 8 mã còn lại với mức TSLN trung bình 15% kéo lại, tổng cộng lại thì chỉ lỗ 5%/năm.
Nhưng đây là 10 mã đầu ngành, DN ngàn tỷ mà chết đột ngột thì rất rất hiếm. Thường 1 doanh nghiệp đầu ngành mà muốn chết thì thường nó phải có dấu hiệu trên báo cáo tài chính trong vài năm rồi mới bắt đầu đi xuống. Ví dụ rõ nhất trên thế giới có Nokia giậm chân tại chỗ bao năm mới bắt đầu đi xuống, VN có Vinamik không tăng trưởng vài năm mới bắt đầu đi xuống về thị giá.
Thật sự mình tự hỏi rất nhiều lần về việc làm sao để lỗ bây giờ?
Rủi ro và cách kiểm soát rủi ro:
- Chiến tranh: nếu VN có chiến tranh như Nga – U, Chứng khoán dừng giao dịch, chúng ta sẽ trở thành dồn tất cả trứng vào 1 rỗ và tệ nhất là mất hết vốn. – Biện pháp giảm thiểu:Mình chỉ nên dồn hết tài sản vào CK khi tài sản < 10 tỷ, còn ở mức 1 tỷ đầu tiên thì không cần phải lo lắng quá nhiều. VN có dấu hiệu xung đột chiến tranh thì hạ tỷ trọng ngay lập tức.
- Giá mua vào: Mình có 1 ví dụ để các bạn dể hiểu tách bạch giữa DN tốt và giá CP đắt hay rẻ như sau:
Ví dụ ta đầu tư 100 triệu vào quán Café và mỗi tháng ta lãi được 50 triệu (600 triệu/năm, ROE 600%). Nhìn sơ chúng ta cũng thấy, đây là 1 doanh nghiệp cực kỳ tốt. Lúc này có người đến hỏi mua lại DN này, nếu là bạn thì bạn bán DN này giá bao nhiêu? Đầu tư 100tr bán lại 200tr à? (lãi 100%). Hay bán giá nào? 2 tỷ hay 3 tỷ, bạn đầu tư có 100 triệu mà đòi bán 2, 3 tỷ thì có gì sai sai không?
Trả lời: Tại thị trường VN, trung bình 1 nhà đầu tư kỳ vọng đầu tư vào 1 doanh nghiệp thì sau 7 năm sẽ thu hồi vốn (TSLN 15%/năm). Quán Café này 1 năm lãi 600tr, tương đương với 7 năm thì lãi 4,9 tỷ đồng. Vậy bạn sẽ bán cho người mua DN của bạn với giá 4,9 tỷ (Đây gọi là định giá DN).
Một doanh nghiệp đầu tư vốn chỉ 100 triệu (vốn chủ sở hữu) nhưng bán với giá 4,9 tỷ (vốn hoá = Thị giá * SL cổ phiếu) là bình thường. Mình bán được giá cao hơn 4,9 tỷ thì gọi là bán mắc và ngược lại. Có nghĩa là DN thì tốt thật nhưng nó xứng đang giá nào, DN trị giá có 4,9 tỷ mà bạn mua với giá 1000 tỷ thì chuyện thua lỗ là điều đương nhiên. Chúng ta chỉ mua CP khi giá bán của nó thấp hơn giá thị thật của nó (Cái giá mà mua vô 7 năm thu hồi vốn).
Vậy làm sao biết được giá trị thật là bao nhiêu. Như mình thì mình tự định giá và tham khảo trên các trang mạng, các báo cáo phân tích của các CTCK. Nhưng chuyện tự định giá không hề dễ tí nào, mình hay sử dụng trang https://www.jitta.com/ để so sánh giá, vì trang này với mình định giá gần như tương đồng với nhau (Các bạn nếu sủ dụng trang này thì nhân với tỷ lệ 70% để ra quyết định mua bán)
- Rủi ro doanh nghiệp phá sản:Mình thì biết đọc BCTC nên 6 tháng mình xem Báo cáo 1 lần, nếu có dấu hiệu bất ổn thì mình sẽ đổi mã khác. Còn các bạn không rành về BCTC thì nên quan tâm đến TSLN, sau 1 năm nếu không đạt được 15% thì chúng ta sẽ loại và chọn CP khác.
5. Những sự biến động của danh mục qua các chu kỳ tăng giảm của thị trường và nền kinh tế.
Mình cứ cầm im như vậy, có tiền thì mua thêm vô và có cơ cấu 5 mã trong 2 năm. TSLN Năm 2019: 33%, 2020: 88,6%, 2021: 42,3%, riêng 6 tháng 2022 hiện đang âm (-6%).
Trong những lúc biến động của thị trường chung, DM của mình vẫn sẽ biên động đồng pha, nhưng DM của mình giảm ít hơn thị trường và tăng thì tăng mạnh hơn thị trường. Trong vài năm vừa qua, mình cảm thấy đầu tư theo PP này rất nhàn, cả năm chỉ lo công việc đi làm chính, cuối tuần nghía lại danh mục một tí. Đợt này giảm từ 1550 về mốc 1150 mà mình chẳng có tí gì gọi là sợ hãi. DM giảm 6% thì còn chưa cắn được 1 phần nhỏ LN tích luỹ từ năm 2022 nữa.
Bài viết này, mình tập trung chia sẻ 1 số góc nhìn về quản trị danh mục chứng khoán với thực tế của mình đang làm cho các bạn đang tìm cách kiếm 1 tỷ đầu tiền. Các bạn thấy chỗ nào mình ghi bị khó hiểu hay có chỗ nào chưa hợp lý thì nhờ các bạn comment bên dưới giúp mình với nhá.
Mình rất mong nhận được phản biện và góp ý cách quản trị danh mục hiện tại của mình để tiếp tục cải thiện và nâng cao khả năng quản trị rủi ro. Và chúc tất cả mọi người có 1 cuối tuần vui vẻ và thật phồn thịnh trong thời gian tới của thị trường.
Hãy tìm cách quản trị danh mục, đừng để danh mục như ảnh bên dưới nhá các bạn.
(Ảnh số tháng có lãi là DM của mình tính đến 31/5/2022, tính đến hiện tại thì tháng 6 hiện đang có lãi và do MWG chia cổ tức nên ghi nhận lãi lỗ chưa chính xác nên để ảnh tháng 5 và xin bổ sung sau)
#MyPortfolio #VWA #DanhMucCuaToi #TOPI
Các bạn có thể xem bài dự thi tại đây: https://www.facebook.com/groups/CoVanTaichinhVietnam/permalink/3127407497512040/