Có ai đã từng quan tâm đến hồ sơ rủi ro rủi ro của mình trước khi tham gia đầu tư không? Mình nghĩ là rất ít người xác định được hoặc hiểu rõ được hồ sơ rủi ro của bản thân trước khi đầu tư, bản thân mình cũng không phải ngoại lệ và cũng đã có bài học đắt giá từ việc này. Mặc dù kinh nghiệm đầu tư không có nhiều nhưng mình hy vọng câu chuyện của mình dưới đây có thể giúp mọi người trong tương lai.
Mình bắt đầu đầu tư thế nào?
Bắt đầu tư năm cuối đại học, hồi đó thậm chí mình còn không nắm rõ được thế nào là đầu tư vào vàng, vào trái phiếu, cũng không biết quỹ mở là gì, chỉ thấy bạn bè ai ai cũng đầu tư cổ phiếu, ai cũng khoe lãi. Thế là với số vốn ban đầu nho nhỏ của gia đình cho với mục đích “thử chút cho biết, có mất thì mất không nhiều”- mẹ mình nói vậy, mình đã bắt đầu tham gia mua bán “ba chữ cái” như vậy.
Bắt đầu có lãi không?
Phải nói là không may mắn là thời gian đầu đó mình đã có lãi, có lãi rất nhiều đối với một cậu sinh viên năm cuối mới tham gia thị trường như mình. Khoảng thời gian đó cũng là khoản thời gian thị trường thăng hoa từ đáy đi lên từ tháng 3,4 năm 2020. Chính vì có lãi nên mình đã rất tự tin, nghĩ rằng hóa ra đầu tư nó không khó đến như vậy, nghĩ rằng mình ngành mình học cũng là về tài chính, thậm chí còn đi học cả những chứng chỉ phân tích tài chính, như vậy là quá đủ để mình đầu tư có lời.
Chính vì sự tự tin cũng như thị thăng hoa đến điên dại của thị trường chứng khoán thời điểm đó, vào cuối năm 2020, sau khi tổng kết lại khoản đầu tư x bằng lần thì mình đã xin thêm tăng vốn từ gia đình với mong muốn tăng tài sản cho gia đình lên thật nhiều hơn nữa. Bố mẹ mình cũng tin tưởng vì cả nhà cũng chỉ có mình thằng con trai biết về tài chính và đầu tư, và bố mẹ cũng muốn giao hết các sổ tiết kiệm cho mình quản lý, và mình đã có quyết định rất sai lầm thời điểm đó, đó là: Mình đã tất toán hết các sổ tiết kiệm của gia đình để tham gia vào thị trường chứng khoán!
Rồi có lãi tiếp không?
Tiếp tục có lãi từ đầu năm 2021 với những con sóng bank, chứng, thép, mình dường như ngủ say trong chiến thắng, và quá tự tin vào những quyết định của bản thân. Và mình đã có những quyết định sai lầm, không tuân thủ kỷ luật đầu tư, mình bắt đầu nghe theo người này người kia “phím” hàng, với động cơ là muốn tài sản nhân lên thật nhiều thật nhanh càng tốt. Mình đã bắt đầu mất gần hết lãi từ những con sóng đầu năm, không chịu chấp nhận sự kém cỏi, mình tiếp tục gồng lỗ và đưa ra những quyết định sai lầm thêm! Để rồi tổng kết lại cả năm 2021, khi VN-Index cả năm tăng trưởng 36% thì danh mục mà mình đã huy động hết từ tiền gửi tiết kiệm của gia đình chỉ tăng chưa đến 10%!
Mình đã rất xấu hổ và thậm chí mất ăn mất ngủ vì không dám đối diện với gia đình, mặc dù bố mẹ không hề kiểm soát khoản đầu tư và đề ra mức lợi suất bắt buộc mà mình phải đạt được. Mình đã nhìn lại vấn đề, một cách bao quát hơn, hóa ra việc “all-in” toàn bộ tài sản tài chính của gia đình vào cổ phiếu như vậy có vẻ không phù hợp với hồ sơ rủi ro của bản thân mình thì phải. Đã có những ngày khoản lỗ khiến mình “mất ngủ” không thể tập trung vào việc học cũng như công việc của mình được. Mình cần phải có một cách phân bổ tài sản phù hợp hơn!
Vậy hồ sơ rủi ro đóng vai trò gì trong đầu tư?
Quay lại với hồ sơ rủi ro, vì vậy tại sao nên xác định hồ sơ rủi ro của mình trước khi đầu tư? Em xin phép anh Tuấn anh Long chia sẻ một số kiến thức em học được trong khóa học WI. Hồ sơ rủi ro (risk profile) được hiểu đơn giản là để đánh giá khả năng chịu rủi ro (ability to take risk)và mức độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro (willingness to take risk) của chúng ta. Mỗi chúng ta đều có một hồ sơ rủi ro riêng mà ở trong từng hồ sơ đó, sẽ có cách phân bổ tài sản sao cho phù hợp với từng người.
Ở WI, mình được học có 6 loại hồ sơ chính, tuy nhiên về tỷ lệ phân bổ cụ thể mình xin phép không nói cụ thể tại đây:
1. Rất an toàn (Phân bổ chủ yếu vào tiền gửi)
2. Thận trọng (Phân bổ chủ yếu vào tiền gửi, trái phiếu. Cố phiếu và vàng chỉ chiếm phần rất nhỏ)
3. Thận trọng vừa phải (Phân bổ chủ yếu vẫn vào trái phiếu. Cổ phiếu và vàng có tăng lên đôi chút)
4. Cân bằng (Phân bổ đều giữa trái phiếu, cổ phiếu. Phần còn lại dành cho vàng và tiền gửi)
5. Tăng trưởng (Phân bổ nhiều vào cổ phiếu, giảm tỷ lệ trái phiếu, tiền gửi và vàng)
6. Tăng trưởng mạnh (Phân bổ chủ yếu vào cổ phiếu, vàng, tiền gửi, trái phiếu chiếm tỷ trọng thấp)
Như vậy nhìn vào 6 loại hồ sơ trên thì không hề có hồ sơ nào giống của mình là “all-in” toàn bộ tài sản vào cổ phiếu cả.
Bài học rút ra là gì?
Sau khóa học, mình mới ngẫm nghĩ lại, hóa ra hồi đó mức độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro (willingness to take risk) của mình là lớn, khi mình sẵn sàng đầu tư vào “ba chữ cái” được mọi người hô hào, chỉ tìm hiểu qua loa về doanh nghiệp và kết quả kinh doanh, mình đã mua luôn với hy vọng x2,x3 tài khoản. Tuy nhiên, khả năng chịu đựng rủi ro của mình là còn kém, do tình trạng tài chính của mình còn ở giai đoạn phụ thuộc, cũng như các kinh nghiệm trên thị trường của mình còn ít. Như vậy việc “all-in” tài sản vào toàn bộ vào cổ phiếu đã tác động rất nhiều đến tâm lý đầu tư và dẫn đến những quyết định đầu tư sai lầm của mình thời điểm đó.
Lợi ích của việc xác định hồ sơ rủi ro trước khi đầu tư?
Sau khi được tư vấn từ anh Tuấn cũng như làm khảo sát về hồ sơ rủi ro, mình đã xác định hồ sơ rủi ro của mình là Cân bằng. Nghĩa là danh mục đầu tư của mình không chỉ phân bổ vào cổ phiếu, mà cần có cả danh mục trái phiếu, thứ đem lại lợi tức cố định cho mình, đóng vai trò “cân bằng” và “bảo vệ”khoản đầu tư vào cổ phiếu với lợi nhuận biến động kia. Ngoài ra, một phần nhỏ còn lại danh mục sẽ mua vàng và gửi tiết kiệm với mục đích phòng thủ. Mình mới tái cân bằng danh mục đầu tư từ đầu năm, nhưng cũng đã thấy dần dần được hiệu quả, khi không còn lo lắng nhiều khi “all-in” toàn bộ tài sản vào cổ phiếu như trước. Mình đã an tâm, tự tin hơn những lúc thị trường chứng khoán đi xuống bởi tổng danh mục đầu tư của mình được bảo vệ bởi các tài sản khác. Danh mục vàng của mình chỉ chiếm khoảng 10% tuy nhiên đã đóng vai phòng thủ cực kỳ tốt trong thời gian vừa qua khi giá vàng Thế giới liên tục tăng do lo ngại từ chiến tranh Nga-Ukraine, giá vàng trong nước thì cũng leo thang cùng giá xăng dầu. Danh mục trái phiếu được anh Tuấn tư vấn thì vẫn ổn định trả lãi coupon 3 tháng/lần đủ cover chi phí sinh hoạt hàng tháng cho cả gia đình. Như vậy với mình là đã đủ yên tâm đi ngủ mỗi tối rồi.
Vậy làm sao để xác định được hồ sơ rủi ro của bản thân?
Mọi người có thể xác định được hồ sơ rủi ro của mình bằng cách sử dụng TOPI, sau khi hoàn thành bộ câu hỏi, TOPI sẽ đưa ra hồ sơ rủi ro của chúng ta. Ngoài ra, TOPI cũng đưa ra mức lợi nhuận kỳ vọng phù hợp và gợi ý phân bổ tài sản đối với từng hồ sơ rủi ro. Cụ thể, mình sẽ để ở phần comment để mọi người tiện theo dõi hơn.
Lời kết
Như vậy có thể thấy việc xác định đúng hồ sơ rủi ro của bản thân, cũng như có một tỷ trọng phân bổ phù hợp với hoàn cảnh đầu tư, sẽ là một phương pháp giúp chúng ta quản lý tài sản và quản trị rủi ro một cách hiệu quả. Tất nhiên, đầu tư không chỉ là phân bổ tài sản là xong, mà còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác, tuy nhiên mình luôn nghĩ xác định và phân bổ đúng tài sản theo sơ giống như việc “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng” vậy! Hy vọng câu chuyện của mình sẽ giúp mọi người hiểu hơn về khái niệm hồ sơ rủi ro cũng như những lợi ích mà việc xác định đúng nó trước khi đầu tư. Cuối cùng, mình chúc toàn thể Cộng đồng Cố vấn Tài chính Việt Nam sức khỏe, bình an và hạnh phúc!
Link bài dự thi